Tỷ phú gà lạnh “bắt tay” với De Heus: Đầu tư 2.500 tỷ xây dựng tổ hợp nông nghiệp khép kín, sản phẩm đạt chuẩn Halal để xuất sang thị trường Hồi giáo

Dự kiến, mô hình này sẽ đạt doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2030.

Tập đoàn Hùng Nhơn, một doanh nghiệp hàng đầu trong mảng chăn nuôi, vừa công bố 7 dự án trọng điểm tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh, gồm dự án Tổ hợp nhà máy chế biến thực phẩm và 6 trang trại chăn nuôi ông nghiệp công nghệ cao DHN tại huyện Tân Châu.

Với giai đoạn 1 dự án dự kiến cũng sẽ khánh thành trong ngày 19/5, tổng quy mô vốn của dự án này lên đến 2.500 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự án quy mô hơn 39,5 ha, sản xuất giống gia cầm và chăn nuôi gà với quy mô 20 triệu quả trứng/năm, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng.

Song song với chuỗi sự kiện chính, ngày 19/5, sẽ có 2 Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa UBND tỉnh Tây Ninh, Hùng Nhơn, De Heus và các đối tác, gồm: khảo sát, đầu tư xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao, xây dựng trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, cung cấp sản phẩm vịt giống và vịt thịt; triển khai kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm gia cầm theo tiêu chuẩn Halal để xuất khẩu đi thị trường quốc tế và các nước Hồi giáo (thị trường Halal).

Được biết, Tập đoàn Hùng Nhơn là “tài sản” của ông Vũ Mạnh Hùng, một doanh nhân xuất phát điểm từ ngành chăn nuôi. Sau 3 lần thất bại, ông Hùng đến nay được mệnh danh là “tỷ phú gà lạnh”, tiên phong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi gia cầm và gia súc đầu tiên với quy mô lớn ở Bình Phước. Hùng Nhơn cũng là một trong số rất ít doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi gà lạnh (nuôi trong trang trại gắn máy lạnh).

Thành công từ trang trại gà lạnh, ông Hùng cũng đang thử sức xây dựng mô hình chăn nuôi heo với quy mô 9.600 heo nái, mỗi năm cung cấp hơn 300.000 con giống cho nông dân khu vực miền Đông Nam bộ và 25.000 con heo thịt. Ký kết MoU lần này với De Heus là một trong những “mắc xích” cho hệ sinh thái chăn nuôi khép kín, hướng đến mô hình kinh doanh bền vững của Hùng Nhơn. Dự kiến, mô hình này sẽ đạt doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2030. Sản phẩm không chỉ bán ra trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu.

Trong bối cảnh nhu cầu về thịt, đặc biệt là thịt gia cầm gia tăng, thì dịch cúm cũng như an toàn thực phẩm cũng gia tăng mạnh và là bài toán lớn toàn cầu. Hiện, Việt Nam chưa phải là nước sạch bệnh trên đàn gia cầm, vẫn còn một số dịch bệnh như Cúm gia cầm (CGC), Newcastle… Tuy nhiên, chúng ta đã cơ bản kiểm soát tốt tất cả các loại dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2023 cả nước chỉ có 21 ổ dịch CGC tại 11 tỉnh vào năm 2023, buộc phải tiêu hủy khoảng 40 nghìn con gia cầm. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 7 ổ dịch CGC tại 7 tỉnh, xảy ra ở diện hẹp, ở các đàn gia cầm chưa tiêm vắc xin, nhưng đã được xử lý triệt để, không lây lan ra diện rộng. Trong đó, dịch bệnh đe dọa và là rào cản đối với phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia cầm. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh, tổn thất kinh tế có thể rất lớn. Chưa kể, thực phẩm bẩn và an toàn thực phẩm đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi mỗi năm hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận.

Ảnh: Cùng với biên bản MoU về 7 dự án nông nghiệp bền vững lần này, đại diện De Heus và Hùng Nhơn cũng chi 30 tỷ đồng lập Quỹ Từ thiện DHN.

Chỉ trong năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người bị ngộ độc và 28 người tử vong. Khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 382.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đã có hơn 34.500 cơ sở vi phạm được phát hiện. Những con số này có xu hướng tăng dần mỗi năm và là một báo động đỏ cho thấy tình trạng thực phẩm bẩn đang đe dọa lớn đến sức khỏe người dân như thế nào.

Nhận thấy được vấn đề này, doanh nghiệp nói chung và liên doanh Hùng Nhơn - De Heus nói riêng đã, đang phát triển mô hình chăn nuôi bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với biên bản MoU về 7 dự án nông nghiệp bền vững lần này, đại diện De Heus và Hùng Nhơn cũng chi 30 tỷ đồng lập Quỹ Từ thiện DHN. Ông Hùng cho biết việc thành lập Quỹ từ thiện DHN đến từ vấn nạn thực phẩm bẩn và việc phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nỗi đau thương do chất độc màu da cam đem lại. “Chương trình trao quà từ thiện là một trong những hoạt động thường xuyên, bởi hoạt động này không chỉ bắt nguồn từ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ, mà còn xuất phát từ tình cảm sẻ chia của toàn thể cán bộ nhân viên Liên doanh DHN” , ông Hùng chia sẻ.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

https://cafef.vn/ty-phu-ga-lanh-bat-tay-voi-de-heus-dau-tu-2500-ty-xay-dung-to-hop-nong-nghiep-khep-kin-san-pham-dat-chuan-halal-de-xuat-sang-thi-truong-hoi-giao-188240516102648193.chn