Giá vàng SJC vừa được các doanh nghiệp điều chỉnh lên mức 92 triệu đồng/lượng - mức cao nhất từ trước đến nay. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng cứ tăng mãi sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
11h trưa nay (10/5), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tiếp tục điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC lên 89,7 - 92 triệu đồng/lượng. Công ty vàng Phú Quý cũng điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC 89,5 - 92 triệu đồng/lượng.
Sáng cùng ngày, lúc 10h30, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC tăng lên 89,9 - 91,2 triệu đồng/lượng. Công ty vàng Phú Quý cũng điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC 89,9 - 91,2 triệu đồng/lượng.
Lúc 9h, giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh vượt 90 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 88,2 - 90,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý niêm yết giá vàng SJC 88,3 - 90,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng liên tục phá kỷ lục đã lập trước đó và được dự báo tăng lên 100 triệu đồng/lượng trong hôm nay.
Dự báo giá vàng miếng SJC tiến sát mốc 100 triệu đồng/lượng (ảnh: Như Ý).
Trong phiên giao dịch, giá vàng nhẫn cũng điều chỉnh tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn 75,02 - 76,52 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Tập đoàn Doji cũng tăng giá vàng nhẫn lên mức 75,05 - 76,55 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới cũng điều chỉnh tăng lên mức 2.350 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện, giá vàng thế giới tương đương với khoảng 72 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - phân tích rằng, giá vàng tăng mãi tác động tới tâm lý rất lớn. Điều này khiến dân tìm cách mua vàng để tích trữ và bảo toàn. Như vậy, một lượng vốn lớn không đi vào sản xuất kinh doanh.
“Giá vàng tăng một cách vô lý, tăng giá do độc quyền. Ông không nhập khẩu về hay nói cách khác là ngăn sông cấm chợ”, ông Nghĩa nói và cho rằng nếu cho nhập khẩu và quản lý qua hải quan điện tử, thuế sẽ khiến giá vàng hạ nhiệt.
“Phải coi vàng như mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm. Phải coi đây là vấn đề của chính sách thương mại chứ đừng coi là chính sách tiền tệ. Nếu không cho nhập thì sẽ nhập lậu. Không nên lo ảnh hưởng đến tỷ giá bởi hiện nay nguồn cung không có, việc nhập lậu vẫn phải mang USD ra nước ngoài nhập về. Nếu cho xuất nhập khẩu bình thường, người ta lại gia công ra vàng trang sức xuất khẩu lại thu được ngoại tệ về. Với khoảng 3 tỷ USD/năm nhập khẩu vàng về không phải vấn đề lớn, vì hiện xuất khẩu vàng nữ trang cũng đến 3 tỷ USD/năm”, ông Nghĩa cho hay.
Nói về câu chuyện đấu thầu vàng để hạ nhiệt giá vàng, ông Nghĩa không đồng tình với việc đấu thầu này.
“Đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong - Trung Quốc, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh”, ông Nghĩa khẳng định.
Theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD - một con số không quá lớn. Chưa kể, cho phép xuất nhập khẩu vào chính thức sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ.
Về nỗi lo vàng hóa, theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng) nên vàng hóa đã kết thúc, không cần lo lắng về vấn đề này.
Theo Ngọc Mai
Tiền phong
https://cafef.vn/vang-sjc-vot-tang-92-trieu-dong-luong-canh-bao-khan-188240510095432025.chn