Thời điểm những năm 90, tỷ phú Jeff Bezos từng được coi là "nỗi kinh hoàng" đối với nhân viên khi liên tục gây áp lực cho các thành viên thuộc Amazon.
Năm 1997, Amazon lần đầu IPO trên sàn với giá khởi điểm là 18 USD/cổ phiếu. Đến hiện tại, cổ phiếu Amazon đạt giá trị lên tới 185,99 USD/cổ phiếu, đưa nhà sáng lập Jeff Bezos trở thành một trong những tỷ phú top đầu thế giới.
Hiện nay, mặc dù đã “nghỉ hưu” và rời bỏ các công việc tại Amazon, tỷ phú Jeff Bezos vẫn đang là người giàu thứ 2 trên thế giới với tổng giá trị tài sản ròng lên tới hơn 200 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới tính theo thời gian thực của Forbes.
Chỉ 2 năm sau khi Amazon IPO, ông Jeff Bezos đã trở thành tỷ phú. Bí mật về hành trình đưa Amazon lên đỉnh cao trong khoảng thời gian ngắn là một trong những chủ đề được dư luận quan tâm vào lúc bấy giờ.
Vào năm 1999, khi còn đảm nhận cương vị CEO Amazon, ông Bezos từng hé lộ chiến lược lãnh đạo cứng rắn của mình. Theo đó, cựu CEO Bezos đã liên tục tạo áp lực tinh thần đối với các nhân viên để đảm bảo họ phải làm việc với nỗi sợ mọi lúc, đặc biệt là “sợ khách hàng” của mình.
Ông Bezos mong muốn mọi nhân viên khi thức dậy mỗi sáng đều phải “trong tâm trạng kinh hãi, khăn trải giường ướt đẫm mồ hôi”. “Họ không nên sợ các đối thủ cạnh tranh của công ty, họ cần sợ khách hàng, những người họ đang trực tiếp giữ các mối quan hệ cùng, những người sẽ giúp chúng tôi kiếm ra tiền”, tỷ phú Bezos cho hay.
Mục tiêu của chiến thuật áp bức tinh thần này không phải là để bóc lột các nhân viên mà là để đảm bảo không ai ngủ quên trên chiến thắng của mình. Hơn ai hết, ông Bezos nhận thức được rằng mọi thứ đều có thể thay đổi rất nhanh đối với Amazon.com. Công ty mới chỉ thành lập được một thời gian và họ hoàn toàn có thể bỏ lỡ cơ hội tạo ra lịch sử nếu không thực sự tập trung vào các khách hàng.
Tỷ phú Jeff Bezos
Chiến thuật chăm sóc khách hàng của Amazon dưới thời Bezos được so sánh không khác gì một tình yêu đơn phương, dành trọn tình cảm và sự quan tâm với đối phương. “Khách hàng sẽ trung thành với chúng tôi cho đến giây phút một đơn vị khác cung cấp cho họ những dịch vụ tốt hơn”, ông Bezos nhận định nếu không liên tục theo sát khách hàng, họ có thể bỏ Amazon bất cứ lúc nào.
Giám đốc điều hành hiện tại của Amazon, Andy Jassy cũng từng chia sẻ về tiêu chuẩn của Bezos đối với các nhân viên: “Dõi theo Jeff, tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ ai có tiêu chuẩn cao hơn”, ông Jassy nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới của Fortune ở Davos vừa tổ chức năm nay.
Chiến lược tập trung quá mức vào khách hàng tuy có vẻ đem lại hiệu quả cao, nhưng cũng nhận về không ít ý kiến trái chiều, không chỉ bởi dư luận bên ngoài mà còn chính bởi những nhân sự nội bộ công ty.
Một số cho rằng điều kiện Bezos và Amazon đưa ra là quá khắc nghiệt. Tập trung vào khách hàng là đúng, nhưng tập trung quá mức đến nỗi ám ảnh theo tiêu chí của Bezos đã thực sự làm các nhân viên cảm thấy sợ hãi.
Năm 2015, tờ New York Times từng tiết lộ “chiến thuật khách hàng” của Amazon đã khiến các nhân viên phải làm việc quá nửa đêm, liên tục căng thẳng không chỉ trong giờ làm việc, gây ra sự thiếu cân bằng trong công việc và cuộc sống. Mặc dù nhận lại mức lương cao, song điều này đã làm nhiều nhân viên không chịu được áp lực buộc phải từ bỏ.
Đến năm 2023, có 3 nhân sự Amazon đã đệ đơn kiện tập thể chống lại tập đoàn vì cho rằng họ đã phải trải qua “những điều kiện công việc vô nhân đạo”, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của các nhân viên. “Họ quan tâm nhiều hơn tới lợi nhuận của công ty”, một cựu nhân viên kho hàng tại Amazon cho biết sức lao động của nhân viên là thứ không được công ty để tâm.
Theo Fortune, Forbes
Quốc Anh