Triển vọng nào cho ngành chứng khoán năm 2024

1. Khái quát ngành chứng khoán năm 2023

Dựa theo kết quả kinh doanh của quý III/2023 có thể thấy được ngành chứng khoán đang tăng trưởng theo nền kinh tế chung.

Theo số liệu tổng hợp từ 21 CTCK, doanh thu hoạt động đã tăng 17,8% trong quý III/2023 so với quý trước, đạt 8,655 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 37% đạt 4.873 tỷ đồng. Qua đó, các CTCK này đã có quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận và là quý thứ 2 đạt trên cột mốc 4.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận toàn ngành hồi phục nhẹ trong 9 tháng 2023 nhờ sóng tăng của thị trường trong quý 2 – quý 3/2023 kéo theo đà tăng của thanh khoản, tác động tích cực đến doanh thu mảng môi giới cũng như cho vay kí quỹ.

Do đó, kì vọng vào kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng nhiều hơn vào quý 4/2023. Mới đây, CTCP Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu tăng 135,2 tỷ đồng lên 543 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 33,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận tăng 138,6% lên 172,8 tỷ đồng. Đây cũng là công ty chứng khoán đầu tiên công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 4/2023.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính chung cả năm 2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm tổng cộng 385.700 tài khoản.Tính riêng trong tháng 12/2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 39.430 tài khoản. Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng cuối năm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 39.240 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 190 tài khoản.

Cùng với đó, theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý 4, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý.

Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 ước tính tăng 15.000 tỷ so với cuối quý 3, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ cho vay lớn nhất trong vòng 7 quý kể từ quý 2/2022. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỷ đồng, cũng tăng 13.000 tỷ so với cuối quý 3. Do đó, nếu thị trường chứng khoán bùng nổ thanh khoản theo những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô thì dư nợ margin vẫn còn tăng theo thời gian.

2. Triển vọng ngành chứng khoán năm 2024

Đầu năm 2024, thị trường giao dịch khởi sắc, thanh khoản cải thiện, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lan toả tâm lý tích cực tới cộng đồng nhà đầu tư. Bank - chứng - thép, bộ 3 ngành thường được nhà đầu tư nhắc đến, tiếp tục kỳ vọng sẽ luân phiên có “sóng”.

Ngành chứng khoán được hưởng lợi nhiều khi vĩ mô tốt và có những động lực hỗ trợ của nền kinh tế. Do đó, khi thị trường chứng khoán có tiềm năng hồi phục và phát triển vào năm 2024 sẽ kéo theo tiềm năng tăng trưởng cho nhóm ngành chứng khoán.

Theo đó, thị trường năm 2023 đã được hưởng lợi nhờ yếu tố lãi suất giảm nhanh, khối lượng giao dịch ở thời điểm cuối năm tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Giá trị giao dịch trung bình hiện tại đạt khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Kỳ vọng chung cho năm 2024 là bối cảnh lãi suất thấp sẽ gia tăng sức hấp dẫn của các kênh đầu tư như chứng khoán. Khi lãi suất tiền gửi giảm xuống mức 4 – 5%/năm, các nhà đầu tư sẽ thấy kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn và đầu tư sang các kênh khác như chứng khoán, bất động sản.

Ngoài ra, với các yếu tố như lạm phát ở mức 3 – 4%, dự báo tăng trưởng lợi nhuận trung bình toàn thị trường đạt 15 – 20%, P/E đạt 9 – 10 lần, cho nên năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo báo cáo nhận định thị trường năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán, điểm số và thanh khoản có triển vọng tăng. Đây sẽ là động lực để các công ty chứng khoán cải thiện hoạt động kinh doanh ở tất cả các mảng chính bao gồm đầu tư, môi giới chứng khoán và cho vay ký quỹ.

Bên cạnh đó, với thông tin KRX đi vào vận hành trong năm 2024 đã mang tới kì vọng thanh khoản cải thiện và đáp ứng các yêu cầu để nâng hạng thị trường trong tương lai. Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm lượng lớn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ ETF hiện đang sử dụng các bổ chỉ số MSCI Emerging Markets Index và FTSE EM làm tham chiếu. Việc nâng hạng thị trường lên mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán, trong đó năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD.

Ngoài ra, đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7% dân số. Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán bắt đầu đẩy mạnh cuộc đua tăng vốn để mở rộng hoạt động cho vay margin. Ví dụ như SSI đề xuất phương án phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tăng vốn với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 20 cổ phiếu mới. CTCP Chứng khoán TP.HCM - HSC - (HoSE: HCM) cũng công bố kế hoạch phát hành 228,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 50 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/đơn vị. CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cũng dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20%, giá 10.000 đồng/đơn vị,…