TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, chỉ ra rằng cần phải việc kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý và đề phòng hệ thống tài chính ngầm.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Vương Quốc Anh. (Ảnh: TTXVN).
Tại talkshow “Đằng sau Silicon Valley Bank phá sản và góc nhìn cho Việt Nam” ngày 20/3, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Vương Quốc Anh đã chỉ ra ba bài học mà hệ thống tài chính Việt Nam cần tham khảo sau vụ việc của ngân hàng SVB.
Theo ông, bài học thứ nhất là cần phải kiểm soát chặt kể cả những ngân hàng nhỏ khi xuất hiện rủi ro. Kiểm soát ngân hàng không nằm ở việc chỉ kiểm soát ngân hàng lớn và có rủi ro cao mà còn cần phải kiểm soát tất cả các ngân hàng vì ngân hàng nào cũng có ảnh hưởng đến hệ thống. Lúc nào cũng có thể có rủi ro mà chúng ta không thể đoán trước được ảnh hưởng đến một ngân hàng nhỏ.
“Khi một người cảm thấy ngân hàng đó không an toàn, họ cũng có thể đi rút tiền ở ngân hàng khác. Khi nhiều người rút tiền thì nguyên tắc căn bản là có thể kéo đổ cả hệ thống ngân hàng. Vì vậy điều quan trọng là khi một ngân hàng nhỏ xảy ra vấn đề thì cũng phải nhanh chóng kiểm soát “đám cháy” đó để nó không lan ra cả hệ thống được”, ông Tuấn nhận định.
Yếu tố thứ hai là về vấn đề lãi suất.
Khi lãi suất tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Câu chuyện của SVB là xuất phát từ việc lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng và làm cho nền kinh tế khó khăn thêm. Từ đó doanh nghiệp không có nhiều lợi nhuận nữa và sẽ gây ảnh hưởng đến ngân hàng.
Do đó ông cho rằng cần phải tìm cách để lãi suất nằm trong khả năng có thể chịu đựng được của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố gắng giảm lãi suất và khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất là hành động hợp lý. Vấn đề là chúng ta có thể làm được bao lâu, đồng thời cũng có một sức ép khác nữa là khống chế lạm phát. Lãi suất quá cao có thể làm tổn hại đến hệ thống ngân hàng, vì vậy đây là yếu tố cần phải suy nghĩ.
Yếu tố thứ ba đó là sự xuất hiện của các ngân hàng ngầm là các tổ chức tài chính. Theo ông Tuấn, những tổ chức tài chính này không có vai trò như một ngân hàng, nhưng vẫn có vai trò cho vay. Do đó ít nhiều vẫn sẽ huy động tiền theo cách nào đó và thậm chí họ có liên hệ chặt chẽ với ngân hàng nhưng không nằm trong hệ thống ngân hàng nên không chịu tác động kiểm soát ngân hàng minh bạch.
Đây là rủi ro mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức nghiên cứu đã cảnh báo từ rất lâu đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên chúng ta không biết bao lâu nữa sẽ xảy ra vấn đề với những tổ chức tài chính này.
Do đó, ông Tuấn cho rằng việc này cảnh báo rằng với tổ chức tài chính không quá lớn nhưng không phải ngân hàng, nếu nó đổ vỡ thì có ảnh hưởng đến hệ thống hay không. Đây là lúc cơ quan quản lý cần phải nghĩ tới vai trò của các tổ chức tài chính này.
Ngoài ra, đối với vấn đề lãi suất sẽ còn tăng khi Fed chưa có dấu hiệu dừng lại, Fed vẫn sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng vẫn phải tiếp tục tìm cách hỗ trợ hệ thống ngân hàng.
Mặt khác rất nhiều ngân hàng cho các doanh nghiệp vay đang lâm vào tình trạng khó khăn. Đây là rủi ro có thể diễn ra. Cho đến lúc này tuy những rủi ro này chưa thấy được rõ ràng và cần phải chờ đợi, nhưng có thể thấy rằng khi lãi suất tăng nhanh thì trong quá trình ngắn như vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
“Với quá trình tăng lãi suất trong khoảng thời gian ngắn, doanh nghiệp chưa đưa ra nhưng con số công bố, nhưng sau khoảng thời gian đó sẽ thấy tác động rõ rệt đến doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận định.
Fireant