TP. Hồ Chí Minh: Sắp xếp lại để doanh nghiệp nhà nước đủ mạnh dẫn dắt nền kinh tế

TP. Hồ Chí Minh đang chủ động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng trở thành công cụ mạnh cho chính quyền trong điều hình kinh tế. Sau sắp xếp, doanh nghiệp nhà nước sẽ có tiềm lực mạnh hơn, thể hiện vai trò rõ hơn và mở ra giai đoạn phát triển mới.

Gấp rút ban hành kế hoạch sắp xếp trong tháng 5/2024

Liên quan đến việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, với tình hình hiện nay thì việc xây dựng doanh nghiệp nhà nước đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển là rất cần thiết. Để công tác sắp xếp hiệu quả, thành phố cần xác định được hướng đi cho các doanh nghiệp này trước.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp bàn về sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định 184. Ảnh: Việt Dũng.

Cụ thể như, thành phố có thể đánh giá những doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả để chia thành các nhóm. Từ đó định ra hình thức sắp xếp như nhóm nào cần giữ lại, nhóm cần cổ phần hóa, nhóm hợp nhất, sáp nhập cho phù hợp.

Theo Quyết định 184/QĐ-TTg, UBND TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm cho ý kiến để người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp biểu quyết về việc thực hiện sắp xếp lại (hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản) đối với các doanh nghiệp và các công ty cổ phần khác, công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 184/QĐ-TTg (Quyết định 184) phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh đến hết năm 2025.

"Theo Quyết định này, địa phương được duy trì 32 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 10 doanh nghiệp cổ phần hóa, 3 doanh nghiệp sáp nhập."

Trên cơ sở đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố dự thảo kế hoạch sắp xếp theo 3 nội dung gồm: sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa 10 doanh nghiệp và sắp xếp theo dạng hợp nhất. Hiện Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan để dự thảo quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, cả hệ thống chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai dự thảo lấy ý kiến việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn theo Quyết định 184 và theo chia sẻ của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố phấn đấu ban hành kế hoạch sắp xếp này ngay trong tháng 5/2024.

Công cụ đủ mạnh để điều hành kinh tế

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc về sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc sắp xếp phải thực hiện nghiêm Quyết định 184, gắn với tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc sắp xếp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp lại một lần nữa, như là tái sinh doanh nghiệp với sứ mạng quan trọng hơn, nên phải tổ chức các doanh nghiệp đủ mạnh, trở thành công cụ mạnh cho chính quyền trong điều hành kinh tế.

Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định 184 được nhìn nhận sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: Đỗ Doãn

Sau sắp xếp, doanh nghiệp nhà nước phải mạnh hơn, thể hiện rõ vai trò hơn và tạo ra thời kỳ mới cho doanh nghiệp phát triển. Do đó, cần những định hướng cụ thể cho từng nội dung sắp xếp như việc giữ lại 100% vốn đối với 32 doanh nghiệp nhưng cần nghiên cứu và có ý kiến thống nhất từ đơn vị đến cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý.

Về kinh tế nông nghiệp, cần lưu ý đến việc nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật công tác để xuất khẩu, bởi TP. Hồ Chí Minh là nơi thực hành, nghiên cứu phát triển các công nghệ, kỹ thuật canh tác để xuất khẩu, là trung tâm thương mại, giao dịch nông sản tầm quốc tế.

‘‘Hay mô hình công ty công ích của TP. Hồ Chí Minh phải như thế nào cho phù hợp, để sau tái cơ cấu sẽ là công cụ mạnh giải quyết các vấn đề như an sinh, phúc lợi và quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn đô thị. Đối với nhóm 10 doanh nghiệp cổ phần hóa, cần cần nghiên cứu, thực hiện theo Quyết định 184 của Thủ tướng, gắn chặt với định hướng tái cơ cấu các doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa theo nguyên tắc giữ lại nội dung cần thiết, vấn đề gì thị trường làm được thì mạnh dạn cổ phần hóa…’’ - ông Mãi nói.

Quyết định 184/QĐ-TTg nêu rõ, TP. Hồ Chí Minh chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn sớm hơn lộ trình được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật. Song song đó, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại các văn bản cá biệt đối với các trường hợp không thực hiện được theo Quyết định này do điều kiện thị trường không thuận lợi hoặc gặp vướng mắc, khó khăn khách quan.

Đỗ Doãn-Link gốc

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-sap-xep-lai-de-doanh-nghiep-nha-nuoc-du-manh-dan-dat-nen-kinh-te-150685.html