Thành phố tính "siết" xây các công trình tập trung đông người như chung cư, cao ốc với điều kiện không gây kẹt xe mới cho triển khai nhưng lúng túng vì chưa có quy định.
Là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam thành phố, đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, Nhà Bè) nhiều năm qua trở thành "điểm nóng" ùn tắc khi mật độ nhà cao tầng xây dựng dày đặc hai bên. Trên đoạn dài khoảng 4 km từ chân cầu Kênh Tẻ đến khu vực Nhà Bè, hàng chục cao ốc, chung cư san sát nhau, quy mô hơn 100.000 căn hộ.
Phần lớn công trình nằm gần mặt đường, gây sức ép lớn đến giao thông khi thu hút hàng chục nghìn người qua lại mỗi ngày. Giờ cao điểm, ôtô, xe máy nhích từng chút, nhất là đoạn qua nút giao với đại lộ Nguyễn Văn Linh vì nơi này đang thi công hầm chui.
Kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, phía sau là các dãy cao ốc dày đặc, tháng 4/2024. (Ảnh: Thanh Tùng) .
Tại TP Thủ Đức, đường Mai Chí Thọ và Nguyễn Thị Định gần nút giao An Phú cũng dày đặc chung cư, cao ốc. Trong đó, nhiều dự án như The Sun Avenue, Precia, Centana... quy mô hàng nghìn căn hộ đã đưa vào sử dụng. Hiện, đại lộ Mai Chí Thọ đã cơ bản đầu tư hoàn chỉnh, nhưng tuyến Nguyễn Thị Định bề ngang chỉ 8-10m nên khu vực này thường xuyên quá tải.
Ngoài các trục đường chính, không ít cao ốc vẫn "cắm" vào những nơi hạ tầng đã quá tải, chật hẹp, khiến áp lực giao thông càng tăng. Đơn cử như cửa ngõ Tân Sơn Nhất, đường Phổ Quang chỉ dài gần hai km, rộng khoảng 8 m nhưng có khoảng 15 cao ốc với hàng chục nghìn căn hộ, khách sạn, văn phòng... Nhà cao tầng dày đặc, nhu cầu đi lại lớn khiến cửa ngõ sân bay vốn đã quá tải càng thêm ngột ngạt.
Tương tự, nhiều đường khác cũng đang "gánh" hàng chục cao ốc với số lượng dân cư liên tục gia tăng, như Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh; Bến Vân Đồn, quận 4; Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức;... Thống kê tại TP HCM hiện có hơn 1.400 tòa nhà cao tầng, tập trung ở các quận nội thành.
Theo Sở Giao thông Vận tải, từ trước đến nay khi triển khai dự án cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư..., cơ quan này dựa vào tính chất, quy mô, giao thông hiện hữu đề nghị các bên xem xét trước khi duyệt chứ không thể yêu cầu ngưng.
Đặc biệt, với dự án đã được chấp thuận đầu tư, duyệt quy hoạch, sở tham gia giải quyết tình huống như đề xuất giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc theo điều kiện hạ tầng thực tế.
Hai năm trước, TP HCM đã dự thảo văn bản hướng dẫn đánh giá tác động, kết nối giao thông khi xây dựng các công trình. Nội dung dự thảo được tham khảo từ nhiều nước như Mỹ, Nhật, Singapore... và đã gửi các bộ ngành liên quan góp ý. Nhưng theo phản hồi của Bộ Xây dựng, đây là hướng dẫn thực hiện nên các nội dung cần dựa theo quy định hiện hành.
Sau khi ra soát, thành phố nhận thấy chưa có quy định, trình tự, thủ tục, cùng chỉ tiêu đánh giá tác động giao thông nên chưa đủ cơ sở ban hành hướng dẫn này. Vấn đề trên gây khó cho công tác quản lý bởi hạ tầng giao thông nhiều nơi chưa đầu tư đồng bộ, trong khi nhu cầu phát triển đô thị lại rất lớn.
Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM chỉ đạt hơn 13%, kém khoảng 10% quy chuẩn. Mật độ đường giao thông đạt 2,34 km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn. Những chỉ tiêu này thấp hơn một số thành phố tương đồng như Bangkok, Singapore...
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập nước nhiều khu vực trên địa bàn thành phố là do phát triển đô thị và giao thông thiếu thống nhất. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm chuẩn hoá các chỉ tiêu, yêu cầu, làm cơ sở đánh giá tác động giao thông khi xây các công trình tập trung đông người.
Cụ thể, ngành xây dựng có thể dựa trên hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu dân số, tầng cao... đã được quy hoạch làm căn cứ cấp phép cho các dự án. Về nguyên tắc, vấn đề này không sai nhưng thực tế nhiều công trình lại đi trước giao thông. Ông ví dụ một con đường đang quá tải, chưa đầu tư mở rộng như quy hoạch nhưng vẫn "cắm" thêm các công trình như chung cư, cao ốc làm tăng kẹt xe, ngập nước.
"Tình trạng này ngoài ảnh hưởng đời sống, đi lại của chính người dân sống ở khu vực đó còn khiến ngân sách thêm gánh nặng khi phải chạy theo đầu tư hạ tầng, tiện ích xung quanh...", ông nói, thêm rằng nếu những nơi đã quá tải, doanh nghiệp muốn đầu tư thì phải đóng phí xây dựng hạ tầng, hạn chế tối đa các hệ luỵ có thể gây ra.
Xe ùn ứ vào đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức, tháng 5/2024. (Ảnh: Gia Minh).
Đồng quan điểm, TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, dù cho rằng hiện việc cấp phép cho các dự án chủ yếu theo hạ tầng tương lai. Nhà cao tầng dày đặc, dân cư tập trung đông, nhu cầu đi lại lớn, trong khi hạ tầng hiện hữu chưa đủ đáp ứng dẫn đến hệ luỵ kẹt xe, ô nhiễm, ngập úng...
Vì vậy, theo ông những khu vực chưa đảm bảo đồng bộ thì hạn chế cấp phép xây dựng, đồng thời di dời các trường học, bệnh viện... ra khỏi nội thành.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, với hơn 10 triệu dân, nhu cầu phát triển đô thị rất lớn, đồng nghĩa tác động của các công trình với giao thông cũng rất phức tạp. Vì vậy, việc đánh giá tác động giao thông khi làm dự án tập trung đông người là cần thiết theo đặc thù ở thành phố.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động theo ông Cường cũng là một giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp triển khai dự án. Ông dẫn chứng một nhà đầu tư muốn xây cao ốc 30 tầng, để đồng bộ với công trình này thì đường phải rộng 30m.
Tuy nhiên, đường hiện hữu chỉ rộng 10m, nếu thành phố chưa cho triển khai sẽ ảnh hưởng nhu cầu của doanh nghiệp. Lúc này, việc đánh giá tác động, xem xét mức độ đáp ứng của hạ tầng, tính toán phương án kết nối, nếu đảm bảo sẽ giúp dự án thực hiện sớm.
"Ví dụ như ở Thủ Thiêm, hạ tầng đã cơ bản xong, đường xá rộng rãi, nếu có dự án đầu tư thì việc đánh giá tác động rất dễ. Nhưng nhiều khu vực khác, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh mà cần lộ trình triển khai", ông Cường nói.
Cũng theo lãnh đạo thành phố, những nơi chưa đồng bộ thì cần đánh giá tác động giao thông để đảm bảo an toàn, không gây ùn tắc. Nhưng để thực hiện thông suốt cần quy định, pháp lý rõ ràng. Do đó, thành phố đang đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành các chỉ tiêu, phương pháp cũng như hướng dẫn thủ tục đánh giá tác động làm cơ sở triển khai.
Trước mắt, việc đánh giá tác động đơn thuần là chủ đầu tư cung cấp thông tin như dân số, phương tiện, bãi đậu xe... để ngành giao thông có dữ liệu và đưa ra giải pháp kết nối đồng bộ. "Việc này không phát sinh thêm thủ tục đối với doanh nghiệp, nhất là khi thành phố đang muốn đơn giản thủ tục cho nhà đầu tư", ông Cường nói.
https://vietnambiz.vn/tp-hcm-lung-tung-siet-xay-cao-oc-202451275635435.htm