**Tự học chứng khoán: P/B là gì?**

, , , ,

chi-so-p-b-6

Ở số Tự học chứng khoán trước chúng ta đã cùng tìm hiểu về BVPS (Book value per share hay Giá trị sổ sách của công ty) và biết được ý nghĩa của BVPS là chỉ số quan trọng dùng để tính chỉ số P/B, vậy P/B là gì?

1. Khái niệm

  • P/B, PBR hay Price-to-book Ratio là chỉ số thể hiện sự so sánh giữa giá của cổ phiếu trên thị trường với giá trị sổ sách của chính cổ phiếu đó.

2. Công thức tính

P/B = Giá cổ phiếu trên thị trường/ Giá cổ phiếu trên sổ sách (Price/ BVPS)

Trong đó:

  • P là Giá của cổ phiếu trên thị trường, là giá đóng cửa tại phiên gần nhất của cổ phiếu.

  • B là BVPS mà chúng ta đã cùng tìm hiểu ở số trước

3. Ý nghĩa

  • P/B > 1 tức là giá thị trường đang cao hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Điều này có nghĩa là thị trường đang có nhiều kỳ vọng về cổ phiếu này, doanh nghiệp có thể làm ăn tốt trong tương lai. Chính vì thế mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao hơn giá trị ghi sổ của doanh nghiệp để có thể sở hữu nó.

  • P/B <1 tương ứng sẽ có ba trường hợp:

(1) Thị trường đang nghĩ rằng không mấy khả quan về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập trên tài sản của công ty là quá thấp, do đó nhà đầu tư chỉ bỏ ra mức giá thấp để mua cổ phiếu;

(2) Có thể lợi nhuận công ty đang tăng nhanh hơn so với những gì thị trường kỳ vọng. Doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục sau khủng khoảng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày một tăng lên khiến cho giá trị cổ phiếu trên sổ sách cũng tăng lên. Trong trường hợp này, cổ phiếu đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư mua vào và thu về lợi nhuận trong tương lai;

(3) Giá trị tài sản của công ty đang bị thổi phồng quá mức.

4. Lưu ý khi sử dụng

  • P/B Chỉ hiệu quả đối với những lúc thị trường khủng hoảng, hoặc đối với những lúc chúng ta tìm hiểu về những ngành nghề, những công ty mà có những tài sản hữu hình đóng trọng số lớn trong mô hình kinh doanh, còn đối với những công ty tài sản vô hình lớn thì chúng ta không dùng chỉ số này

  • Chỉ số P/B rất phù hợp trong việc định giá những doanh nghiệp có phần lớn tài sản có tính thanh khoản cao, như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty đầu tư… do hiệu quả quản lý giữa tài sản và nguồn vốn huy động càng cao thì mức độ sinh lời càng cao. Ngược lại, chỉ số này không phù hợp để định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ – nơi mà tài sản vô hình như Thương hiệu, Con người, Độ trung thành của khách hàng… rất khó để định lượng.

  • Chỉ số P/B có mức độ ổn định hơn hẳn so với chỉ số EPS nên trong điều kiện EPS có mức biến động khó quan sát và đánh giá thì chỉ số P/B sẽ có hiệu quả hơn hẳn.

  • Chỉ số P/B luôn luôn dương nên nó có thể dùng để định giá với những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ.

  • Ngoài ra, BVPS (Giá trị sổ sách của cổ phiếu) đôi khi cũng không phản ánh đúng giá trị thị trường hiện tại của tài sản. Ví dụ, mảnh đất mà doanh nghiệp mua 5 năm trước rất có thể hiện nay giá trị đã tăng giá lên nhiều lần… Tuy nhiên doanh nghiệp thường sẽ không định giá lại các tài sản này vì định giá lại sẽ bị đánh thuế.

5. Xem nhanh chỉ số P/B mà không mất thời gian tính toán trên các website như Vietstock, CaFeF…

Vào finance.vietstock.vn, Nhập mã chứng khoán, VD: VTP (Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel – UPCoM)

Trong ví dụ đối với cổ phiếu của VTP - Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) thì vào ngày 23/9/2022, P của VTP đang là 58.600 đồng, BVPS là 14.521 đồng, vậy P/B = 58.600/14.521 = 3,96. Giá trị P/B đã được trang web tính sẵn như trong ảnh. Có thể thấy giá trị tài sản vô hình của VTP là rất lớn (Yếu tố thương hiệu, phát minh, sáng chế, tài sản trí tuệ…), chúng ta chỉ sử dụng chỉ số P/B làm chỉ số để tham khảo trong những trường hợp như này.

Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!

#VPS #tvi #manhcuongtvi #chungkhoan #cophieu