Theo ông Nghĩa, nhìn một cách tổng quát, Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao như hiện nay thì cơ hội đầu tư là rất nhiều và nằm rải rác ở khắp nơi, chỉ có điều là khả năng quản lý gia sản và tích sản của người dân vẫn còn hạn chế.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa.
Chia sẻ tại một Talkshow tài chính được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa dẫn thống kê từ nhóm nghiên cứu của ông cho biết, từ năm 1990 đến nay, giá vàng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tăng khoảng 30 lần. Cũng trong thời gian trên, giá bất động sản tăng thấp nhất ở các tỉnh xa, tỉnh nghèo cũng đạt 100 lần, còn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới 400 lần. Trong khi đó, từ năm 2000 tới giờ, chứng khoán của Việt Nam chỉ tăng được 12,5 lần, chỉ số VN-Index chỉ mới tăng từ 100 lên 1200 điểm, tức là tăng thấp hơn là tăng giá vàng.
Những con số trên cho thấy tốc độ tăng của vàng và chứng khoán Việt Nam không đuổi kịp tốc độ tăng giá của bất động sản. Do đó, vị chuyên gia này dự báo giá bất động sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế, dự án ngày một ít đi. Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có cách nào để tháo gỡ được hàng nghìn các dự án đang đắp chiếu nhiều năm ở TP HCM và Hà Nội.“Tôi nghĩ các dự án chưa thể triển khai tiếp một phần vì lý do chủ đầu tư không có tiền, một phần là do thủ tục pháp lý. Một khi chủ đầu tư không có tiền thì không thể nộp tiền thuế quyền sử dụng đất”, chuyên gia nêu quan điểm
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, nếu so sánh về tốc độ tăng giá của các loại tài sản nói trên thì bất động sản tăng khủng khiếp nhất. Tuy nhiên, so sánh này không hoàn toàn công bằng vì trên thị trường chứng khoán, tốc độ tăng giá luôn luôn được bình quân hóa, sẽ có những cổ phiếu tăng rất nhanh rồi biến mất khỏi thị trường. Nên khi bình quân lại, tốc độ tăng của nó chỉ ở mức như vậy.
"Từ thống kê trên cho thấy rằng, tốc độ tăng giá tài sản và tích sản tại Việt Nam là có thể nói là cao nhất thế giới. Điều này là cơ hội đầu tư là rất lớn", ông Nghĩa cho hay.
Theo vị chuyên gia này, có một số vấn đề lớn về vĩ mô ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tích sản và đầu tư của người dân. Thứ nhất là ãi suất - giá của vốn; và thứ hai là tỷ giá hối đoái - liên quan đến việc cấu trúc tài sản để dành. Thứ ba là giá vàng, bất động sản và thị trường chứng khoán.
"Tất cả những thứ đó thì nó có vẻ như là rời rạc với nhau, nhưng mà thực ra là gắn kết rất là mật thiết với nhau trên một chỉ tiêu vĩ mô mà quan trọng nhất đó chính là lãi suất. Lãi suất ngân hàng có thể tác động mạnh mẽ đến toàn bộ cái thị trường tài sản của chúng ta", ông Nghĩa đánh giá.
Theo ông Nghĩa, nhìn một cách tổng quát, Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao như hiện nay thì cơ hội đầu tư là rất nhiều và nằm ở khắp nơi, chỉ có điều là khả năng quản lý gia sản và tích sản của người dân vẫn còn hạn chế.
Vị chuyên gia này nhận định, nếu Việt Nam có được một nền tảng pháp lý và có các định chế xây dựng thị trường tốt như của các nước phát triển thì thị trường tài chính Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nhiều.
"Tôi nghĩ người Việt Nam mình nói chung có khuynh hướng thích đầu tư và cũng thích mạo hiểm. Đây là tiềm năng rất lớn về có thể phát triển một thị trường quản lý gia sản mạnh mẽ trong tương lai", ông Nghĩa nhận định.
Quốc Thụy
An ninh Tiền tệ