VCCI cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, tỷ lệ dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội là khá lớn, đề nghị cân nhắc giảm tỷ lệ xuống còn 5-10%.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Đất để xây nhà ở xã hội
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định hiện hành của pháp luật về nhà ở, yêu cầu chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội gặp rất nhiều vướng mắc và không hiệu quả khi triển khai trên thực tế.
Luật Nhà ở 2023 đã khắc phục bất cập trên theo hướng thay đổi phương thức tạo quỹ đất nhà ở xã hội, theo đó trao quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương chủ động bố trí, bảo đảm linh hoạt, phù hợp đặc điểm dân cư, mức độ phát triển, khả năng bố trí quỹ đất của từng địa phương “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt, bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại…” (khoản 1 Điều 83 Luật Nhà ở 2023).
Luật cũng quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong việc xây dựng nhà ở xã hội: hoặc dành một phần diện tích đất ở trong dự án hoặc bố trí quỹ đất ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
Dự thảo đã hướng dẫn việc dành diện tích đất nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc bố trí tại vị trí khác ngoài phạm vi dự án hoặc đóng tiền tương đương tại Mục 1 Chương III.
Để các quy định này đảm bảo tinh thần của Luật Nhà ở 2023 và phù hợp với thực tiễn, đề nghị cân nhắc một số điểm sau:
Thứ nhất, việc dành một phần diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội (Điều 17).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Dự thảo, “khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại đô thị là loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phải quyết định việc chủ đầu tư dự án đó dành 20% tổng diện tích đất ở (trừ đất ở hiện hữu, đất tái định cư) trong phạm vi dự án, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội”.
Khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc không dành quỹ đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và chấp thuận chủ đầu tư dự án đó thực hiện đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 10ha tại các đô thị loại II và loại III.”.
Như vậy, theo quy định trên, những dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 5ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc lớn hơn 10ha tại các đô thị loại II hoặc loại III sẽ phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Theo phản ánh của doanh nghiệp, đây là tỷ lệ khá lớn, đề nghị cân nhắc giảm tỷ lệ này xuống còn 5-10%.
Thứ hai, việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (Điều 18).
Điều 18 Dự thảo quy định “Đối với trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này nhưng chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đó (thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 83 của Luật Nhà ở), có diện tích đất ở tương đương với quỹ đất 20% phải dành của dự án, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và có vị trí trong cùng đô thị (cấp quận) nơi có dự án đó thì chủ đầu tư đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận bố trí quỹ đất này để xây dựng nhà ở xã hội thay thế quỹ đất 20% của dự án.” (khoản 1); “Trường hợp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; bổ sung danh mục dự án phát triển nhà ở xã hội trong kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm cấp tỉnh; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phần diện tích đất thay thế quy định tại khoản 1 Điều này” (khoản 2).
Theo phản ánh, chủ đầu tư không thể tạo lập diện tích đất ở tương đương với quỹ đất 20% phải dành của dự án nhà ở thương mại đang xét trên cùng đô thị (cấp quận) nơi có dự án, nên quy định này rất khó khả thi.
Các doanh nghiệp đề nghị, nếu cho phép thực hiện hoán đổi quỹ đất nhà ở xã hội thì cần cho phép chủ đầu tư bố trí trên quỹ đất khác (không phải là đất ở); nếu khu đất đã có dự án đầu tư (ví dụ có dự án sản xuất kinh doanh) thì cho phép điều chỉnh dự án để xây dựng nhà ở xã hội, nếu chưa có dự án thì UBND cấp tỉnh… chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Thứ ba, quy định việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (Điều 18).
Khoản 2 Điều 18 Dự thảo quy định số tiền mà chủ đầu tư phải nộp là: “a) 20% tổng giá trị tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở của dự án được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai; b) Chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của phần diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tính theo suất vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được cơ quan chức năng ban hành, áp dụng tại thời điểm dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư”.
Các doanh nghiệp đề nghị không quy định việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà quy định theo hướng nếu dự án nhà ở thương mại không phù hợp dành quỹ đất nhà ở xã hội (do dự án định hướng là dự án có tính thương mại cao, sử dụng quỹ đất có giá trị lớn, UBND tỉnh đã bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại vị trí khác…) thì không ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư phải đóng tiền thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội, thay vào đó chủ đầu tư nộp đủ 100% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật đất đai, UBND tỉnh tự cân đối, điều tiết ngân sách để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Thứ tư, trường hợp chủ đầu tư tự tạo lập quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội.
Điểm c khoản 4 Điều 84 Luật Nhà ở quy định trường hợp nhà đầu tư “c) Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đất đai”.
Như vậy, Luật Nhà ở 2023 cho phép nhà đầu tư tự tạo lập quỹ đất để xin chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, toàn bộ Mục 1 Chương II Dự thảo Nghị định, quy định về đất để phát triển nhà ở xã hội chưa có quy định về việc nhà đầu tư tự tạo lập quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định để làm rõ về trường hợp trên, đặc biệt cần làm rõ cách hoàn trả/khấu trừ chi phí mà nhà đầu tư đã chi để tạo lập quỹ đất phục vụ phát triển dự án nhà ở xã hội.
Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án
Dự thảo trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư thẩm định các nội dung theo quy định của pháp luật về đầu tư và lấy ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý về nhà ở, nội dung thẩm định gồm những nội dung cụ thể quy định tại khoản 5 Điều 6.
Các nội dung phải lấy ý kiến thẩm định quy định tại khoản 5 Điều 6 cần được cân nhắc, xem xét ở các điểm sau:
– Các nội dung đề nghị thẩm định quy định tại khoản 5 Điều 6 là quá chi tiết so với yêu cầu thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư 2020.
Yêu cầu thẩm định các nội dung “dự kiến tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân tăng thêm trên địa bàn tỉnh trong kỳ chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; khu vực dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân phân theo đơn vị hành chính cấp huyện;” có tính chất như quy hoạch ngành, khống chế về tổng số lượng nhà ở xã hội trên địa bàn, dường như chưa phù hợp với Điều 57 Luật Nhà ở 2023.
Đề nghị rà soát lại quy định này để đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.
– Theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 8 Dự thảo nội dung lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là “Phương án kinh doanh các sản phẩm nhà ở xã hội và các sản phẩm khác của dự án”. Thẩm định nội dung này là chưa hợp lý, bởi vì việc bán các sản phẩm nhà ở xã hội phải theo quy định của Dự thảo mà không phải chủ đầu tư tự quyết định (ví dụ: phải đăng tải thông tin, cơ quan quản lý nhà nước xem xét danh sách người mua; cơ quan nhà nước thẩm định về giá bán, giá cho thuê mua …); các sản phẩm khác của dự án không thuộc phạm vi thẩm định về sản phẩm nhà ở xã hội. Đề nghị bỏ quy định tại điểm h khoản 5 Điều 6 Dự thảo.
Trình tự, thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội
Hồ sơ đề nghị thẩm định giá: Điểm b khoản 2 Điều 35 Dự thảo quy định trong Hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá phải có “Hồ sơ pháp lý của dự án (gồm có: chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định giao đất; phê duyệt quy hoạch 1/500; Giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác có liên quan)”. Việc yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp các giấy tờ này là chưa hợp lý, bởi vì cơ quan quản lý nhà nước đã có, để tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có các tài liệu này, tức là bỏ điểm b khoản 2 Điều 32 Dự thảo.
Trình tự thẩm định: Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 Dự thảo, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quá thời hạn phải thẩm định, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh phải có văn bản thông báo kết quả thẩm định. “Khi có văn bản thông báo kết quả thẩm định mà giá thẩm định cao hơn giá do chủ đầu tư đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm; trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải ký lại hợp đồng hoặc điều chỉnh bổ sung phụ lục hợp đồng và phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà”.
Quy định này cần được xem xét lại bởi vì gây bất lợi một cách bất hợp lý cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã thực hiện thủ tục thẩm định, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn quy định, không đưa ra văn bản thẩm định giá, chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội với khách hàng theo phương án giá đã trình thẩm định hoặc giá đề nghị trong hồ sơ dự thầu (điểm c khoản 3 Điều 32). Như vậy, việc chủ đầu tư ký hợp đồng với người mua nhà với phương án giá đã trình thẩm định hoặc giá đề nghị trong hồ sơ dự thầu là hợp pháp. Việc Dự thảo yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh lại giá bán trong trường hợp thấp hơn kết quả thẩm định giá của cơ quan quản lý nhà nước là thiếu căn cứ, trong khi việc ban hành văn bản thẩm định giá muộn là lỗi của cơ quan nhà nước.
Mặt khác, xét về tính công bằng, cùng sử dụng văn bản thông báo kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước là căn cứ để xem xét giá bán, giá cho thuê mua, nhưng trường hợp chủ đầu tư bán giá thấp hơn lại không được điều chỉnh, trong khi bán giá cao hơn lại phải điều chỉnh, là chưa đảm bảo công bằng cho các bên trong giao dịch. Việc yêu cầu ký lại hợp đồng và hoàn lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng cho chủ đầu tư và cả khách hàng.
Để đảm bảo tính hợp lý và tăng tính trách nhiệm từ cơ quan thẩm định giá của nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 Dự thảo.
Trường hợp sử dụng giá trúng thầu: Khoản 4 Điều 35 Dự thảo quy định “trường hợp chủ đầu tư sử dụng giá trúng đấu thầu thì không phải thực hiện thẩm định lại giá bán, giá cho thuê mua nhà ở”. Quy định này chưa rõ ở điểm, trong trường hợp sử dụng giá trúng đấu thầu thì chủ đầu tư có phải thực hiện thủ tục thông báo giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội đến cơ quan quản lý nhà nước trước khi thực hiện ký kết hợp đồng không? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai.
Trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
Điểm b khoản 1 Điều 38 Dự thảo quy định, trước khi thực hiện việc bán, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về tổng số căn hộ sẽ bán và thời điểm bắt đầu bán để Sở Xây dựng biết và kiểm tra.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 88 Luật Nhà ở 2023, trước khi bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội hình thành trong tương lai phải thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Quy định trên tại Dự thảo đang không rõ, thủ tục báo cáo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Dự thảo và thủ tục thông báo về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua quy định tại Luật Nhà ở 2023 có mối liên hệ không? Nếu đây là hai thủ tục độc lập thì đề nghị xem xét lại, bởi chủ đầu tư phải thực hiện quá nhiều thủ tục hành chính trong quá trình. Mặt khác, quy định này đang chưa rõ Sở Xây dựng sẽ kiểm tra vấn đề gì?
Để đảm bảo tính rõ ràng và thuận lợi về thủ tục, đề nghị quy định rõ các vấn đề trên, cân nhắc việc tích hợp các thủ tục để giảm việc thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
T.M