TP Hồ Chí Minh hiện là trung tâm tài chính của cả nước và là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Việc từng bước nâng lên thành trung tâm tài chính của khu vực, quốc tế là hướng phát triển phù hợp với vị trí, vai trò, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh.
TPHCM có tiềm năng rất lớn trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới. Ảnh: Anh Tú
Thời điểm lý tưởng xây trung tâm tài chính quốc tế
Từ đầu những năm 2000, trong định hướng phát triển, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã chú trọng phát triển thị trường tài chính, xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó hình thành ý tưởng về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Hơn 20 năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định là điều kiện để các trung tâm tài chính hình thành, phát triển ở TPHCM. Trong khi đó, với vị thế đầu tàu nền kinh tế cả nước, TPHCM hiện đóng góp 15,5% GDP (tổng sản phẩm nội địa), chiếm hơn 20% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) cả nước.
Mật độ tập trung của các định chế tài chính ở TPHCM vào loại cao nhất cả nước. Thành phố đang có 2.138 đơn vị thuộc ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tổng huy động vốn tại TPHCM chiếm hơn 24% cả nước, tổng dư nợ cho vay ở địa phương cũng chiếm tới hơn 28% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. TPHCM cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hiện chiếm 95% thị trường và hơn 54% GDP cả nước.
Dự kiến trong năm 2024, TPHCM sẽ trình Quốc hội về khung pháp lý, cơ chế cho trung tâm tài chính quốc tế. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, mục tiêu là hình thành khung chính xây dựng sách vượt trội so với các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực ASEAN; hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đảm bảo minh bạch, an toàn cho các nhà đầu tư tài chính và ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư tại trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
“Về phần mình, TPHCM cam kết sẵn sàng quỹ đất; sẵn sàng quy hoạch; sẵn sàng hạ tầng; sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các nhà đầu tư” - lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh.
Ra đời sau phải tạo nên khác biệt
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế TPHCM), TPHCM đã từng tạo ra các làn sóng thu hút đầu tư đem lại sự lan tỏa cho nền kinh tế cả nước.
Làn sóng thứ nhất đến từ sự khởi đầu xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp. Làn sóng thứ hai chính là nâng chất lượng dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ, lao động chất xám, lao động có tay nghề kỹ thuật cao. TPHCM đã hình thành khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, thu hút các tập đoàn đa quốc gia.
Làn sóng thứ ba chính là việc triển khai trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Nếu như hai làn sóng trước giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì làn sóng này thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế để tạo dựng nguồn lực về vốn, giải quyết vấn đề thị trường tiền tệ, thị trường tài chính đem lại sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế. Đồng thời, thu hút được những “sếu đầu đàn”.
TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TPHCM - cho rằng, để một trung tâm tài chính hình thành và có khả năng phát triển phải dựa trên 5 trụ cột chính: nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, các ngành tài chính tập trung và danh tiếng đô thị. Xét trên 5 trụ cột này thì TPHCM có nhiều triển vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
“Nghị quyết 98 với nhiều cơ chế đột phá nhưng chưa đề cập đến trung tâm tài chính quốc tế. Do đó cần có một Nghị quyết riêng của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế TPHCM, với hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù” - ông Trần Du Lịch nói.
MINH QUÂN
https://laodong.vn/kinh-doanh/tphcm-vuon-minh-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-1332798.ldo