Triển vọng ngành dầu khí Việt Nam năm 2022 - Nắm bắt cơ hội lớn!

, , , ,

Tổng quan

Mặc dù giá cổ phiếu dầu khí đã tăng mạnh trong năm 2021 nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi rõ rệt về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thượng nguồn. Theo chúng tôi, bên cạnh yếu tố giá dầu duy trì mức cao, việc khởi công các dự án dầu khí trọng điểm sẽ là động lực chính cho ngành. Và năm 2022 sẽ là thời điểm để xác nhận điều đó.

TRIỂN VỌNG ĐẦUTƯ

So với 2021, giá dầu duy trì ở mức thấp hơn trong năm 2022 do nhu cầu thấp hơn kỳ vọng và nguồn cung tăng.

• Nguồn cung dầu có khả năng tăng trong khi nhu cầu dầu toàn cầu có thể thấp hơn so với kỳ vọng. Do đó, sẽ có áp lực lên giá dầu trong năm 2022.

• Giá dầu Brent có thể dao động ở mức 60 USD/thùng - 70 USD/thùng trong năm 2022, thấp hơn mức cao nhất 85 USD/thùng của năm 2021.

Động lực tiềm năng từ các dự án dầu khí trong nước.

Các hoạt động E&P (thăm dò & khai thác) ảm đạm đã khiến các dự án dầu khí trong nước bị đình trệ trong một thời gian dài. Nhưng những chuyển biến tích cực gần đây có thể giúp tháo gỡ các nút thắt tại những dự án lớn, giúp đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án trong tương lai.

Nhu cầu thế giới đang trên đà phục hồi

Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tiếp tục phục hồi sau đại dịch trong năm 2022. Nhu cầu dầu thô thế giới sẽ được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh và hoạt động du lịch quốc tế sôi động trở lại khi nhiều quốc gia mở lại biên giới bên cạnh động lực ngắn hạn đến từ việc chuyển đổi từ khí sang dầu trong ngành điện ở khu vực châu Á và châu Âu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.

Nguồn cung dường như vẫn bị thắt chặt do OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ

Về phía nguồn cung, giá được hỗ trợ bởi OPEC+ vẫn thận trọng trong việc tăng sản lượng cùng với sự phục hồi chậm của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc thiếu hụt các khoản đầu tư mới trong nhiều năm khiến việc tăng sản lượng khai thác dầu gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, mức độ tuân thủ cam kết sản lượng của OPEC+ đã tăng lên 116% trong tháng 11, từ mức 113% vào một tháng trước đó, cho thấy tổ chức này đã không thể cung cấp đủ dầu ra thị trường theo thoả thuận. Trong tháng 11, các nước tiêu thụ dầu lớn do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu, nhưng chúng tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố ngắn hạn và có tác động hạn chế đến cán cân toàn cầu. Mặc dù sự phục hồi nguồn cung theo sau đà tăng giá dầu có thể đang diễn ra, chúng tôi nhận thấy nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài quý tới.

Biến thể Omicron hiện đang đặt ra những bất ổn cho thị trường dầu thô

Hiện nay, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã phủ bóng lên thị trường dầu thô toàn cầu vì nó có thể hạn chế các hoạt động đi lại và gây cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu. Do đó, do tác động chưa rõ rang của Omicron, chúng tôi đưa ra ba kịch bản giả định cho giá dầu Brent như sau:
image
image

Giá dầu cao sẽ củng cố nền tảng cơ bản của các công ty thượng nguồn.

Chúng tôi tin rằng đà tăng giá dầu sẽ thúc đẩy hoạt động E&P trên toàn cầu, thúc đẩy thị trường khoan ở Đông Nam Á và mang lại lợi ích cho các công ty dịch vụ khoan như PVD.

Khai thác khí tự nhiên sẽ là điểm sáng tại Việt Nam nhờ các dự án khổng lồ trong một vài năm tới. Đối với năm 2022, nhà đầu tư nên để mắt đến dự án khai thác khí trọng điểm Lô B – Ô Môn. Có nhiều tín hiệu cho thấy Chính phủ vẫn sẽ ưu tiên triển khai dự án nhà máy điện Ô Môn III bằng nguồn vốn ODA.

Các doanh nghiệp thượng nguồn vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ của các dự án dầu khí trong nước như Lô B, Cá Voi Xanh, Sư Tử Trắng giai đoạn 2, vốn là các dự án có thể mang lại khối lượng công việc lớn cho các công ty này. Trong trường hợp không có bước chuyển nào mới từ các dự án trên, kết quả kinh doanh của công ty thượng nguồn sẽ không có sự cải thiện đáng kể.

Trung nguồn: Hình thành chuỗi giá trị LNG từ năm 2022

Trong 2022, kho cảng LNG Thị Vải sẽ hoàn thành trong Q3/22, đánh dấu dự án LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng) đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam. Theo Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng LNG cho cả nhập khẩu và tiêu dùng, biến các nhà máy nhiệt điện thành nguồn điện quan trọng đến 2030. Theo xu hướng này, chúng tôi tin rằng GAS sẽ là đơn vị hưởng lợi lớn nhất với tư cách là nhà phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp LNG.

Hạ nguồn: Hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi sau đại dịch

Năm 2021, tốc độ phục hồi của các công ty kinh doanh xăng dầu đã bị chậm lại trong nửa cuối năm do sự bùng phát của biến thể Delta. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi:

(1) nhu cầu đi lại của người dân và hoạt động sản xuất của Việt Nam phục hồi từ Q4/21 trở đi khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội.

(2) mức tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tính theo đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Theo Dự thảo Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2021-2030, Chính phủ dự kiến nhu cầu xăng dầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5%/năm trong cùng thời kỳ, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1,3%/năm

RỦI RO

• Giá dầu thấp hơn dự kiến do việc giá dầu giảm sẽ cản trở sự phục hồi nền tảng cơ bản của ngành.

• Các dự án lớn tiếp tục bị trì hoãn do vấn đề thiếu nguồn lực tài chính có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong những năm tới.

• Đại dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam.

DANH MỤC KHUYẾN NGHỊ NGÀNH DẦU KHÍ: GAS, PVD, PLX, PVS, PVT

image