Trạm BOT Phú Hữu: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo phí chồng phí

Một số doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu đã gửi đơn "kêu cứu" đến chính quyền TP. Hồ Chí Minh về nỗi lo gánh thêm phí khi trạm BOT Phú Hữu sắp hoạt động.

Trước đó, Báo Công Thương đã thông tin, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (trước đây là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng để đưa trạm BOT Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh ) vào thu phí trong quý III/2024.

Hiện tại, trạm BOT Phú Hữu được doanh nghiệp lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng với 6 làn xe gồm 3 làn cho mỗi hướng, có 1 làn hỗn hợp.

Trước sự việc trên một số doanh nghiệp ngành logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng hoá qua cảng bến cảng Tân Cảng - Phú Hữu (1 phần của Tân Cảng - Cát Lái) và bến cảng SP-ITC đã có đơn kêu cứu đến Thành uỷ, UBND TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan.

Trong đơn này, Công ty TNHH Giấy Chánh Dương (trụ sở tại Bình Dương) cho biết, đơn vị đang sản xuất hàng hoá và xuất khẩu đi thị trường châu Á và châu Âu với sản lượng hàng năm đạt 20.000 container (20”) và 120 container (40”), thông qua cảng Tân Cảng - Cát Lái và cảng SP-ITC.

Khi triển khai thu phí tại trạm BOT Phú Hữu vào thời điểm này sẽ gây áp lực khủng khiếp lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trạm BOT Phú Hữu: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo phí chồng phí- Ảnh 1.

Trạm BOT Phú Hữu dự kiến sẽ bắt đầu thu phí trong quý III/2024. (Ảnh: Sỹ Đồng - Tấn Hiệp).

Theo đại diện Công ty Giấy Chánh Dương, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 từ Việt Nam đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng trong đa dạng các ngành hàng, đặc biệt các ngành hàng trong điểm như dệt may, da giày, gỗ... Những chỉ số dự báo được cho là lạc quan nhất về tình hình kinh tế chung của năm 2024 đang còn bỏ ngỏ, chưa khẳng định ngành xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn sắp tới. Với tác nghiệp cho container hàng hoá từ TP Hồ Chí Minh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại, đã và đang chịu nhiều chi phí liên quan.

Trong đó, ngoài chi phí thông qua cảng, hãng tàu, thuế và phụ phí xuất nhập khẩu, doanh nghiệp này phải chịu thêm chi phí cầu đường khi vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh phía Đông - Tây vào TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, phải đóng phí tại các trạm như: BOT Xa lộ Hà Nội (160 nghìn đồng/lượt xe, không phân loại container); trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (163 nghìn đồng/lượt/container rỗng, 342 nghìn đồng/lượt/container hàng).

Ngoài ra, hàng hoá được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam vào TP. Hồ Chí Minh cũng bắt buộc phải trả phí thêm tại trạm BOT cầu Phú Mỹ (80 nghìn đồng/lượt xe); trạm BOT đường Nguyễn Văn Linh (35 nghìn đồng/lượt xe). Thêm nữa, các doanh nghiệp còn phải đóng phí hạ tầng cảng biển cho TP. Hồ Chí Minh mức 250 nghìn đồng/container 20 feet và 500 nghìn đồng/container 40 feet kể từ ngày 1/4/2022 đến nay.

Với những phân tích trên, đại diện Công ty Giấy Chánh Dương cho rằng, việc thu phí tại BOT Phú Hữu đẩy doanh nghiệp vào cảnh “phí chồng phí” khi đưa hàng vào xuất nhập khẩu tại các cảng khu vực Phú Hữu, bởi đây là khu vực tập trung nhiều cảng biển có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ xuất nhập khẩu, nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ, đồng thời là tuyến huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải đi trên cùng một tuyến đường.

“Nếu trạm BOT Phú Hữu đi vào hoạt động, chi phí chúng tôi phải nộp cho trạm này là 132 nghìn đồng/2 lượt vào ra với container 20 feet và 266 nghìn đồng/2 lượt vào ra với container 40 feet. Chưa kể so sánh với các trạm BOT hiện hữu, với chiều dài 2,6 km đường Nguyễn Thị Tư với mức thu phí như vậy đang chêch lệch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cho phí xuất nhập khẩu của chúng tôi, khiến mức lợi nhuận của doanh nghiệp mỏng đi, thậm chí bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải” , đại diện Giấy Chánh Dương cho hay.

Trạm BOT Phú Hữu nằm ở tuyến đường độc đạo ra vào cảng và khu dân cư - (Ảnh: Sỹ Đồng - Tấn Hiệp).

Tương tự, Công ty TNHH QTL Logistics (trụ sở tại TP. Thủ Đức), đang kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và sản xuất hàng hóa đi thị trường châu Á, với sản lượng hàng năm đạt 100 container 20 feet và 500 - 600 container 40 feet, thông qua cảng Tân Cảng - Cát Lái và cảng SP-ITC cũng có đơn cầu cứu đến chính quyền TP. Hồ Chí Minh về việc sắp thu phí trạm BOT Phú Hữu.

Theo ông Lê Quang Lâm – Giám đốc công ty QTL Logistics cho rằng, việc thu phí trên là không hợp lý và tạo thêm những áp lực không đáng có với hoạt động của đại đa số doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

“Việc vận chuyển hàng hoá vào cảng này đã chịu nhiều chi phí qua các trạm hiện hữu rồi, giờ đưa trạm BOT Phú Hữu vào hoạt động nữa sẽ tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp về chi phí, để lại hệ lụy tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp”, Ông Lâm cho hay.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp này cũng cho rằng, khoảng cách từ ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh rẽ vào đường Nguyễn Thị Tư đến vị trí đặt trạm thu phí BOT Phú Hữu chỉ cách 300 m là khoảng cách quá ngắn để các xe nối đuôi nhau qua 2 làn trạm ra vào.

“Với mật độ xe container lưu thông lớn tại các thời điểm sau các khung giờ cấm hiện nay, kể cả việc trạm BOT Phú Hữu lắp đặt hệ thống thu phí tự động sẽ có nguy cơ gây kẹt xe, tắc nghẽn tại khu vực này. Như vậy, việc trạm BOT Phú Hữu hoạt động không chỉ tốn phí cho doanh nghiệp còn ảnh hưởng tới việc lưu thông, quay vòng xe và phát sinh thêm chi phí nhiên liệu do kẹt xe, xếp hàng. Gây nguy cơ mất an toàn giao thông” , đại diện Công ty QTL Logistics phân tích.

Từ thực trạng trên, các doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh có thể xem xét miễn giảm hoặc giảm trừ chi phí thu, thay đổi phương án, hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư dự án BOT Phú Hữu để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Trạm thu phí nằm gần ngã 3 Nguyễn Duy Trinh - Nguyễn Thị Tư dễ gây ùn tắc mỗi khi có nhiều phương tiện ra vào cảng - (Ảnh: Sỹ Đồng - Tấn Hiệp).

Trước đó, năm 2012, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (trước đây là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, trên địa bàn phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là dự án theo hình thức BOT, được khởi công ngày 6/6/2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm. Đến nay, sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT này đã hoàn thành.

Để thực hiện việc thu phí theo dự kiến, ngày 8/3/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 705/QĐ-UBND về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Phú Hữu. Theo quyết định này, mức thu ở trạm BOT Phú Hữu nhỏ nhất 510 nghìn đồng/tháng (đối với xe dưới 12 ghế ngồi) và cao nhất là gần 4 triệu đồng/tháng (đối với tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet).

Việc thu phí này cũng vấp phải phản đối của người dân, vì trạm BOT Phú Hữu đang được đặt trên tuyến đường độc đạo ra vào khu dân cư hiện hữu. Hàng nghìn hộ dân sống trong khu vực này sắp tới không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền đi qua trạm để được vào nhà mỗi ngày.


Theo Sỹ Đồng - Tấn Hiệp

Báo Công Thương

https://cafef.vn/tram-bot-phu-huu-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-lo-phi-chong-phi-188240518085521857.chn