Dưới “bàn tay Midas” của Đỗ Thành Nhân, các doanh nghiệp sau khi gia nhập hệ sinh thái Louis đều bất ngờ làm ăn có lãi trở lại, và thị giá cổ phiếu đều tăng một cách “bất thường”. Tuy nhiên, từ khi cựu Chủ tịch Louis Holdings bị bắt vì liên quan đến việc thao túng cổ phiếu của các doanh nghiệp trên, mọi diễn biến đang theo chiều ngược lại.
Mặc dù đại diện một số doanh nghiệp thuộc “họ Louis” khẳng định vụ việc của cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty, nhưng lời khẳng định này dường như bị phản bác khi các công ty trong hệ sinh thái Louis đồng loạt báo lỗ trong quý II vừa qua.
Đua nhau báo lỗ
Mới đây, Louis Capital (TGG) công bố lỗ 13 tỷ đồng sau thuế trong quý II/2022, trong khi cùng kỳ lãi 43,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 8,5 tỷ đồng. Như vậy sau 4 quý, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ trở lại.
kết thúc quý II, Louis Land (BII) cũng báo lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp, doanh nghiệp này báo lỗ ròng. EPS là âm 274 đồng. Bán niên, công ty báo tổng doanh thu tăng 91% lên 303 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế đều ghi nhận lỗ gần 19 tỷ đồng, giảm 148% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Hay như Ladophar (LDP) báo cáo doanh thu thuần đạt 43,7 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, công ty báo lỗ 20,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 93,3 tỷ đồng, tăng 8,6%; lỗ sau thuế 18,8 tỷ đồng.
Angimex (AGM) cũng thông báo mức lỗ ròng quý II và 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt gần 10 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
Còn Sametel (SMT) lỗ 5,4 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng, Sametel ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng, gấp 2 lần thực hiện trong cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế âm 5,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6 giảm còn 172 triệu đồng.
Nhìn chung, từ sau khi cựu Chủ tịch Đỗ Thành Nhân bị bắt, Louis Holdings liên tục lên kế hoạch tiến hành thoái vốn tại đơn vị thành viên, mà theo đại diện công ty cho biết đây là những bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc các khoản đầu tư, quản trị rủi ro về mặt tài chính, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các cổ đông hiện hữu và chuẩn bị nguồn lực để tạo đà phát triển dài hạn.
“Thiên nga” gãy cánh
Bên cạnh tình hình kinh doanh bi đát trở lại, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp nêu trên cũng không khá khẩm hơn là bao.
Còn nhớ, năm 2021, nhóm doanh nghiệp “họ Louis” đã nổi lên như một hiện tượng khi giá cổ phiếu liên tục tăng một cách “bất thường”.
Trước đó, phần lớn các cổ phiếu BII, TGG, SMT… đều dưới mệnh giá, thậm chí như BII và TGG từng có giá dưới 2.000 đồng/cp. Tuy nhiên, khi tham gia vào hệ sinh thái “họ Louis”, những cổ phiếu trên được ví như “vịt hóa thiên nga” với những cổ phiếu được kéo trần hàng chục phiên liên tiếp.
Cuối năm 2020, cổ phiếu TGG chỉ ở mức 1.170 đồng/cp, nhưng đạt đỉnh 74.800 đồng/cp ngày 22/9/2021, tương ứng gấp 64 lần. Tương tự, BII tăng từ 3.600 đồng/cp hồi cuối năm 2020 lên mức đỉnh 31.000 đồng/cp vào 15/9/2021, tương ứng gấp 8,6 lần. Cổ phiếu SMT, LDP cũng có biến động tương tự.
Sau thời điểm đó, sức tăng nóng của nhóm cổ phiếu trên bỗng hạ nhiệt, từ trên “đỉnh” đã đảo chiều tạo mô hình “cây thông”, thậm chí "nhốt sàn” 5-6 phiên liên tiếp, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặn. Mỗi ngày có 20 - 30 triệu cổ phiếu dư bán sàn, trắng bên mua, mất thanh khoản, trở thành nỗi ám ảnh của nhà đầu tư.
Trong đó, BII có mức biến động giảm sâu nhất (-40%). Các mã như TGG, AGM, SMT… có mức giảm từ 15 - 30%.
Chuỗi ngày đen tối vẫn tiếp tục kéo dài, và thông tin cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân bị bắt do liên quan đến thao túng cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Louis như một “cú bồi” giáng vào giá cổ phiếu vẫn còn trong tình trạng “thoi thóp”.
Hiện tại, cổ phiếu BII có giá 5.300 đồng/cp, giảm 86% so với thời điểm đạt đỉnh tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu TGG giảm khoảng 93%, đứng ở mức 7.300 đồng/cp…
Có thể thấy, những lùm xùm xung quanh biến động lớn của giá cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Louis gây thua lỗ nặng cho nhiều nhà đầu tư đã khiến giới đầu tư mất dần niềm tin. Mặc dù HĐQT công ty cũng đưa ra những kế hoạch “hay ho” nhằm “cứu vãn” tình hình kinh doanh bi đát trở nên sáng hơn, song dường như những gì đạt được vẫn chỉ nằm trên giấy.
Bởi lẽ, đa phần những doanh nghiệp mà Louis Holdings “thâu tóm” đều có quy mô nhỏ, kinh doanh không ấn tượng, thậm chí “rỗng bên trong”. Trong khi đó, để có thể phát triển dài hơi, ngoài nguồn vốn thì vẫn cần bộ máy nhân sự, quản trị vận hành chuyên nghiệp, chuyên môn. Song thực tế cho thấy, nhân sự của nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này đang gặp vấn đề lớn. Đồng thời, báo cáo tài chính kết quả kinh doanh ở quý gần nhất đều minh chứng cho việc nguồn lực tài chính vẫn chưa thấy đâu.
Vì vậy, việc “thay da đổi thịt” cho doanh nghiệp vẫn là một dấu hỏi lớn, tương lai của cổ phiếu các doanh nghiệp này vẫn mờ mịt, nhưng việc phải “cắt lỗ” hay chờ “về bờ” có lẽ tự nhà đầu tư đã có câu trả lời rõ ràng.