Triển vọng và rủi ro ngành dệt may trong năm nay

Theo báo cáo phân tích ngành của Chứng khoán Mirae Asset (MAS), 4 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may Việt Nam chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực.

Xuất khẩu tăng trưởng trở lại: Ngành dệt may Việt Nam chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong 4T 2024. Xuất khẩu sợi và sản phẩm dệt may ước tính lần lượt đạt 1,4 tỷ USD (+9%) và 10,4 tỷ USD (+6,3%). Tính đến cuối Q1 2024, xuất khẩu sản phẩm dệt may sang các thị trường trọng điểm như Mỹ (+8%), Nhật Bản (+11,3) và Hàn Quốc (+0,6%) ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định. Đối với thị trường sợi, xuất khẩu sang Trung Quốc (+19,8%) và Hàn Quốc (+15,7%) tăng mạnh trong Q1.

Thị phần hàng may mặc cải thiện ở các thị trường chính: Tính đến cuối T4, thị phần may mặc của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm ghi nhận tăng trưởng, bao gồm Mỹ (19,4%; 2023: 18,2%), Nhật Bản (17,3%; 2023: 16,9%) và Hàn Quốc (29,8%; 2023: 28,7%). Thị phần của Việt Nam tại Mỹ và Nhật Bản ghi nhận ở mức cao lịch sử, trong khi thị trường Hàn Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đồng thời, thị phần hàng may mặc Trung Quốc tại các thị trường này tiếp tục xu hướng giảm dù vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu.

Sản xuất dệt may của Trung Quốc tiếp tục phục hồi: Tính đến Q1, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của sợi Việt Nam, chiếm 53,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khối lượng sản xuất dệt may ở Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng trong T3 2024. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi về khối lượng sản xuất hàng may mặc đã đảo ngược, với mức giảm tăng trở lại.

Sản xuất dệt may trong nước cải thiện: Sản xuất dệt may trong nước tiếp tục cải thiện trong 4T. IIP mảng dệt và may mặc tăng lần lượt 14,5% và 5,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chỉ số sử dụng lao động mảng dệt tiếp tục tăng trưởng, trong khi chỉ số này ở mảng may mặc cũng được cải thiện.

Giá bông đầu vào giảm mạnh trong T4: Sau đợt tăng trong Q1, giá bông đã giảm đáng kể xuống quanh mức 76 USD/pound (-4,7%). Chúng tôi cho rằng sự biến động này là ảnh hưởng theo thời kỳ và chưa phản ánh nhu cầu đầu vào trong tương lai gần. Triển vọng và rủi ro trong năm 2024

Các nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng: Trong Q1, các thị trường trọng điểm của Việt Nam nhìn chung ghi nhận mức tăng trưởng GDP khá tốt: Mỹ (+3%); EU (+0,4%, cao hơn mức kỳ vọng là 0,2%); Trung Quốc (+5,3%, trên mức dự báo là 5%); và Hàn Quốc (+3,4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo là 2,4%). Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo GDP thực tế năm 2024 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng gồm Mỹ (+1,6%); EU (+0,7%); Nhật Bản (+0,9%); và Trung Quốc (+4,5%). Sự tăng trưởng liên tục ở các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu ở những thị trường này.

Hàng tồn kho và doanh số của các thương hiệu lớn: Vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma có xu hướng giảm, duy trì ở mức thấp so với giai đoạn Q4 2022 và Q1 2023. Ngoài ra, tỷ lệ tồn kho trên doanh thu của các cửa hàng thời trang và các nhà bán sỉ cũng ghi nhận sự sụt giảm so với số liệu cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng và hàng tồn kho sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng trong năm 2024.

Niềm tin người tiêu dùng được duy trì: Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong Q1. So với số liệu đầu năm 2023, tâm lý tiêu dùng dường như mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ - thị trường dệt may trọng điểm của Việt Nam – ghi nhận mức tiết kiệm của hộ gia đình giảm và duy trì ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai.

Rủi ro ngắn hạn: Biến động địa chính trị và lãi suất điều hành cao là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may năm 2024. Lạm phát cao hơn kỳ vọng gần đây khiến FED ngần ngại trong việc hạ lãi suất trong năm 2024. Lãi suất cao có thể cản trở hoạt động chi tiêu và tiêu dùng. Các xung đột địa chính trị trên thế giới cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đem đến rủi ro lớn cho nền kinh tế. Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể cản trở việc tiêu thụ sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi ở Trung Quốc giảm và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.

Rủi ro dài hạn: Cùng với việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng cao. Ngoài ra, hiện nay người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.

Khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu TNG

Theo đánh giá của MAS, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG ( TNG ) là một trong những công ty may mặc phát triển nhanh nhất Việt Nam, có cơ cấu tài chính táo bạo và là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu Việt Nam. Công ty có danh mục khách hàng đa dạng bao gồm nhiều thị trường xuất khẩu dệt may trọng điểm của Việt Nam. Hoạt động kinh doanh chính của TNG là sản xuất hàng may mặc CMT, công ty sở hữu hơn 300 dây chuyền

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2024, doanh thu của TNG đạt 1.353 tỷ đồng (+1,4%). Biên lợi nhuận gộp tăng lên 15% và lợi nhuận gộp đạt 203,1 tỷ đồng (+5,7%). Chi phí quản lý và bán hàng tăng 10% lên 104,1 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận hoạt động giảm xuống còn 52,8 tỷ đồng (-5,7%). Theo đó, LNST của TNG đạt 41,8 tỷ đồng (-4,1%).

Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2024 là +1,6%. Với danh mục khách hàng tập trung hơn vào thị trường Mỹ, nhóm phân tích cho rằng TNG sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế cùng với sự phục hồi niềm tin tiêu dùng ở thị trường này.

Trong kịch bản cơ sở năm 2024, MAS dự phóng lực lượng lao động của TNG sẽ duy trì ở mức khoảng 18.500 công nhân, với doanh thu/nhân viên dự phóng ở mức 400 triệu đồng/năm. Từ đó, nhóm phân tích đưa ra dự báo doanh thu năm 2024 của TNG ở mức 7.400 tỷ đồng (+4,3%), lợi nhuận hoạt động và LNST lần lượt là 376 tỷ đồng (+25,2%) và 308,3 tỷ đồng (+36,6%).

Nguyên Nam-Link gốc

https://kinhtechungkhoan.vn/trien-vong-va-rui-ro-nganh-det-may-trong-nam-nay-234541.html