Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần VHC đạt 4,945 tỷ đồng, giảm 34%. Biên lãi gộp còn 19% so với mức 25% cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 182 tỷ đồng, tăng 2%, phần lớn là đóng góp từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện. Cụ thể, lãi tiền gửi đạt trên 60 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ; song, lãi từ chênh lệch tỷ giá gần 80 tỷ, giảm gần 24%. Đáng chú ý, Công ty không ghi nhận lãi từ kinh doanh chứng khoán, cùng kỳ 8 tỷ đồng.
Lãi từ công ty liên doanh liên kết còn 439 triệu đồng, giảm 46%. Chi phí tài chính giảm 8%, còn 140 tỷ đồng, chủ yếu do hoàn nhập gần 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Trong khi đó, lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay lần lượt từ 79-80 tỷ đồng, tương ứng tăng 56% và 104% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng ghi nhận 97 tỷ đồng, giảm 57%, nhờ chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác giảm mạnh (ghi nhận gần 45 tỷ đồng, giảm gần 77%). Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6%, lên mức 137 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí và thuế, lãi ròng nửa đầu năm ghi nhận 631 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Riêng quý 2, doanh thu thuần và lãi ròng Công ty lần lượt đạt 2,724 tỷ đồng và 412 tỷ đồng, đi lùi 36% và 48% so với cùng kỳ.
So với mục tiêu doanh thu hợp nhất và lãi ròng 2023 ở mức 11,500 tỷ đồng và 1,000 tỷ đồng, Vĩnh Hoàn thực hiện được lần lượt 43% và 63% sau 6 tháng. Tính tới cuối quý 2/2023, Vĩnh Hoàn có tổng tài sản xấp xỉ 12,170 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 3,927, tăng 39%; phải thu ngắn hạn ở mức 2,009 tỷ đồng, giảm gần 14%.
Song song đó, VHC ghi nhận gần 1,655 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, bao gồm các khoản có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm với lãi suất cố định và 50 tỷ đồng các trái phiếu có kỳ hạn 7 năm (kể từ ngày phát hành) với lãi suất thả nổi.