"Khi các bạn mua trái sầu riêng trên ứng dụng của Bách Hóa Xanh mà lỡ ăn không thấy ngon, sẽ có người sẵn sàng trả tiền cho các bạn ngay và luôn, thậm chí không lấy trái sầu riêng đó về nữa. Đó là thứ thương mại điện tử mà Tập đoàn này đang theo đuổi", Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết.
Xu hướng không thể đảo ngược
Vào thời điểm tháng 4/2022, có thể nói một dấu mốc quan trọng đã diễn ra với "cuộc chơi" thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. TikTok Shop gia nhập thị trường, tạo ra xu hướng mới mà giờ đây các doanh nghiệp lớn cũng không thể phớt lờ: mua sắm kết hợp giải trí – hay còn gọi là shoppertainment.
49,9 triệu người dùng TikTok khi đó ngay lập tức trở thành khách hàng tiềm năng của TikTok Shop. Họ vào ứng dụng với mục đích lướt video giải trí, nhưng cuối cùng kết thúc bằng một hoặc nhiều đơn hàng, hành vi mà ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam từng gọi là mua sắm "trong cơn hưng phấn".
Những phiên livestream bán hàng đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng lần lượt diễn ra. Mới đây nhất, con số doanh thu kỷ lục 100 tỷ đồng một phiên live đã được thiết lập bởi vợ chồng Quyền Leo Daily, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Sản phẩm trong phiên live vô cùng đa dạng, từ mỹ phẩm đến đồ gia dụng và cả đồ điện tử.
Vợ chồng Quyền Leo Daily lập kỷ lục livestream trên TikTok Shop với phiên live đạt doanh thu 100 tỷ đồng.
Bối cảnh này dường như khiến các doanh nghiệp không thể "ngồi yên". FPT Shop là nhà bán lẻ điện tử, điện thoại đầu tiên gia nhập "làn sóng" livestream bán hàng trên TikTok Shop. Nhờ phiên live mở bán online iPhone 15 series kéo dài 15 tiếng hồi cuối tháng 9/2023, FPT Shop đã thu về 1 triệu USD cùng nhiều con số ấn tượng khác.
Về phía đối thủ của FPT Shop là Thế Giới Di Động, tại cuộc họp với nhà đầu tư quý 1/2024 mới đây, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài thừa nhận TMĐT là một xu hướng không thể đảo ngược, sẽ tiếp tục tăng trưởng và được người trẻ ủng hộ. Ông khẳng định tập đoàn sẽ thích ứng với sự thay đổi này.
Câu hỏi được đặt ra là TMĐT của Thế Giới Di Động sẽ khác gì so với các sàn TMĐT hiện nay?
Thế Giới Di Động sẽ mở "cánh quân" mới về TMĐT, tham vọng cung cấp dịch vụ V.I.P cho khách hàng
" Về mảng điện thoại và điện máy, chúng tôi sẽ bước chân vào cuộc chơi sòng phẳng của TMĐT. Thời gian tới, các bạn sẽ thấy Thế Giới Di Động mở một "cánh quân" mới về TMĐT. Họ sẽ được quyền độc lập tác chiến để tham gia cuộc chơi này.
Về Bách Hóa Xanh, chúng tôi đang thực hiện những thay đổi rất lớn cho kênh online. Thay đổi này sẽ mất vài tháng để có thể xử lý những phát sinh ", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ trong cuộc họp với nhà đầu tư.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, một cổ đông của MWG cũng chỉ ra sự lên ngôi của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí trên các sàn TMĐT, thậm chí các nhà sản xuất như Samsung đã mở gian hàng. Câu hỏi người này đặt ra là Thế Giới Di Động có lợi thế gì so với các sàn TMĐT trên kênh bán online?
Đáp lại, ông Nguyễn Đức Tài cho biết TMĐT của Thế Giới Di Động "có thể mang tên là TMĐT V.I.P".
Ông Nguyễn Đức Tài trả lời các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
" Đối với TMĐT truyền thống, khi muốn mua một chiếc máy xay sinh tố, các bạn đặt hàng và chờ lúc nào đó có người giao hàng đến, nếu muốn trả hàng cũng vất vả.
Đối với TMĐT V.I.P của Thế Giới Di Động, ví dụ khi các bạn mua trái sầu riêng trên ứng dụng của Bách Hóa Xanh mà lỡ ăn không thấy ngon, sẽ có người sẵn sàng trả tiền cho các bạn ngay và luôn, thậm chí không lấy trái sầu riêng đó về nữa. Đó là thứ TMĐT mà Tập đoàn này đang theo đuổi: TMĐT dựa trên dịch vụ, sự hài lòng và tốc độ giao hàng.
Các bạn sẽ có dịch vụ rất khác biệt so với việc ai đó gọi điện tới, mặc dù bạn đang ở công ty họ cũng hối rằng nếu không về lấy là họ sẽ trả hàng về kho. Thế Giới Di Động muốn tách mình ra khỏi TMĐT bình thường đó.
Như vậy, tốc độ, dịch vụ và hậu mãi sẽ là những khác biệt giữa TMĐT của chúng tôi với các sàn ", ông Nguyễn Đức Tài phân tích.
Minh Anh
Theo Minh Anh
Đời sống pháp luật