Truy tìm lý do tổng tài sản Vietcombank giảm hơn 109.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm

Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 20.500 tỷ, bỏ xa hai ngân hàng đứng sau là BIDV (13.862 tỷ đồng) và Techcombank (11.272 tỷ đồng).

![Vì đâu tổng tài sản Vietcombank giảm hơn 109.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm?]

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 9.278 tỷ đồng và 7.428 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước .

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng đạt lần lượt 20.499 tỷ đồng và 16.420 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.

Với con số trên, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận trong ngành ngân hàng, bỏ xa “ông lớn” đứng thứ hai là BIDV (LNTT 13.862 tỷ đồng) và ngân hàng đứng đầu nhóm tư nhân Techcombank (LNTT 11.272 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của Vietcombank - tăng 13,9% so với cùng kỳ năn 2022, đạt gần 28.224 tỷ đồng và chiếm 78,4% tổng thu nhập hoạt động. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 6,4%, đạt 3.186 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng kinh doanh tăng gần 153%, mang về cho ngân hàng gần 89 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 9,6% xuống còn 3.079 tỷ đồng; hoạt động chứng khoán đầu tư lỗ 61 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 85 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 1,8% xuống mức 1.341 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của Vietcombank trong nửa đầu năm đạt xấp xỉ 35.988 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2022. Sau khi trừ chi phí hoạt động 10.930 tỷ, ngân hàng lãi thuần 25.057 tỷ đồng, tăng 12%.

Cùng với sự gia tăng của lãi thuần, chi phí dự phòng rủi ro giảm 9% so với cùng kỳ 2022 cũng là nhân tố quan trọng giúp Vietcombank có được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 18% trong nửa đầu năm.

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản Vietcombank dừng ở mức hơn 1,704 triệu tỷ đồng, giảm 109.542 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương giảm hơn 6%.

Nguyên nhân chính khiến quy mô tài sản Vietcombank sụt giảm đến từ sự thu hẹp của các khoản Chứng khoán đầu tư (-39.300 tỷ đồng), Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (-36.127 tỷ đồng) và Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác (-27.231 tỷ đồng).

Trong danh mục chứng khoán đầu tư, tín phiếu NHNN là bộ phận giảm mạnh nhất, khi ngân hàng không còn nắm giữ loại giấy tờ có giá này tại thời điểm 30/6/2023 từ mức 29.600 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.

Việc Vietcombank không còn nắm giữ tín phiếu NHNN là tương thích với diễn biến trên thị mở, khi cơ quan quản lý tiền tệ đã đưa lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường về mức 0 vào đầu tháng 6, qua đó bơm trả cho các ngân hàng cả trăm nghìn tỷ đồng đã hút ra khỏi hệ thống trước đó.

Cùng với tín phiếu NHNN, lượng trái phiếu do TCTD khác phát hành mà Vietcombank nắm giữ cũng giảm 8.500 tỷ trong nửa đầu năm, xuống còn 28.387 tỷ đồng.

Ngược lại, dự nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 2,9%, lên 1,178 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 25% lên mức 9.783 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên mức 0,83%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 317% lên 385%.

Bên phía nguồn vốn, các khoản nợ chính phủ và Ngân hàng Nhà nước của Vietcombank giảm 65.044 tỷ, xuống còn hơn 2.270 tỷ đồng. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm 71.849 tỷ, xuống 160.661 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng hơn 83.385 tỷ (tương đương 6,7%) lên gần 1,327 triệu tỷ đồng.