Vai trò của trung gian tài chính

Với tư cách là tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực lưu chuyển vốn, các trung gian tài chính có thể làm gì để giảm bớt những hạn chế nêu trên?

1. Vai trò của trung gian tài chính trong việc giảm bớt chi phí giao dịch
Các trung gian tài chính có khả năng giảm được chi phí giao dịch trong quá trình lưu chuyển vốn là nhờ vào tính kinh tế do quy mô hoạt động lớn và tính chuyên nghiệp cao .
Với lợi thế nguồn vốn huy động lớn, các trung gian tài chính có thể giảm chi phí giao dịch tính trên mỗi đồng vốn. Chẳng hạn trên thị trường chứng khoán, tỷ lệ phí môi giới sẽ giảm dần khi giá trị chứng khoán mua bán tăng lên. Do đó, các trung gian tài chính như các quỹ đầu tư khi mua bán chứng khoán với khối lượng lớn trên thị trường sẽ chịu chi phí môi giới tính trên mỗi đồng vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với các nhà đầu tư riêng lẻ. Chẳng những thế, nhờ vào quy mô vốn lớn, các trung gian tài chính có thể đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro mà không làm tăng chi phí nhiều như các nhà đầu tư riêng lẻ.
Chi phí quản lý tính trên từng đồng vốn cũng giảm đáng kể khi quy mô vốn đầu tư lớn. Hoạt động với quy mô lớn tạo điều kiện để các trung gian tài chính đầu tư vào các hệ thống máy tính đắt tiền dùng cho quản lý và tiến hành hàng triệu giao dịch mà vẫn đảm bảo chi phí tính trên mỗi giao dịch ở mức thấp.

Tính chuyên nghiệp cũng là một yếu tố làm giảm chi phí giao dịch. Do chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính, các trung gian chẳng những sẽ có nhiều kinh nghiệm để quản lý vốn hiệu quả hơn mà còn có thể đề ra các giải pháp để giảm chi phí giao dịch nhằm nâng cao mức lợi nhuận.

2. Vai trò của trung gian tài chính trong việc giảm bớt chi phí thông tin

Các trung gian tài chính chuyên hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ nên họ được trang bị đầy đủ hơn những người cho vay đơn lẻ cả về kiến thức và kinh nghiệm, nhờ đó họ có thể thu thập và xử lý thông tin hiệu quả hơn, giúp đánh giá được chính xác hơn mức độ rủi ro của các dự án xin vay, qua đó giảm thiểu được nguy cơ chọn lựa đối nghịch. Hơn nữa họ cũng sẽ có khả năng kiểm soát tốt hơn quá trình sử dụng vốn của người đi vay, nhờ đó giảm bớt được những thiệt hại do rủi ro đạo đức gây ra.

Không những thế, các trung gian tài chính còn khắc phục được vấn đề “người đi nhờ xe”, do họ chủ yếu cung cấp vốn thông qua các khoản cho vay trực tiếp chứ không thông qua việc mua chứng khoán. Các khoản vay trực tiếp này không được mua bán trên thị trường nên những nhà đầu tư khác không thể lợi dụng. Chi phí các trung gian tài chính bỏ ra để mua thông tin và giám sát hoạt động của người đi vay nhằm giảm tình trạng thông tin bất cân xứng sẽ đem lại cho họ những lợi thế mà các nhà đầu tư khác nếu không bỏ tiền ra thì không thể có được.

Với trường hợp các hợp đồng vốn, các trung gian tài chính có thể khắc phục những vấn đề như “người uỷ thác và đại lý” và “người đi nhờ xe” thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ này huy động vốn từ các nhà đầu tư riêng lẻ rồi sử dụng để tài trợ cho các doanh nghiệp có triển vọng thực hiện các dự án kinh doanh của mình dưới hình thức góp vốn liên doanh. Để ngăn ngừa khả năng phát sinh các rủi ro đạo đức, các quỹ này sẽ cử người tham gia vào bộ máy điều hành của doanh nghiệp nhận vốn để giám sát chặt chẽ tình hình thu nhập hay lợi nhuận của doanh nghiệp đó. Mặt khác, cổ phần của các doanh nghiệp đó cũng không được phép bán ra cho ai khác ngoài quỹ đầu tư. Do đó, quỹ đầu tư không còn phải lo ngại về tình trạng “người đi nhờ xe” nữa.
Chẳng hạn:
Vclick - trung gian kết nối tài chính giữa những người có nhu cầu đi vay và các tổ chức cho vay uy tín: Mcredit, TPFico, SHBfinace… giúp khách hàng có thể vay online nhanh chóng, lãi cạnh tranh…

Tóm lại, với những ưu thế về quy mô hoạt động, tính chuyên nghiệp và các dịch vụ tài chính đặc thù (như khoản vay trực tiếp, đầu tư mạo hiểm…), các trung gian tài chính có khả năng khắc phục khá hiệu quả những hạn chế của kênh tài chính trực tiếp, và do đó ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu chuyển vốn trong nền kinh tế.