Sản xuất các loại phân bón chính
Hiện tại, ngành phân bón Việt Nam chỉ mới sản xuất được phân Urê, phân lân và phân NPK. Ngoài ra, các loại phân hữu cơ, phân vi sinh cũng được sản xuất với quy mô nhỏ, tính thương mại chưa cao.
Phân ure
Phân Urê là loại phân đạm duy nhất được sản xuất tại Việt Nam do hàm lượng Ni-tơ cao và công nghệ sản xuất phổ biến nhất. Quy trình sản xuất phân Urê trong nước giống như trên thế giới với hai giai đoạn chính là tổng hợp Amoniac và tổng hợp, tạo hạt Urê.
Đầu vào:
Khí thiên nhiên (chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất) và than là nguyên liệu quan trọng nhất được sử dụng để sản xuất các loại phân bón gốc Ni-tơ. Ở nước ta,khí thiên nhiên tập trung chủ yếu ở thềm lục địa phía Nam (chủ yếu đền từ bể Nam Côn Sơn), than tập trung ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Sông Hồng.
Thế giới coi sản xuất đạm từ khí sẽ là xu hướng phát triển dài hạn cho lĩnh vực phân đạm do lợi thế về chi phí sản xuất và ít tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, mặc dù hơn 2/3 sản lượng đạm trên thế giới được sản xuất từ khí thiên nhiên nhưng giá phân đạm (cụ thể là phân Urê) biến động tương quan với giá than hơn so với giá khí. Nguyên nhân là do Trung Quốc sản xuất phân đạm lớn nhất thế giới với hơn 32% tổng nguồn cung phân đạm toàn cầu, mà 94% lượng đạm sản xuất từ than được tạo ra từ quốc gia này, do đó khi yếu tố đầu vào này biến động sẽ tác động lớn đến nguồn cung phân đạm toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất luôn mua nguyên liệu khí, than theo các hợp đồng dài hạn, nên biến động giá nguyên liệu trên thị trường luôn ảnh hưởng với một độ trễ nhất định đến giá phân bón.
Ở Việt Nam, PVGAS đại diện cho PVN ký kết hợp đồng cung cấp khí cho hai nhà máy đạm lớn. Tuy nhiên, giá khí hợp đồng bán cho từng đơn vị lại được PVN quy định theo các chính sách khác nhau. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị do khí là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất Urê.
Doanh nghiệp phân đạm: DPM, DCM, DHB
Phân lân
Nguồn nguyên liệu chủ yếu để sản xuất phân lân, DAP, MAP là đá phosphate, lưu huỳnh và amoniac. Ở một số nước không có đá phosphate, có thể dùng apatit để thay thế, tuy nhiên, chất lượng và hàm lượng phospho trong apatit thấp, khó đảm bảo tỷ lệ chất dinh dưỡng khi sản xuất. Vì vậy, trên thế giới chủ yếu là khai thác hoặc nhập khẩu đá phosphate để sản xuất phân DAP, MAP, trong đó Châu Phi là khu vực có nguồn dự trữ đá phosphate lớn nhất thế giới (chiếm hơn 80% lượng dự trữ toàn cầu). Do mối liên hệ chặt chẽ với phosphate nên giá phân DAP biến động khá tương quan với giá đá phosphate thế giới. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sản phẩm phân lân phụ thuộc lớn vào nguồn cung đá phosphate đầu vào
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân DAP, MAP thường dùng đá apatit (Lào Cai) thay thế phosphate và nhập khẩu lưu huỳnh. Chính vì vậy, chất lượng phân lân ở Việt Nam sản xuất sẽ có chất lượng thấp hơn phân lân nhập khẩu được làm từ phosphate. Mặt khác, sản lượng sản xuất phân DAP, MAP ở Việt Nam tương đối thấp, chỉ đáp ứng được khảng 30% nhu cầu, 70% còn lại được nhập từ Trung Quốc.
Vinachem là đơn vị quản lý và khai thác nguồn quặng apatit. Chi phí apatit chiếm trên 30% giá thành phân lân thường và từ 40 - 43% giá thành sản xuất phân DAP.
Doanh nghiệp sản xuất phân lân: DDV, DGC, LAS, NFC
Phân kali
Khai thác potash là phương pháp duy nhất để sản xuất kali. Vì vậy, vị trí phân bố các mỏ potash ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nguyên liệu sản xuất phân kali toàn thế giới.
Quặng potash là chi phí chính để sản xuất phân Kali. Do quá trình sản xuất muối Kali khá đơn giản nên hầu như không có giao dịch quặng potash giữa các nhà sản xuất, mà được tinh chế tại chỗ thành các loại muối khoáng hoặc phân bón nông nghiệp. 100% nguồn cung phân kali ở Việt Nam là nhập khẩu.
Phân NPK
Phân NPK là loại phân bao gồm cả ba thành phần dinh dưỡng Ni-tơ (N), Phốt pho (P) và Kali (K). Do vậy, để sản xuất phân NPK có nhiều phương pháp khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, các phương pháp sản xuất khác nhau cũng sẽ cho ra sản phẩm với chất lượng tương ứng. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm NPK trong nước có chất lượng kém, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, dễ bị làm nhái, làm giả (Trừ những doanh nghiệp có tên tuổi lớn như BFC, DPM…).
Điểm tích cực là nguồn cung phân NPK nội địa có thể chủ động bù đắp nhu cầu thiếu hụt mà không quá phụ thuộc vào thời điểm nhập khẩu. Với giá phân NPK ổn định, các doanh nghiệp sản xuất phân NPK nội có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách mua tích trữ phân đơn khi giá phân đơn giảm xuống. Tuy nhiên, khi giá phân đơn tăng cao trong thời gian dài, các doanh nghiệp NPK nội địa cũng sẽ tăng giá bán NPK để giảm bớt thiệt hại như giai đoạn cuối năm 2018 vừa qua
Doanh nghiệp sản xuất phân NPK: BFC, DPM, LAS, SFG