Gần đây xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến xuất khẩu phân bón, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu lớn vào giữa tháng 10 của DCM, DPM. Liệu ngành phân bón có thực sự tiềm năng để đầu tư hay không? Cùng tìm hiểu nhé.
Tổng quan ngành phân bón Việt Nam
Việt Nam là nước nông nghiệp với quá trình phát triển lâu đời. Những thế kỷ trước, người nông dân chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ tự chế từ tro, xác thực vật, phân chuồng, … để bón cho cây trồng. Từ khi công nghiệp hóa chất bắt đầu phát triển, phân bón hóa học ra đời đã thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Trên thế giới, lượng tiêu thụ phân bón trên một hecta đất canh tác của Việt Nam ở mức khá cao, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Các yếu tố ảnh hưởng đến ngành phân bón Việt Nam
Nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ngành phân bón là ngành phụ trợ cho ngành nông nghiệp nên chịu ảnh hưởng lớn từ sự tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp. Một số yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến ngành phân bón như sau:
- Tăng trưởng kinh tế, mức chi tiêu cho thực phẩm bình quân đầu người
- Diện tích đất canh tác cả nước
- Diện tích và cơ cấu cây trồng tại các vùng miền ảnh hưởng đến nhu cầu phân bón
- Yếu tố thời tiết
Chuỗi giá trị ngành phân bón Việt Nam
Hiện tại, ngành phân bón trong nước chỉ mới sản xuất được các loại sản phẩm như phân NPK, phân Urê và phân lân các loại. Trong đó, phân DAP và MAP mới sản xuất và đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước. Một số sản phẩm như phân đạm SA, phân Kali, … do hạn chế về nguồn quặng potash (nguyên liệu chính sản xuất phân Kali) và lưu huỳnh đầu vào nên trong nước vẫn chưa sản xuất được, phải nhập khẩu toàn bộ.
Sản xuất các loại phân bón chính
Hiện tại, ngành phân bón Việt Nam chỉ mới sản xuất được phân Urê, phân lân và phân NPK. Ngoài ra, các loại phân hữu cơ, phân vi sinh cũng được sản xuất với quy mô nhỏ, tính thương mại chưa cao.