UBCKNN họp cùng VASB về Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán

Tại cuộc họp, lãnh đạo VASB đã trình bày những ý kiến của tổ chức về Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán.

Sáng ngày 14/5, tại Hội sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đã diễn ra Hội nghị về Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán. Cuộc họp có sự góp mặt của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB). Bên cạnh đó còn có các thành viên của Hiệp hội là các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ phát triển Thị trường đã trình bày các điểm chính của Thông tư sửa đổi 4 Thông tư 120, 119, 121 và 96. Cụ thể, Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Tại cuộc họp, lãnh đạo VASB đã trình bày những ý kiến của tổ chức về Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán.

Lãnh đạo VASB đã trình bày những ý kiến của tổ chức về Dự thảo Thông tư sửa đổi 4 Thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán

Về quy định đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán

Theo đại diện VASB, mục đích của các quy định đối với công ty chứng khoán trong giao dịch không ký quỹ 100% tiền là nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại ảnh hưởng đến thị trường khi xảy ra rủi ro mất thanh khoản của một công ty chứng khoán. Theo quy định tại Dự thảo, Công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh có nghĩa vụ “đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng”, “thanh toán đối với phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh”, sau đó “thực hiện bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của mình” (Khoản 22 Điều 1 dự thảo thông tư). Vì vậy, vai trò của Công ty chứng khoán rất quan trọng trong việc quản trị rủi ro đối với hoạt động này: từ việc phải có năng lực trong việc đánh giá lựa chọn khách hàng, cho đến việc phải đủ khả năng tài chính để thanh toán trong trường hợp NĐTTCNN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, và việc xử lý chứng khoán ra thị trường.

Trong khi đó, trường hợp năng lực CTCK không đủ để có thể thẩm định tốt được khách hàng, khả năng tài chính của CTCK không đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán sẽ có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến thị trường chứng khoán chung mà không có phương án tiếp theo xử lý.

Vì vậy, đại diện VASB cho rằng, bên cạnh việc phụ thuộc vào khả năng tự nhận định, đánh giá các năng lực của mình trước khi quyết định triển khai dịch vụ này, cần thiết phải có những hướng dẫn chung và các yêu cầu tối thiểu về năng lực, cũng như hạn mức tối đa của từng CTCK theo năng lực tài chính để giảm thiểu rủi ro mất thanh khoản của một CTCK làm ảnh hưởng đến thị trường chung.

Những tiêu chuẩn năng lực và hạn mức triển khai dịch vụ sẽ giúp cho UBCKNN có thể quản lý được tốt hơn rủi ro của hoạt động này trong bối cảnh hoạt động này mới được triển khai ở Việt Nam và chưa từng được áp dụng đối với Nhà đầu tư trong nước trước đó để có những kinh nghiệm quản lý hoạt động này. Cùng với những biện pháp quản trị rủi ro của bản thân các CTCK sẽ có thể giảm thiểu được xác suất xảy ra tình trạng mất thanh khoản, đồng thời có thể giảm thiểu thiệt hại ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán tại thời điểm rủi ro xảy ra.

Bên cạnh đó, khi ban hành những tiêu chuẩn và hạn mức, các CTCK sẽ có tham chiếu để tuân thủ. Điều này một mặt giúp cho Nhà nước có thể quản lý tốt hơn tổng hạn mức giao dịch không ký quỹ tiền 100%, một mặt có thể nhận diện rõ hơn hành vi vi phạm quy định hay rủi ro kinh doanh khi tình trạng mất thanh khoản của CTCK xảy ra, thay vì quy định tất cả các trường hợp mất thanh khoản đều là hành vi vi phạm như dự thảo hiện nay đang quy định: “Công ty chứng khoán phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thanh toán, trường hợp mất khả năng thanh toán sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và Quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam” (Khoản 2 Điều 1 dự thảo thông tư).

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vi vi phạm phải được xác định là hành vi có lỗi. Nếu không có căn cứ tiêu chuẩn rõ ràng, rất khó xác định được lỗi để kết luận một hành vi vi phạm để xử lý. Vì vậy, để giúp cho các CTCK có thể giảm thiểu rủi ro, cũng là để hoạt động này có thể đi vào triển khai thành công trong thực tế, UBCKNN nên nghiên cứu để bổ sung thêm các quy định về tiêu chuẩn, hạn mức và hướng dẫn hết sức cụ thể đối với các CTCK.

Một vấn đề quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến các CTCK triển khai dịch vụ này là quy định trong Dự thảo liên quan đến việc tạm ngừng dịch vụ: “Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài” (Khoản 2 Điều 1 dự thảo thông tư). Để giảm thiểu thiệt hại về vật chất cũng như uy tín của các CTCK đối với các NĐTTCNN đang sử dụng dịch vụ, cũng để đảm bảo tính ổn định và hình ảnh của TTCKVN đối với các NĐT nước ngoài nói chung, kính đề nghị UBCKNN bổ sung thêm các trường hợp tạm ngừng đối với từng CTCK, từng NĐTTCNN, từng công ty niêm yết trước khi quyết định ngừng dịch vụ trên toàn thị trường.

Về quy định về Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và đối tượng các công ty niêm yết được phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền

Theo đại diện VASB, nhóm vấn đề quan trọng thứ hai trong việc quản trị những rủi ro có thể phát sinh khi triển khai hoạt động này đó là những đối tượng được phép tham gia trong giao dịch không ký quỹ 100% tiền. Theo dự thảo Thông tư, các quy định về điều kiện tham gia giao dịch của cả nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và các công ty niêm yết còn khá hạn chế. Trong giai đoạn đầu áp dụng một hoạt động mới có hàm chứa rủi ro thanh toán, UBCKNN nên nghiên cứu thêm các quy định tối thiểu để các CTCK có thể tham chiếu xây dựng các quy định nội bộ.

Một số thành viên của Hiệp hội là các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ… cũng đã trình bày các ý kiến đóng góp chi tiết của mình

Đồng thời, các hệ thống dữ liệu chung liên quan nhằm hỗ trợ các CTCK trong việc đánh giá khách hàng cũng như đánh giá chứng khoán trước khi ra quyết định triển khai dịch vụ cũng nên được bổ sung trong quy định, phù hợp với chủ trương chung trong việc sử dụng công nghệ về dữ liệu lớn và AI trong quản lý Nhà nước.

Cũng tại cuộc họp, một số thành viên của Hiệp hội là các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ… cũng đã trình bày các ý kiến đóng góp chi tiết của mình, với mong muốn đóng góp xây dựng vì sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Link gốc

https://kinhtechungkhoan.vn/ubcknn-hop-cung-vasb-ve-du-thao-thong-tu-sua-doi-4-thong-tu-lien-quan-den-giao-dich-chung-khoan-234721.html