NOVA KÝ SỰ
PHẦN 3 : TRUY VẾT BẰNG HỆ THỐNG XU HƯỚNG ĐƠN GIẢN
Một trong những điều được cho là tinh túy nhất của VSA là Hệ thống xu hướng đơn giản (The Simple Trending System). Hệ thống này được Richard D. Wyckoff khởi xướng và Tom Williams là người kế thừa, chắt lọc và phát triển. Gọi VSA là một nhánh của phương pháp Wyckoff có lẽ cũng không có gì sai.
Trong Master The Markets, Tom dành hẳn một phần của cuốn sách để nói về nó. Tuy nhiên trong cuốn sách, những gì nói về hệ thống xu hướng đơn giản còn rất sơ sài, bao quát, chưa đi sâu vào từng ngóc ngách để hiểu được cái tinh túy của hệ thống này. Mọi thứ sau đó được triển khai rõ ràng, cụ thể hơn trong bốn Volume của The Weekly Newsletters. Mặc dù vậy, bần đạo luôn có cảm giác những gì được viết trong những cuốn sách này vẫn chỉ là những cái cơ bản, là bề nổi của tảng băng chìm. Nhất định còn có nhiều điều thú vị về nó mà vì lý do chủ quan hay khách quan, tác giả không tiện nói ra và chờ chúng ta, những kẻ hậu học tự mày mò, triển khai và ứng dụng chúng vào thực tiễn dựa trên nền tảng đã có.
Trong thời gian dịch những cuốn sách này, có những ngày bần đạo dành ra cả ngày từ sáng đến khuya chỉ để vẽ những đường xu hướng. Đôi khi nhìn trên biểu đồ toàn là những đường xu hướng đan xen với nhau không khác gì một tấm lưới. Nhờ vậy mà bần đạo phát hiện ra rất nhiều điều thú vị về nó. Những thanh bar (nến) giá nhảy nhót với các đường xu hướng không khác gì các nốt nhạc trên khuông nhạc. Có vẻ như chúng có quy luật chứ không hẳn là nhảy nhót một cách ngẫu nhiên. Ngày đó, bần đạo tự đặt ra câu hỏi: phải chăng đây (giá cổ phiếu) chỉ là trò chơi của những đường xu hướng? Và bây giờ, bần đạo vẫn đang trên hành trình đi tìm câu trả lời.
Bần đạo nói một chút về xu hướng ở đây vì nó có liên quan đến hành trình truy tìm dấu vết của chuyến tàu NVL. Với nhiều bác mới tập tễnh đọc thị trường, nhìn vào biểu đồ nếu không có các đường xu hướng cũng giống như nhìn vào 1 bản đồ mà không có đường đi trong đó. Ngay cả Tom cũng phải thừa nhận, ông cảm thấy có chút khó khăn khi nhìn vào biểu đồ mà không có các đường xu hướng được vẽ từ trước.
Ngoài ra còn rất rất nhiều vấn đề bần đạo muốn nói đến về hệ thống xu hướng đơn giản nhưng xin hẹn các bác ở một bài viết khác. Vì ở đây chỉ mượn nó để làm thám tử, nếu tản mác về nó nhiều quá thì thành ra đi chệch hướng. Tuy nhiên bần đạo sẽ đưa ra một vài câu hỏi để gợi ý với các bác khi nghiên cứu về hệ thống này:
-
Hệ thống xu hướng đơn giản là gì?
-
Tại sao hệ thống xu hướng đơn giản hoạt động?
-
Tác dụng của hệ thống xu hướng đơn giản là gì?
-
Cách vẽ đúng các đường xu hướng là gì?
-
Kháng cự và hỗ trợ là gì?
-
Chúng ta có thể khai triển và ứng dụng hệ thống xu hướng đơn giản vào thực tiễn như thế nào?
-
Ý nghĩa của các đường xu hướng, kênh xu hướng, các đường xu hướng hội tụ……?
…
Chúng ta trở lại câu chuyện trên chuyến tàu của hãng Nova Lines. Hãy tưởng tượng chúng ta là những nhà động vật học đang nghiên cứu tập tính sinh hoạt của một loài sư tử ở công viên quốc gia nước nọ. Công việc của chúng ta là lần mò theo dấu chân của chúng để hiểu cách chúng sinh hoạt mỗi ngày, chúng thường làm gì, thích gì, ghét gì, chúng ăn ngủ, đi tìm bạn tình ra sao, vào giờ nào….
Hành trình của chúng ta cũng vậy, bằng các công cụ như hệ thống xu hướng đơn giản, hệ thống tín hiệu, background, một vài nguyên tắc VSA thường xuyên xuất hiện, khối lượng… chúng ta sẽ hiểu được smart money đã, đang và sẽ làm gì trên biểu đồ. Chúng ta biết được thói quen, mánh khóe, ý đồ, mong muốn, phản ứng… của họ được thể hiện ngay chính trên biểu đồ ở một phạm vi nhất định. Có thể đúng, có thể sai nhưng luôn là một trò chơi thú vị và chắc chắn sẽ có những phần thưởng xứng đáng nếu chúng ta đúng. Đây là lý do bần đạo đam mê cái món chứng cháo này. Nó không có bất kỳ giới hạn nào cho tư duy của chúng ta.
Xin lưu ý một chút với các bác. Tất cả các đường xu hướng được vẽ trong hình sau đây đều xuất phát từ ý chí chủ quan của bần đạo. Nó có thể đúng hoặc không đúng theo quy tắc vẽ thông thường vì đây là một phần trong số những điều bần đạo tự triển khai. Có thể nó sẽ gây tranh cãi nhưng mong các bác cũng đừng quan tâm nhiều, vì bần đạo cũng đang trên đường nghiên cứu, triển khai mà chưa lấy gì làm chắc chắn. Tuy nhiên, có vẻ như ít nhiều nó cũng có tác dụng trong việc theo dõi dấu chân của smart money. Đi hơi lòng vòng chắc các bác cũng hơi mỏi mắt, nhưng cái kiểu kể chuyện nó phải thế, chứ vào luôn thẳng vấn đề thì lại thiếu đi tính hấp dẫn.
(còn nữa)