Giữa lúc giới chuyên gia tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc bắt đầu cắt giảm lãi suất ít nhất tới tháng 9 năm nay, một câu hỏi khác đang được đặt ra: lãi suất sẽ giảm tới mức nào trong dài hạn?...
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Câu trả lời cho câu hỏi trên tùy thuộc vào lãi suất trung tính (neutral rate) - mức lãi suất mà ở đó cung cầu tiết kiệm trong nền kinh tế đạt được trạng thái cân bằng, dẫn tới sự ổn định ở cả tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Lãi suất trung tính không thể được quan sát trực tiếp, mà chỉ có thể suy luận và ước lượng.
Trong suốt 40 năm qua, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà kinh tế học và cả các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed đều giảm mức ước tính của họ về lãi suất trung tính. Sự điều chỉnh giảm này đã được phản ánh sâu vào lợi suất trái phiếu, lãi suất vay thế chấp nhà, giá cổ phiếu và vô số các tài sản khác. Nhưng theo tờ báo Wall Street Journal, nhiều người giờ đây nhận thấy có lý do để lãi suất trung tính tăng lên.
Cách đây 5 năm, sau khi Fed nâng lãi suất quỹ liên bang - tức lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương này - lên mức 2,4%, giới chức Fed đã nhận thấy những dấu hiệu của tăng trưởng và lạm phát suy yếu. Sau đó, họ bắt đầu hạ lãi suất - một hành động cho thấy hàm ý rằng lãi suất trung tính ở thời điểm đó ở vào khoảng 2,4% hoặc thấp hơn.
Nhưng khi Fed tăng lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,25-5,5% vào năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 23 năm trở lại đây, nền kinh tế Mỹ có vẻ không hề suy suyển. Điều này dẫn tới lập luận cho rằng lãi suất trung tính có thể đã cao hơn.
“Nền kinh tế đã chống chọi đặc biệt tốt với mức lãi suất cao hiện nay. Cách đây 10 năm, không ai dám nói lãi suất cao như thế này mà nền kinh tế vẫn có thể khỏe như thế này. Ước tính của chúng tôi về lãi suất trung tính đang tăng lên theo dòng dữ liệu kinh tế hàng quý”, nhà kinh tế trưởng Joe Davis của Công ty Quản lý quỹ đầu tư Vanguard, nhận định.
LÃI SUẤT TRUNG TÍNH TĂNG HAY LÃI SUẤT CAO CÓ ĐỘ TRỄ
Nhưng nhu cầu trong nền kinh tế duy trì ở mức cao chưa chắc đồng nghĩa lãi suất trung tính tăng lên, mà có thể đó là do tác dụng của việc tăng lãi suất chưa ngấm hết vào hệ thống tài chính. Không ít hộ gia đình và doanh nghiệp đã chốt được khoản vay khi lãi suất còn thấp, nhờ đó tương đối “miễn nhiễm” với ảnh hưởng của những đợt tăng lãi suất gần đây.
Dựa trên sự vững vàng của hoạt động kinh tế trong môi trường lãi suất cao, “một kết luận có thể rút ra là lãi suất trung tính phải tăng lên. Nhưng một kết luận khác cũng có thể được rút ra, một kết luận mà tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý nếu dựa trên cùng một bộ dữ liệu như vậy. Đó là nền kinh tế hiện không nhạy cảm lắm với lãi suất” - nhà kinh tế trưởng Kris Dawsey của công ty quản lý quỹ phòng hộ D.E. Shaw nói với Wall Street Journal.
Bởi vậy, việc mô hình hóa hiệu ứng của lãi suất không chỉ đòi hỏi ước lượng lãi suất trung tính, mà còn phải tính đến mức độ nhạy cảm của chi tiêu đối với sự thay đổi của lãi suất và cả độ trễ giữa chi tiêu và giá cả. “Cần tính đến nhiều yếu tố đi đến một quyết định đúng đắn, nhất là khi sai sót ở một chỗ lại bị nhầm là sai sót ở chỗ khác”, nhà kinh tế trưởng Jason Thomas của công ty đầu tư Carlyle Group phát biểu.
Mỗi quý, Fed lại đưa ra dự báo về lãi suất trong dài hạn, mà về thực chất chính là ước tính của Fed về lãi suất trung tính. Từ năm 2012 đến 2019, con số trung bình của dự báo mà các quan chức Fed đưa ra về lãi suất trong dài hạn đã giảm từ 4,25% xuống còn 2,5%. Sau khi trừ đi lạm phát 2%, điều này đồng nghĩa với lãi suất trung tính thực là 0,5%. Con số này sau đó chỉ tăng nhẹ lên mức 0,6% vào tháng 3 năm nay, nhưng không phản ánh đầy đủ biến động trong dự báo của từng quan chức Fed.
Trong lần cập nhật dự báo vào tháng 3, có 9 trong số 18 nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed ước tính lãi suất trung tính thực ở mức trên 0,5%. Hai năm trước, chỉ có 2 người đưa ra con số như vậy. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, tuyên bố rằng sau nhiều năm dự báo lãi suất trong dài hạn ở mức 2,5%, bà đã tăng mức dự báo lên 3% trong cuộc họp tháng 3.
Cuộc tranh luận về lãi suất trung tính có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Fed trong ngắn hạn, vì lãi suất quỹ liên bang hiện nay đang cao hơn gần như tất cả các mức ước lượng về lãi suất trung tính. Điều này có nghĩa là lãi suất Fed đang gây trở ngại đối với tăng trưởng và lạm phát, và nhiều khả năng sẽ giảm thay vì tăng thêm. Nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ còn vững và lạm phát dai dẳng, giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cho rằng lãi suất trung tính đã tăng lên, mức lãi suất hiện tại của Fed là chưa đủ thắt chặt. Trong trường hợp như vậy, Fed có ít lý do hơn để tiến hành cắt giảm lãi suất.
Ngược lại, nếu tiến trình giảm lạm phát được nối lại, những câu hỏi về lãi suất trung tính sẽ góp phần quyết định Fed cắt giảm lãi suất bao nhiêu.
Fed muốn “bình thường hóa chính sách, nhưng bình thường hóa đến mức nào” - nhà kinh tế trưởng về Mỹ của ngân hàng Goldman Sachs, ông David Mericle, đặt câu hỏi. “Fed sẽ không giữ lãi suất ở vùng 5%, nhưng việc bình thường hóa sẽ không đưa lãi suất về 2,5%. Vùng 3% hoặc 4% sẽ là ngưỡng lãi suất mà Fed cảm thấy thoải mái để dừng lại, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì chưa rõ”, vị chuyên gia cho biết.
LÝ DO KHIẾN LÃI SUẤT TRUNG TÍNH TĂNG
Có một số lý do dẫn tới việc lãi suất trung tính có thể đang tăng lên: thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ liên tục tăng cao, đầu tư mạnh vào cuộc chuyển đổi xanh, và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy nhu cầu trung tâm dữ liệu có mức tiêu thụ điện năng lớn. Năng suất lao động cao hơn nhờ AI cũng có thể thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và kéo lãi suất trung tính tăng lên.
Trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Lorie Logan của Fed chi nhánh Dallas cảnh báo rằng lãi suất hiện nay có thể không thắt chặt như những gì mọi người vẫn tưởng vì lãi suất trung tính đã tăng lên. “Không nhận ra xu hướng tăng bền vững của lãi suất trung tính có thể dẫn tới chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức”, bà Logan nhấn mạnh.
An Huy
https://vneconomy.vn/tranh-luan-ve-lai-suat-trung-tinh-cua-fed.htm