VCB - Gừng Càng Già Càng Cay
#1: Expectations - New Products
-
VCB gần như chắc chắn sẽ nhận chuyển giao 1 ngân hàng yếu kém và dự kiến hoàn tất thương vụ chuyển giao này trong năm 2024. Thông tin về ngân hàng chưa được công bố (1 trong 4 ngân hàng: CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank) nhưng sẽ không ảnh hưởng đến BCTC của VCB do VCB chỉ sở hữu 100% vốn cổ phần chứ không hợp nhất BCTC của ngân hàng đó.
-
VCB đang chuẩn bị phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho cổ đông chiến lược Mizuho và 1 số cổ đông khác. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào Q1/2025. 1 thương vụ tương tự đã xảy ra tại ngân hàng vào năm 2019, nhìn vào dữ liệu quá khứ, việc phát hành sẽ có nhiều tác động tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và khả năng tăng trưởng tín dụng của VCB. Mặt khác, ROE có thể giảm do áp lực duy trì hiệu quả sinh lời sau việc tăng gần 20% quy mô VCSH.
-
Do tốc độ phục hồi của nền kinh tế vẫn yếu, Chính phủ có thể vẫn sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất. Từ ngày 1/4/2024, VCB hạ lãi suất cho vay 50 điểm cơ bản cho tất cả các khách hàng hiện tại và có thể thực hiện thêm các chương trình ưu đãi khác trong tương lai.
-
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tới từ các dự án lớn trọng điểm như Sân bay Long Thành của ACV, đường nối sân bay Long Thành với TP.HCM và các dự án hỗ trợ khác liên quan đến Dự án Long Thành, Lô B-Ô Môn… Dư nợ cho vay đối với sân bay Long Thành bằng USD là 1,8 tỷ USD, trong đó VCB dự kiến tài trợ 1 tỷ USD. Đối với Lô B-Ô Môn, dư nợ cho vay dự kiến trên 30 nghìn tỷ đồng.
#2: NIM
Vào Q1/2024, NIM tăng 34 điểm cơ bản so với quý trước (tương ứng mức tăng 3,23%) khiến LNTT đạt 10,7 nghìn tỷ đồng (giảm 4,5% svck và 8,3% so với quý trước). Lãi suất cho vay của VCB đang ở mức rất thấp, ít phải chịu áp lực cộng thêm chi phí tiếp tục giảm khi các khoản huy động tiền gửi lãi suất cao trong năm ngoái đáo hạn đưa ra kỳ vọng NIM trong những quý sau sẽ tiếp tục phục hồi.
Nợ nhóm 2 và nợ xấu tại VCB tăng lần lượt 27% và 24% so với đầu năm lên 0,56% và 1,22%. Theo ban lãnh đạo, nợ xấu từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân lần lượt chiếm 65% và 35% tổng nợ xấu trong Q1/2024. Tỷ lệ chi phí dự phòng bao nợ xấu giảm xuống 200% (từ 230%) do VCB không thực hiện xóa nợ trong kỳ. Tỷ lệ hình thành nợ xấu tại VCB trong Q1/2024 là 0,95%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình là 2,1% của các NHTMNN và 2,3% của các NHTMCP.
Chi phí dự phòng dự báo sẽ tăng 98,6% trong năm 2024 do trong năm ngoái VCB hoàn nhập hơn 5.100 tỷ đồng dự phòng cho vay TCTD khác (nhiều khả năng là ngân hàng Xây Dựng). VCB vẫn còn gần 5.000 tỷ đồng số dư dự phòng cho vay TCTD và đây là nguồn hoàn nhập dự phòng tiềm năng của VCB trong tương lai.
#3: ROE
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của VCB đứng đầu với 23% so với 2 ngân hàng khác có cùng vị thế là CTG và BID do ngân hàng chấp nhận mức tăng trưởng tín dụng và tài sản thấp hơn để kiểm soát chi phí và tỷ lệ nợ xấu chặt chẽ. Chi phí vốn được quản lý tốt (2,5%, giảm 62 điểm cơ bản so với quý trước) cùng với CASA ổn định (35%) và lợi suất tài sản sinh lãi duy trì ổn định (5,5%, giảm 16 điểm cơ bản so với quý trước) giúp ngân hàng có lợi nhuận trước thuế năm 2023 vượt mốc 1,5 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế Q1/2024 đạt 10.718 tỷ (giảm 4% svck) cao nhất toàn ngành.