Nhiều chuyên gia nhận định việc mua vàng thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc giục NHNN đẩy mạnh việc giảm khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới.
Giá vàng trong nước trải qua một tuần tăng giá "điên cuồng"
Những ngày gần đây, giá vàng SJC trong nước nhưng không những không dịu xuống như kỳ vọng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức loạt buổi đấu thầu mà còn tăng mạnh mẽ hơn. Tuần qua, mỗi ngày giá vàng lại xô đổ kỷ lục cũ. Đỉnh điểm hôm 10/5, giá vàng vàng vượt ngưỡng 92 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới 20 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 88,8 - 91,3 triệu đồng/lượng, tăng 5,3 đồng/lượng chiều mua vào và 5,4 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước.
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 87,7 - 89,2 triệu đồng/lượng, tăng 4,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần gần nhất. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng ở mức 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng, tăng 2,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 88,8 - 91,3 triệu đồng/lượng, tăng 5,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 5,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 74,9 - 75,8 triệu đồng/lượng, tăng 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,85 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần liền trước.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 87,3 - 90,1 triệu đồng/lượng, tăng 3,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 4,3 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 75,43 – 76,93 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 1,75 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước đó.
Đấu thầu vàng không có tác dụng co hẹp giá trong nước và thế giới
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cao và tâm lý FOMO (Fear of missing opportunity: Sợ bị mất cơ hội) của một bộ phận người dân, giới đầu cơ là những yếu tố đẩy giá vàng lên cao hơn trong một tuần qua. Thậm chí có lúc giá vàng trong nước đi ngược với vàng thế giới.
"Nguyên nhân chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới phần nhiều đến từ cách quản lý điều hành thị trường vàng, nguồn lực dự trữ ngoại hối không mạnh và tâm lý coi vàng là một tài sản tích trữ vốn vẫn ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân", Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong một báo cáo mới đây.
Một trong những nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa thể “kìm cương” được chênh lệch giữa hai thị trường chính là biện pháp đấu thầu vàng miếng SJC không phát huy tác dụng như kỳ vọng.
Từ ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau hơn 10 năm gián đoạn. Động thái này được kỳ vọng tạo nguồn cung trên thị trường từ đó giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thế nhưng, trong 4 phiên đấu thầu, có tới 3 phiên phải hủy. 1 phiên được diễn ra nhưng khá ế ẩm khi chỉ hơn 3.000 lượng vàng có chủ mới.
Có thể thấy, cơ quan quản lý càng nỗ lực, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế càng… tăng. Dù vậy, nỗ lực vẫn tiếp tục được ghi nhận. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) cho rằng: "Trước khi đấu thầu vàng, tâm lý nhà đầu tư còn e ngại sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo giá vàng đi xuống nên còn e ngại khi mua. Tuy nhiên sau khi đấu thầu, lo ngại này không còn vì sau mỗi phiên đấu thầu giá vàng lại bị đẩy lên một mức kỷ lục mới", ông Trọng nói.
"Người dân thấy rằng việc can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không kéo giá vàng giảm như mong đợi nên hoạt động mua diễn ra nhiều hơn. Nguồn cung vẫn hạn chế nên giá tăng liên tục khi có sức mua", ông Trọng phân tích.
Mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro”
Nhiều chuyên gia nhận định việc mua vàng thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc giục NHNN đẩy mạnh việc giảm khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới. Những người đầu tư dài hạn và an toàn không nên chạy theo đầu tư vàng bởi giai đoạn hiện nay, nếu đầu tư vàng thì sẽ đối đầu với nhiều rủi ro.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá. Chưa kể trường hợp nếu giá vàng thế giới thời gian tới giảm, người mua tiếp tục chịu cảnh lỗ chồng lỗ.
“Những lúc thị trường biến động người ta có thể lãi rất lớn, nhưng nếu thua lỗ thì lại cực kỳ nhiều. Đây là bài toán của mà người mua cần phải cân nhắc tính toán rất kỹ”, ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, TS. Kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng thời điểm này nếu mua vàng, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép. Thứ nhất, giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD, khả năng lên và xuống như nhau là một rủi ro. Thứ hai là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao, cũng là rủi ro. Vì vậy, lời khuyên cho những nhà đầu tư dài hạn, đầu tư an toàn là không nên chạy theo tài sản đầu tư mà có quá nhiều rủi ro.
Nhìn vào vàng thời điểm này, mỗi nhà đầu tư sẽ có tâm lý khác nhau, trong đó có tâm lý chạy theo số đông. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chỉ có một số ít nhà đầu tư là có khả năng vào - ra đúng xu thế nên hưởng lợi, còn đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại, không chỉ trong vàng mà trong nhiều tài sản đầu tư khác cũng vậy.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân.
“Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào - bán ra lớn. Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra lớn”, ông Linh nói.