TRIỂN VỌNG NGÀNH DƯỢC PHẨM/BỆNH VIỆN 2022:
Nhu cầu thuốc và hoạt động khám chữa bệnh dần tăng mạnh trở lại khi thiết lập bình thường mới
Triển vọng năm 2022
Triển vọng tăng trưởng năm 2022
• Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022 . Chúng tôi ước tính chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường trong năm 2022, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
• Tác động từ dịch Covid-19 sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí mang lại một số lợi ích tích cực : Với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, trong khi các biến thể Covid mới có thể ít nguy hiểm hơn với tỷ lệ nhập viện thấp hơn, chúng tôi cho rằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 sẽ sớm vượt qua mức trước dịch Covid, với số lượt đến thăm khám tại bệnh viện hồi phục về mức bình thường và nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin (được sử dụng thường xuyên để điều trị các triệu chứng Covid nhẹ). Đặc biệt, nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị Covid (do Pfizer và MSD chuyển giao) và có thể sớm thương mại hóa trong năm 2022.
• Lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với giá các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men dự kiến tăng nhẹ . Chúng tôi ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng 12% và tăng giá dự kiến từ 4 - 6% đối với cả thuốc và các dịch vụ y tế. Việc tăng giá là tất yếu do các công ty dược phẩm đã phải ứng phó với việc giá nguyên liệu (API) tăng cao, trong khi các bệnh viện phải đối mặt với nhiều chi phí hoạt động đắt đỏ trong hai năm qua khi đại dịch bùng phát.
• Nhóm các công ty dược phẩm có thể ghi nhận tăng trưởng cao trong cả năm 2022 trong khi nhóm bệnh viện sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm : Đối với các công ty dược phẩm, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới, trong khi nhóm các bệnh viện phải chờ sự phục hồi trong nửa cuối năm 2022, khi Việt Nam đối phó được với biến thể mới, đồng thời cũng nới lỏng hẳn các hạn chế đi lại.
• Định giá : Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022, chúng tôi cho rằng ngành chăm sóc sức khỏe sẽ có cơ hội tăng giá khá tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu của các công ty dược phẩm/bệnh viện tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.
Top cổ phiếu ưa thích:
Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH: HOSE) (MUA, Giá mục tiêu: 84.000 đồng/cp)
TNH là bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với 2 cơ sở khám chữa bệnh và tổng số 600 giường bệnh. Công ty đang chuẩn bị cho việc mở rộng thêm nhiều bệnh viện mới trong giai đoạn sắp tới, với các dịch vụ chuyên khoa hơn, đồng thời mở rộng khu vực hoạt động sang các tỉnh lân cận. Đây là 1 trong 2 bệnh viện niêm yết duy nhất tại Việt Nam.
Trong năm 2022, chúng tôi đưa ra các giả định chính như sau:
(1) Bệnh viện chuyên khoa mới đi vào hoạt động . TNH dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng bệnh viện mắt trong quý 2 và bệnh viện phụ sản trong Q4/2022, để phục vụ các dịch vụ có nhu cầu cao tại tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi ước tính cả 2 bệnh viện mới này sẽ mang lại khoảng 5 - 10% doanh thu tăng thêm trong năm 2022, đồng thời thu hút thêm bệnh nhân từ các bệnh viện công gần đó.
(2) Tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ giá khám chữa bệnh, với nhiều dịch vụ cao cấp hơn trong điều trị thai sản và mắt : TNH dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá viện phí trung bình khoảng 6 - 8% trong năm 2022, đặc biệt là sau khi bệnh viện phụ sản và bệnh viện mắt đi vào hoạt động. Bù lại, công ty cũng sẽ phải đối mặt với mức chi phí lương cao hơn để thuê nhiều bác sĩ chuyên khoa, nhưng chúng tôi tin rằng công ty có thể bù đắp một phần chi phí với việc tăng giá hầu hết dịch vụ để duy trì biên lợi nhuận gộp của TNH ở mức 45% đến 50% trong năm 2022, gần bằng mức năm 2021.
(3) Nợ vay được cơ cấu lại để cải thiện khả năng sinh lời. Hiện tại, nợ dài hạn chiếm 72% tổng nợ của TNH, với lãi suất khá cao từ 8% đến 11%, do hầu hết các khoản vay đều được thực hiện từ trước năm 2019 để xây dựng cơ sở ở Thái Nguyên và Yên Bình. Do đó, công ty dự kiến sử dụng nguồn vốn bổ sung từ đợt phát hành cổ phiếu sắp tới để thanh toán 30% nợ dài hạn (tương đương 20% tổng nợ), điều này sẽ giảm chi phí tài chính trong năm tới xuống 25% và có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận ròng thêm 2% trong 2022. Công ty cũng cho biết lãi suất các khoản vay mới từ các ngân hàng cũng đã giảm nhanh chóng do chất lượng tín dụng của TNH tiếp tục được cải thiện.
• Rủi ro:
Rủi ro về chính sách : Môi trường pháp lý trong ngành y tế vẫn còn bất ổn và thay đổi liên tục, đặc biệt là trong 10 năm qua (2010 - 2020) khi Chính phủ thực hiện nhiều cải cách trong hệ thống y tế Việt Nam. Trong giai đoạn tới (2021-2031), sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa trong ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhiều chính sách mới có thể được áp dụng cho các bệnh viện tư nhân, vì khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế.
Rủi ro về quản trị công ty : Hiện tại, ban lãnh đạo TNH chỉ nắm giữ 34% cổ phần của TNH, với mỗi thành viên nắm giữ dưới 10%. Đây là một tỷ lệ sở hữu còn tương đối thấp, đặc biệt là trong ngành bệnh viện, khi ban lãnh đạo được coi là yếu tố đóng góp quan trọng cho các hoạt động quản trị của bệnh viện.
Tổng hợp
Mở tài khoản Ưu đãi, Hỗ trợ giao dịch, tư vấn bám sát
Liên hệ: 097.522.8813
ID người tư vấn: 6626- Trần Đình Quân