TPB: Lãi trước thuế 9 tháng tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; ACB: Lãi trước thuế 9 tháng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước; PNJ: Lãi sau thuế 9 tháng tăng 132,7% so với cùng kỳ năm trước

, ,

BẢN TIN SÁNG NGÀY 24/10/2022

  1. THÔNG TIN THẾ GIỚI

• Quốc hội Đức phê chuẩn gói cứu trợ 200 tỷ euro

– Nhằm bảo vệ các công ty và hộ gia đình tránh khỏi các tác động do tình trạng giá năng lượng leo thang hiện nay, Quốc hội Đức vừa thông qua gói cứu trợ 200 tỷ euro (tương đương hơn 194 tỷ USD) do chính phủ đề xuất.

– Với quyết định này, Quỹ Bình ổn kinh tế – một quỹ đặc biệt ngoài ngân sách liên bang, có thể vay 200 tỷ euro để cung cấp nguồn lực mới cho kế hoạch “Lá chắn phòng thủ” nhằm bảo vệ các công ty và hộ gia đình trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Số tiền có thể được sử dụng cho đến giữa năm 2024 để tài trợ cho kế hoạch giảm giá khí đốt, giá điện cũng như hỗ trợ các công ty gặp khó khăn.

– Về khí đốt, một ủy ban chuyên gia do Chính phủ Đức thành lập đã đề xuất nhà nước trước mắt bù giá trong tháng 12 và từ tháng 3 năm sau, mức giá trần sẽ được áp dụng với hạn ngạch cơ bản là 80% mức tiêu thụ thông thường. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ liên bang có thực hiện các đề xuất theo kế hoạch này hay không.

  1. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút tiền về qua kênh tín phiếu

– Ngày 10/10/2022 sự kiện gây bất lợi thanh khoản tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khiến Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng bơm tiền ra hỗ trợ hệ thống qua thị trường mở, với quy mô lên tới quanh 100.000 tỷ đồng; số dư này tính đến ngày 20/10 vẫn còn lên tới 92.203,69 tỷ đồng do nguồn bơm ra có kỳ hạn khá dài, 14 và 28 ngày trước đó.

– Song, tuần vừa qua, sau khi thanh khoản hệ thống đã ổn định trở lại, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng liên tục lao dốc (từ 7-8%/năm về gần 3%/năm và thấp hơn lãi suất USD), tỷ giá USD/VND vượt mốc 24,500 và Ngân hàng Nhà nước lập tức đảo chiều cấp tập hút bớt tiền về.

– Thị trường ghi nhận Nhà điều hành liên tiếp có những phiên hút bớt tiền về lên tới 20.000 – 30.000 tỷ đồng. Tổng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước hút bớt về qua kênh tín phiếu tính đến ngày 20/10 đã lên tới 109.998,7 và phiên 21/10 hút về tiếp 16.200 tỷ đồng.

– Sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút bớt lượng tiền lớn nói trên, lãi suất VND đã tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất VND qua đêm từ về sát 3%/năm trước đó bật trở lại quanh 4,6%/năm tính đến sáng 21/10.

– Ngân hàng Nhà nước phải trở lại hút bớt lượng tiền lớn như trên để gián tiếp cân đối lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, bởi chênh lệch lãi suất VND với USD ở đây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá.

• Từ đầu năm đến 15/10/2022, Việt Nam xuất siêu hơn 7 tỷ USD

– Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/10/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 585 tỷ USD. Cùng với đó, cán cân thương mại đạt thặng dư lớn, xuất siêu hơn 7 tỷ USD.

– Tính chung từ đầu năm đến 15/10/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 296,34 tỷ USD. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD từ đầu năm đến 15/10/2022 là: Điện thoại các loại và linh kiện (47,7 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (43,79 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (36,1 tỷ USD); hàng dệt, may (30,31 tỷ USD); giày dép các loại (19,07 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (12,8 tỷ USD).

– Tính chung từ đầu năm đến 15/10/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 289,09 tỷ USD. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD từ đầu năm đến 15/10/2022 là: Chất dẻo nguyên liệu (10,23 tỷ USD); vải các loại (11,99 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (67,21 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (16,75 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (36,14 tỷ USD).

  1. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

• ACB: Lãi trước thuế 9 tháng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước

– Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 của ngân hàng đạt 13.503 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2021 và đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm.

– Tổng thu nhập hoạt động của ACB trong 9 tháng đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 20,7%, đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng ấn tượng 21%, đạt 2.600 tỷ. Bancassurance đóng góp tỷ trọng lớn cho thu nhập phí dịch vụ của ngân hàng với doanh số bán bảo hiểm thuộc top đầu thị trường.

– Chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 93,6% so với cùng kỳ xuống còn 180 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022. Điều này giúp ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

– Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản ACB đạt 561.114 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Nợ xấu của ngân hàng ở mức 4.056 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng.

• TPB: Lãi trước thuế 9 tháng tăng 34% so với cùng kỳ năm trước

– Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với thu nhập từ lãi thuần đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đều ghi nhận tăng trưởng lần lượt 91% và 75% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 683 tỷ và 118 tỷ đồng.

– Ngân hàng TPBank đã giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 1.345 tỷ đồng quý 3/2021 xuống còn 328 tỷ đồng trong quý 3/2022. Qua đó, kéo mức lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng này đạt 2.137 tỷ đồng, tăng 54,13% so với cùng kỳ năm trước.

– Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.925 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và hoàn thành 72% kế hoạch cả năm.

– Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu tại TPBank tính đến 30/9/2022 là hơn 1.425 tỷ đồng, tương ứng tăng nhẹ từ 0,81% hồi đầu năm lên 0,91%.

• PNJ: Lãi sau thuế 9 tháng tăng 132,7% so với cùng kỳ năm trước– Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2022.

– Theo đó, trong bối cảnh thị trường bán lẻ có sự hồi phục, PNJ ghi nhận doanh thu thuần quý III năm 2022 đạt 7.364 tỷ đồng, tăng gần 740% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng so với mức -160 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

– Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của PNJ đạt 25.574 tỷ đồng, tăng 104,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.340 tỷ đồng, tăng 132,7% so với cùng kỳ năm trước.

– Biên lợi nhuận gộp trung bình lũy kế 9 tháng đạt 17,4% so với mức 18,5% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán của kênh lẻ.

– Tính đến cuối tháng 9/2022, hệ thống PNJ có 354 cửa hàng độc lập bao gồm 334 cửa hàng PNJ Gold, 8 cửa hàng PNJ Silver (+299 SiS), 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery (+9 SiS), 4 cửa hàng Style by PNJ (+27 SiS) và 2 cửa hàng PNJ Watch (+84 SiS) và 3 CH PNJ Art.

  1. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

– Phiên giao dịch ngày 21/10/2022, thị trường diễn biến tiêu cực với áp lực bán gia tăng mạnh khiến VN-INDEX giảm hơn 38 điểm, đóng cửa tại mốc 1.019,82 điểm (-3,65%).

– Về độ rộng thị trường, áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng với 453 mã giảm/31 mã tăng, trong đó có tới 137 mã giảm sàn. Thanh khoản tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó, đạt 14.616 tỷ đồng.

– Tác động mạnh đến đà giảm của VN-INDEX là nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 với các mã giảm mạnh như VHM (đóng góp giảm 2,268 điểm), CTG và MSN (gần 2 điểm). Ở chiều tích cực chỉ có SAB hỗ trợ chỉ số tăng 0,277 điểm.

– Cả 10 nhóm ngành đều rơi vào đà giảm sâu, tiêu biểu có nhóm ngành Nguyên vật liệu và Năng lượng, giảm hơn 6,2%, Tiêu dùng và Công nghệ thông tin giảm hơn 5%. Các nhóm ngành khác giảm từ 2 – 4%. Top 3 nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm có Tài chính (3.275 tỷ đồng), Công nghiệp (1.679 tỷ đồng) và Nguyên vật liệu (1.745 tỷ đồng).

– Khối ngoại đã nâng giá trị bán ròng lên hơn 439,8 tỷ đồng, tiêu biểu có HPG (-232,63 tỷ đồng), VHM (-153,21 tỷ đồng) và VND (-83,9 tỷ đồng). Chiều mua ròng có các đại diện như VNM (+95,55 tỷ đồng), MSN (+51,1 tỷ đồng) và VCB (+45,52 tỷ đồng).

– Áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước đã đẩy VN-INDEX về vùng hỗ trợ tại 1.000 – 1.020 điểm. Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ kể trên của VNINDEX, đồng thời có sẵn các kịch bản để hành động phù hợp với chiến lược đầu tư cá nhân. Ưu tiên giữ tỷ lệ cổ phiếu ở ngưỡng an toàn và hạn chế tham gia mới với những mã cổ phiếu đang chịu áp lực bán mạnh.

1 Likes