Theo TS Lê Xuân Nghĩa, số hoá đến nay không còn là cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội sống còn của các doanh nghiệp.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo kế hoạch, đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.
Cùng với đó là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã nâng chuyển đổi số cũng trở thành vấn đề quan trọng, thậm chí có thể quyết định đến sự “sống còn” của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số của Tạp chí Đầu tư Tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định: “Số hóa chậm không chỉ làm chúng ta mất cơ hội cạnh tranh mà còn mất luôn cơ hội kinh doanh”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu như trước đây số hóa được xem là cách để mở rộng cơ hội kinh doanh thì giờ đây lại tác động đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi số từ sớm và nhận được nhiều kết quả. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc Ban Chăm sóc khách hàng, Khối Tài chính số, EVNFinance cho biết “chuyển đổi số vẫn luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của EVN Finance.
EVN Finance ghi nhận nhiều kết quả khi ứng dụng công nghệ vào vận hành.
Ông Sỹ cho biết, với việc ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số giúp EVN Finance tăng năng suất lao động, tăng trải nghiệm với khách hàng và tiết kiệm đáng kể chi phí. “Nhờ ứng dụng công nghệ trong thẩm định hồ sơ của khách hàng, số lượng khách hàng của EVN Finance đã tăng lên 4 lần, trong khi số lượng nhân sự giảm 40%”, ông Sỹ lấy ví dụ.
Hay như nhiều ngân hàng cũng đang tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số. Các ngân hàng đều đẩy mạnh xây dựng ngân hàng số, thúc đẩy nhiều tính năng như thanh toán không tiền mặt, cho vay online,… Nhờ đó, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt hiện gấp 23 lần GDP.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn vào thực tế rằng các doanh nghiệp Việt hiện mới chỉ đang ở bước đầu của chuyển đổi số.
Dẫn chứng cho nhận định này, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, “kể từ năm 2026, tất cả các doanh nghiệp phải báo cáo phát thải vào châu Âu, tương đương với khoảng 2.800 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ chưa đầy 100 doanh nghiệp có báo cáo nhưng vô cùng sơ sài”.
Một số doanh nghiệp chỉ báo cáo được phần tự phát thải, còn lại không báo cáo đươc, chỉ 7 doanh nghiệp báo cáo đủ 3 phần theo yêu cầu châu Âu, nhưng cấu trúc dữ liệu sẽ khó thông qua kiểm toán, ông nói.
Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là về vấn đề nhận thức. Theo ông Võ Văn Bé, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, nhận thức về chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn còn có độ “vênh” và nhiều người, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu về chuyển đổi số, ngay cả ở cấp lãnh đạo.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số là một chặng đường dài, đòi hỏi nguồn lực lớn về công nghệ và đội ngũ chuyên gia. Đây lại là hai điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Sự thiếu hụt về lực lượng lao động trong chuyển đổi số đã làm chậm trễ quá trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp phải đẩy nhanh chuyển đổi số.
Tiếp đến là vấn đề về khung pháp lý, các chính sách, Nghị định liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu – một trong những “thành phần” quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp. Những quy định hiện hành về bảo mật thông tin, dữ liệu vẫn còn khá sơ khai, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, “chúng ta cần truyền thông mạnh mẽ cho các doanh nghiệp về việc số hoá. Các chuyên gia cũng phải lao vào nghiên cứu để đưa ra các phương án đáp ứng yêu cầu số hoá ngày càng cao từ thế giới”.
“Số hoá đến nay không còn là cơ hội kinh doanh mà còn là cơ hội sống còn. Bây giờ chậm là chết, không chỉ chết doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng cả hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Lâu nay chúng ta chủ quan về số hoá thì giờ dao đã kề sát cổ”, ông Nghĩa khẳng định.
Khánh Tú