Có lợi thế sở hữu 3,6ha “đất vàng” Chu Văn An, song VEAM lại chỉ nắm 26% tỷ lệ sở hữu tại công ty dự án thông qua công ty con, 74% còn lại do đối tác CIRI sở hữu.
Mới đây, Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, MCK: VEA, UPCoM) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024.
Trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VEAM đạt 904,6 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm nhẹ khoảng 5% (từ 251,9 tỷ xuống còn 239,3 tỷ đồng). Thêm vào đó, chi phí tài chính giảm mạnh cùng khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 5,3% giúp VEAM đạt lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 1.488,6 tỷ đồng và 1.435,5 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của VEAM đạt 28.323,8 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Trong khi nợ phải trả của Tập đoàn giảm mạnh từ mức 1.407,1 tỷ đồng xuống còn 1.160,1 tỷ đồng.
VEAM là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Tập đoàn có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó Bộ Công Thương sở hữu 88,5% vốn.
VEAM có lợi thế nắm giữ nhiều tài sản là những khu đất tại một số tỉnh, thành. Ảnh minh họa
Là doanh nghiệp Nhà nước, VEAM có lợi thế nắm giữ nhiều tài sản là những khu đất tại Thủ đô cũng như các tỉnh thành khác.
Có thể kể đến như: Lô D, khu D1, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội rộng 2.734m2 hiện là tà nhà VEAM Tây Hồ; Văn phòng làm việc (51,8m2 tầng 1 và 281m2 sàn tầng 4 tại tòa nhà liên cơ số 2 Triệu Quốc Đạt, Tràng Thi; 920m2 đất số 25 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, Đống Đa; Khu đất hơn 28,8ha làm cơ sở sản xuất kinh doanh nhà máy ô tô VEAM tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa; Nhà đất số 37 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM…
Ngoài ra, công ty con của VEAM là Công ty TNHH MTV Máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) đang sở hữu khu đất hơn 3,6ha tại số 4 phố Chu Văn An (phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội).
Khu đất này từ năm 2010 đã được TAMAC mang đi hợp tác đầu tư cùng CTCP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (CIRI) để làm dự án tổ hợp thương mai, văn phòng cho thuê và nhà ở Five Star Hà Đông.
Để thực hiện dự án, TAMAC và CIRI lập ra công ty dự án là Công ty TNHH Năm Sao Hà Nội. Đáng chú ý, ngành nghề kinh doanh chính của Năm Sao Hà Nội là Hoạt động xây dựng chuyên dụng khác mà không phải kinh doanh bất động sản.
Năm sao Hà Nội được thành lập vào tháng 4/2011 với vốn điều lệ ban đầu là 172 tỷ đồng, trong đó TAMAC góp 44,72 tỷ đồng nắm 26% vốn điều lệ. 74% vốn còn lại thuộc sở hữu của CIRI. Người đại diện pháp luật hiện nay là ông Ngân Văn Chuyên - được biết đến là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn GFS.
Tháng 10/2017, Năm Sao Hà Nội có đợt tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Theo đăng ký thay đổi, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không thay đổi, TAMAC góp 130 tỷ đồng năm 26% và CIRI góp 370 tỷ đồng nắm 74%.
Tuy nhiên, BCTC năm 2017 của VEAM ghi nhận, công ty chỉ đầu tư 44,81 tỷ đồng vào Năm Sao Hà Nội và đến quý I/2024, giá gốc của khoản đầu tư này là 45,112 tỷ đồng (bằng giá trị đánh giá lại của năm 2017).
Theo Hợp đồng nguyên tắc số 03/2010/HĐNT giữa TAMAC và CIRI, phía Công ty Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất đã chuyển gần 89 tỷ đồng cho chủ sở hữu đất di dời nhà máy đến địa điểm mới để thực hiện dự án Five Star Hà Đông trên khu đất số 4 Chu Văn An.
Năm 2023, VEAM đã có hồ sơ mời chào giá gói dịch vụ lựa chọn đơn vị tư vấn luật rà soát, đánh giá tổng thể về việc quản lý đất đai, tài sản và quá trình góp vốn đầu tư liên doanh giữa Công ty TAMAC và CIRI trên khu đất vàng số 4 Chu Văn An.
Theo thông tin từ VEAM, TAMAC đang gặp phải một số vướng mắc về pháp lý liên quan tới các khía cạnh như: quản lý khu đất và tài sản gắn liền với đất, góp vốn liên doanh, chuyển nhượng phần vốn góp, đầu tư dự án…
CIRI là pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS, có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
Chủ tịch HĐQT của GFS là ông Phạm Thành Công (SN 1958). Ông Công cũng đồng thời giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Tập đoàn GFS.
GFS nói chung và CIRI nói riêng bước chân vào lĩnh vực bất động sản tương đối muộn, bắt đầu từ năm 2014 với dự án Five Star Garden. Sau thành công của dự án này, GFS mở rộng đầu tư và hiện sở hữu thêm ít nhất 5 dự án nhà ở khác tại Thủ đô với thương hiệu “Five Star” gồm: Five Star Mỹ Đình, Five Star Residence, Five Star Hà Đông, Five Star West Lake và Five Star Trường Chinh.