Vàng được coi là hàng rào chống lạm phát, vậy tương quan giá vàng và lạm phát ra sao trong những năm qua?

Biểu đồ này có thể khiến nhà đầu tư phải nhìn lại về vàng.

Claude Erb, cựu giám đốc quỹ hàng hóa tại công ty quản lý tài sản TCW, và Campbell Harvey, giáo sư tài chính của Đại học Duke vừa công bố một nghiên cứu về mối tương quan giữa giá vàng và lạm phát tại Mỹ.

Trong báo cáo này, họ chỉ ra rằng giá vàng hiện đang được định giá quá cao và có thể tụt lại phía sau so với lạm phát tại Mỹ khoảng 7% mỗi năm trong thập kỷ tới.

Theo mô hình Erb/Harvey dựa trên tỷ lệ giá vàng và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, hai chuyên gia cho rằng nếu vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát hoàn hảo thì tỷ lệ này sẽ không đổi. Nếu CPI tăng 10% thì vàng cũng vậy - và tỷ lệ này sẽ không thay đổi.

Trên thực tế, tỷ lệ vàng/CPI biến động mạnh. Theo biểu đồ dưới đây, nếu tỷ lệ vàng/CPI không đổi trong những năm qua, giá vàng sẽ đi theo đường màu đỏ chứ không phải đường màu xanh biểu thị giá thực tế của vàng.

Giá vàng giả định theo mô hình Erb/Harvey (đường màu đỏ) và giá vàng thực tế (đường màu xanh), dựa trên tỉ lệ trung bình vàng/CPI là 3,86 trong giai đoạn 1979-2023.

Để so sánh giữa vàng và chứng khoán, hai nhà nghiên cứu đưa ra ví dụ như sau: Khi giá vàng rớt xuống mức thấp nhất vào năm 2015, tỷ lệ vàng/CPI ở mức 1,14, chỉ bằng một nửa tỷ lệ 2,0 khi vàng đạt mức cao kỷ lục năm 2012.

Từ mức thấp nhất của năm 2015 đến nay, vàng đã tạo ra mức lợi nhuận thực tế hàng năm là 6,3% (đã điều chỉnh theo lạm phát) và 9,9% trước lạm phát. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã tăng lần lượt 10% và 13,7% trong giai đoạn này.

Trong 5 năm qua, lợi nhuận thực tế hàng năm của vàng là 8% (đã điều chỉnh theo lạm phát) và 12,5% trước lạm phát. Trong khi đó, S&P 500 tăng lần lượt 9,1% và 13,6%. Khi xét trong giai đoạn 10 năm, tỷ lệ của vàng lần lượt là là 3,1% và 6,1%, còn S&P 500 tăng lần lượt 9,5% và 12,6%.

Erb cho biết một mô hình kinh tế lượng được xây dựng dựa trên mối tương quan này dự đoán rằng vàng sẽ tụt lại phía sau so với lạm phát 7,5% mỗi năm trong thập kỷ tới.

Điều gì đã khiến vàng trở nên được định giá quá cao như vậy?

Theo Erb và Harvey, lý do khiến vàng được định giá cao như vậy là bởi quan niệm truyền thống rằng kim loại quý này là công cụ phòng ngừa lạm phát. Nhưng rõ ràng là trong nhiều năm, lạm phát không thể giải thích được hiện tượng giá vàng tăng hay giảm. CPI của Mỹ đạt đỉnh trên 9% vào giữa năm 2022 và giảm xuống còn trong khoảng 3% hiện nay. Tuy nhiên, giá vàng ngày nay cao hơn 500 USD so với lúc đó.

Một lý do khác là biến động giá vàng có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ nắm giữ vàng của các quỹ ETF. Tuy nhiên, theo hai chuyên gia, mối tương quan này đã bị phá vỡ trong vài năm qua. Theo Hội đồng vàng thế giới, các quỹ ETF sở hữu vàng hiện nắm giữ lượng vàng ít hơn 21% so với tháng 10/2020, nhưng giá vàng vẫn cao hơn 20% so với thời điểm đó.

Erb và Harvey cũng chỉ ra một nguyên nhân mới nổi gần đây khiến giá vàng tăng cao, đó ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục mua vàng từ cuối năm 2022 nhằm đa dạng hóa dự trữ bên cạnh đồng đô la Mỹ. Hai chuyên gia cho rằng giá vàng có thể sẽ tăng vọt nếu Trung Quốc nghiêm túc thực hiện kế hoạch mua đủ vàng để hạ bệ vị thế của đồng bạc xanh.

Hôm thứ Tư, giá vàng giảm nhẹ khi thị trường trông đợi vào thời điểm cắt giảm lãi suất của Mỹ. Giá vàng giao ngay đã giảm 0,1% xuống 2.311,07 USD/ounce, còn giá hợp đồng tương lai vàng giảm 0,3% xuống 2.316,60 USD/ounce.

Theo Market Watch

Yến Nguyễn

Nhịp Sống Thị Trường

https://cafef.vn/vang-duoc-coi-la-hang-rao-chong-lam-phat-vay-tuong-quan-gia-vang-va-lam-phat-ra-sao-trong-nhung-nam-qua-188240508164113913.chn