Triển vọng đầu tư công năm 2025

, , , , , ,

Đầu tư công là một trong những yếu tố cốt lõi của chiến lược phát triển kinh tế ở mọi quốc gia, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Ngành này đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện hạ tầng cơ sở và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

I. Thực trạng đầu tư công năm 2024
Trong năm 2024, hoạt động đầu tư công diễn ra tương đối trầm lắng với vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt 495.900 tỷ đồng sau 11 tháng, chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 64,3% kế hoạch cả năm. Đây là mức tăng trưởng thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh các gói kích cầu kinh tế thông qua đầu tư công. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước đến hết tháng 12/2024, cả nước giải ngân được trên 529.632 tỷ đồng, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2025. Đầu tư công là một trong những yếu tố cốt lõi của chiến lược phát triển ...
Dưới tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội đang biến động mạnh mẽ, việc triển khai các dự án đầu tư công tại Việt Nam gặp phải nhiều thách thức lớn. Những kỳ vọng về sự bứt phá trong phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư không dễ dàng trở thành hiện thực khi hàng loạt rào cản xuất hiện. Trong đó, các vướng mắc pháp lý, sự khan hiếm nguyên vật liệu hay áp lực giải phóng mặt bằng đang là 3 trong nhiều yếu tố chính gây cản trở trực tiếp đến tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án. Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thiện hạ tầng mà còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội.

Vướng mắc pháp lý: Luật Đất đai 2024, được kỳ vọng là bước tiến lớn trong cải cách quản lý đất đai, đã tạo ra nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu áp dụng. Các quy định mới yêu cầu quy trình thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng phải minh bạch và chặt chẽ hơn, nhưng điều này vô tình khiến thời gian phê duyệt kéo dài.

Chẳng hạn, dự án đường Vành đai 4 Hà Nội đã nhiều lần trì hoãn do các thủ tục pháp lý phức tạp liên quan đến thu hồi đất và giải quyết tranh chấp. Việc giải phóng mặt bằng ở các địa phương còn gặp vướng mắc đối với phạm vi đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức…chưa được hoàn thành để bàn giao; công tác xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành.

Tương tự, khu kinh tế Long Thành, nơi có sân bay Long Thành, một trong những dự án quan trọng nhất cả nước cũng phải đối mặt với những rào cản pháp lý, khiến việc bàn giao đất cho giai đoạn 1 diễn ra chậm trễ. Hậu quả là tiến độ triển khai nhiều dự án bị đình trệ, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các mục tiêu hạ tầng trong kế hoạch trung hạn 2021–2025.

Khan hiếm nguyên vật liệu: Sự thiếu hụt nguyên vật liệu, đặc biệt là vật liệu san lấp trở thành vấn đề cấp bách đối với nhiều dự án lớn. Ở các khu vực trọng điểm như miền Trung và miền Nam, nguồn cung cát, đá, và đất san lấp đang bị hạn chế nghiêm trọng do cạn kiệt tài nguyên và quy định hạn chế khai thác. Điển hình như dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, một số đoạn tuyến đã phải tạm dừng hoặc chậm tiến độ vì không tìm được nguồn vật liệu đủ để đáp ứng nhu cầu.

Gánh nặng chi phí tăng cao cũng là một lí do gây cản trở hoạt động đầu tư công. Việc vận chuyển vật liệu từ các tỉnh lân cận nơi có nguồn nhiên liệu dồi dào đã đẩy chi phí lên cao, gây áp lực tài chính lớn cho các nhà thầu. Không chỉ tác động đến tiến độ, giá nguyên liệu tăng cao còn khiến tổng chi phí đầu tư vượt xa ngân sách ban đầu, gây khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Áp lực giải phóng mặt bằng: Giải phóng mặt bằng là một trong những bước phức tạp và tốn kém nhất trong các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Tăng giá đất tại các khu vực triển khai dự án đã khiến chi phí đền bù vượt xa dự toán, tạo gánh nặng lớn cho ngân sách địa phương và các nhà thầu. Dự án sân bay Long Thành là minh chứng rõ nét. Dù được ưu tiên cao, hàng trăm hộ dân vẫn chưa di dời do bất đồng về mức đền bù.

Tương tự, dự án Vành đai 3 TP.HCM cũng đối mặt với chi phí giải phóng mặt bằng tăng vọt, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ. Ngoài ra, việc thiếu quỹ đất tái định cư phù hợp đã làm giảm sự đồng thuận của người dân, gây ra sự bất ổn và mất lòng tin đối với các chính sách đầu tư công.

Tình hình ngân sách và nợ công: Mặc dù năm 2024 chứng kiến nhiều khó khăn, bức tranh tổng thể vẫn cho thấy nền tảng vững chắc để kỳ vọng bùng nổ trong năm 2025. Theo báo cáo, tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm liên tục trong thập kỷ qua, từ mức cao trên 50% vào đầu những năm 2010 xuống còn 36,6% vào cuối năm 2023 và dự kiến đạt 37% vào cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng an toàn 60%. Điều này cho thấy tiềm năng mở rộng vay nợ nhằm gia tăng chi tiêu đầu tư công

II. Bước chuyển biến mạnh mẽ năm 2025
Năm 2025, dự kiến sẽ đánh dấu sự bùng nổ với mức đầu tư công kỷ lục 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP. Kế hoạch này tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, bao gồm:

Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2: Dự án có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cơ bản trong năm 2025 và khai thác vào 2026, nối liền toàn trục cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Sân bay Long Thành: Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án sân bay Long Thành là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), dự kiến khởi công năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2037, với kỳ vọng đóng góp 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP hàng năm giai đoạn 2025-2037.

Ngoài ra, các công trình khác như Vành đai 4 Hà Nội và mục tiêu xây dựng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 đều là những điểm nhấn lớn, mang lại tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực liên qua

III. Các ngành được hưởng lợi

1. Xây dựng hạ tầng

Ngành xây dựng hạ tầng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành…Những dự án này có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và nguồn vốn đầu tư khổng lồ, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thi công công trình giao thông, đô thị.

Đơn cử, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729 km, đã bắt đầu thi công từ năm 2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, vận hành từ năm 2026. Theo đó, những doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV), CTCP Lizen (LCG)… đã được chỉ định thầu và giai đoạn 2025 - 2026 được xem là “Điểm sáng lợi nhuận” của các doanh nghiệp này. Kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 đã đem đến nhiều hợp đồng xây lắp lớn cho HHV. Hiện, giá trị đơn hàng tồn đọng của Đèo Cả đạt hơn 2.900 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần doanh thu xây lắp năm 2023 và kì vọng sẽ đẩy mạnh doanh thu mảng xây lắp vào 2024 - 2026.

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) hiện sở hữu giá trị đơn hàng tồn đọng lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần doanh thu từ mảng xây lắp năm 2023. Kết quả này đến từ việc Vinaconex liên tiếp trúng thầu các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam.

Tham gia vào các dự án trọng điểm không chỉ giúp các doanh nghiệp này gia tăng doanh thu và lợi nhuận mà còn nâng cao uy tín và vị thế trên thị trường. Bên cạnh đó, các dự án này thường được ưu tiên giải ngân vốn, đảm bảo dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp trong dài hạn.

2. Nguyên vật liệu xây dựng

Sự phát triển đồng loạt của các dự án hạ tầng sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép, xi măng, nhựa đường hay đá xây dựng… Các doanh nghiệp sản xuất thép Hòa Phát (HPG) được dự báo sẽ tăng sản lượng xây dựng khoảng 10% trong năm 2025 nhờ nhu cầu từ các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, với lợi thế về quy mô sản xuất lớn và hệ thống phân phối rộng khắp, HPG sẽ dễ dàng mở rộng thị phần và tối ưu hóa chi phí sản xuất, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.

Tương tự, các doanh nghiệp xi măng như CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HT1) kì vọng sẽ ghi nhận sản lượng tiêu thụ lớn hơn khi các dự án hạ tầng triển khai đồng loạt. Đối với ngành đá xây dựng, các công ty như CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (VLB)… đều sở hữu các mỏ đá ở khu vực phía Nam. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự tập trung đầu tư cơ sở hạ tại khu vực phía Nam trong giai đoạn sắp tới

TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2025. Đầu tư công là một trong những yếu tố cốt lõi của chiến lược phát triển ...
3. Bất động sản khu công nghiệp

Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về bất động sản công nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp và hệ thống logistics. Khi giao thông kết nối thuận tiện, các khu công nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn như Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SNZ) sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị đất đai và nhu cầu thuê đất. Ngoài ra, làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt sau các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP, càng thúc đẩy nhu cầu mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, các dịch vụ phụ trợ như kho bãi, nhà xưởng xây sẵn, logistics cũng sẽ phát triển song song, góp phần tăng trưởng toàn diện cho lĩnh vực này.

Việc đồng loạt triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến nhiều ngành nghề. Các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, sản xuất nguyên vật liệu, bất động sản công nghiệp sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Sự ưu tiên đầu tư vốn ngân sách và thu hút dòng vốn tư nhân vào các dự án lớn không chỉ giúp các ngành trực tiếp hưởng lợi mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ giảm chi phí logistics, tăng cường kết nối vùng miền và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển toàn diện.

IV. Thách thức cần vượt qua

Mặc dù đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, nhưng quá trình triển khai các dự án trọng điểm vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Chậm tiến độ giải ngân: Việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 diễn ra chậm chạp do nhiều vướng mắc pháp lý, đặc biệt liên quan đến Luật Đất đai. Quá trình thu hồi đất và giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vì sự chồng chéo trong các quy định pháp lý và đền bù không thỏa đáng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp như cát, đất, đá đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công. Chi phí giải phóng mặt bằng ngày càng tăng cao do giá đất leo thang và yêu cầu đền bù lớn từ người dân, gây áp lực lên ngân sách và làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án.

Năng lực triển khai hạn chế: Một số nhà thầu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu năng lực tài chính và kỹ thuật, khiến việc đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình gặp nhiều rủi ro. Các nhà thầu không đủ vốn đối ứng hoặc không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi sẽ khó duy trì dòng tiền ổn định để đáp ứng tiến độ thi công. Bên cạnh đó, hạn chế về công nghệ và thiết bị hiện đại khiến năng suất lao động thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả dự án.

Biến động giá nguyên vật liệu: Giá các loại nguyên vật liệu xây dựng chủ chốt như thép, xi măng, nhựa đường có thể biến động mạnh do nhu cầu tăng cao từ hàng loạt dự án đầu tư công được triển khai đồng loạt. Việc giá thép và xi măng tăng sẽ làm tăng chi phí xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng. Nếu không có chính sách bình ổn giá hoặc đảm bảo nguồn cung ổn định, các doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng đội vốn, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án đúng hạn và hiệu quả tài chính.

V. Kết luận

Năm 2025 được dự báo sẽ là năm bứt phá của đầu tư công khi Chính phủ gình mức đầu tư kỷ lục 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP. Nhờ vào sự đầu tư quy mô lớn này, nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp. Ngành xây dựng hạ tầng sẽ tận dụng được cơ hội tăng trưởng nhờ vào lưu lượng vốn dồi dào và những dự án quy mô lớn. Ngành sản xuất nguyên vật liệu như thép, xi măng, đá xây dựng sẽ đối diện với nhu cầu tiêu thụ lớn, giúc các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ hạ tầng giao thông được cải thiện, thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những thách thức như chậm tiến độ giải ngân, năng lực triển khai hạn chế và biến động giá nguyên vật liệu vẫn là rào cản cần được khắc phục. Việc giải quyết những vướng mắc pháp lý, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu và nâng cao năng lực nhà thầu sẽ là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Với nền tảng kinh tế vững chắc và những định hướng đầu tư rõ ràng, đầu tư công năm 2025 được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

5 Likes

hồi ai cũng bảo Q4 ĐTC chạy, không thấy chạy, giờ dời sang 2025

3 Likes

ĐTC chủ pic pick mã nào thế

2 Likes

ĐTC có VGC mạnh

3 Likes

những trong ĐTC có phân loại ra, chứ không phải mã nào cũng triển vọng

2 Likes

với mục tiêu tăng trưởng gdp 8% thì đầu tư công phát triển là điều tất yếu thôi

2 Likes

bđs kcn ngoài KBC với SNZ thì BCM ok không ad

1 Likes

sóng đầu tư công thì biết bao nhiêu ngành được hưởng lợi

1 Likes

ĐTC CTD ổn không ad

Đầu tư công mấy năm nay sóng sánh chán lắm, mong lần này chính phủ mạnh tay sóng lớn

Nay trần một loạt bà con ơi

Sóng đtc k ad

Mới đăng hôm qua mà nay cp ĐTC chạy mạnh luôn, Linh uy tín

1 Likes

ĐTC năm nay thấy ổn

1 Likes