VHC update 1 VCSC

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2021, trong đó doanh thu thuần theo cơ sở so sánh tương đương (cụ thể, không bao gồm Sa Giang – công ty sản xuất bánh phồng tôm hàng đầu đã trở thành công ty con của VHC vào cuối tháng 1/2021) tăng mạnh 61% so với cùng kỳ năm trước và 20% so với tháng trước.

Doanh thu tăng nhờ doanh số cá tra phi lê đông lạnh và các sản phẩm có liên quan (như cá tẩm bột, bột cá, mỡ cá và thức ăn thủy sản) tăng 78% so với cùng kỳ năm trước và 26% so với tháng trước. Tương tự, doanh thu từ mảng collagen và gelatin (C&G) tăng mạnh 78% so với cùng kỳ năm trước và 26% so với tháng trước trong tháng 4/2021.

Chúng tôi lưu ý rằng doanh số của VHC chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ dịch COVID-19 trong quý 2/2020. Trong 4 tháng năm 2021, doanh số cá tra phi lê đông lạnh và các sản phẩm liên quan tăng 19% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh số C&G tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Tính theo thị trường, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 246% trong tháng 4/2021 và 186% trong 4 tháng năm 2021 từ mức cơ sở thấp. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn do Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu thực phẩm đông lạnh trong bối cảnh lo ngại về khả năng lây lan của dịch COVID-19. Mặt khác, giá trị xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ lần lượt tăng 5% và 13% so với cùng kỳ năm trước trong 4 tháng năm 2021.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh 4 tháng năm 2021 của VHC thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi – đặc biệt là doanh số C&G và giá bán trung bình (ASP) của cá tra phi lê. Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 47.300 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 27,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%, dựa theo giá đóng cửa phiên gần nhất của VHC.

Mục tiêu 70. Xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu

Khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 62.600 đồng/CP CTCK MB (MBS) Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) tăng hơn 25% so với cùng kỳ, từ 3.300 tỷ đồng lên 4.230 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ gần 1% so với 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù chi phí đầu vào trên thị trường tăng tương đối cao từ đầu năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 392 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với mức 377 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2020. Hiện VHC đã hoàn thành lần lượt gần 52% và hơn 56% kế hoạch năm cho doanh thu và lợi nhuận. VHC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về xuất khẩu cá tra, đạt mức gần 42 ngàn tấn cho nửa đầu năm 2021, trị giá lên tới 121 triệu USD, tăng 22% về lượng và 15% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng xuất khẩu đi thị trường chủ lực – Mỹ đạt gần 24 ngàn tấn, tăng 39% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng tăng mạnh gần 154% so với cùng kỳ lên mức gần 190 tỷ VNĐ chỉ trong 6 tháng năm nay. Nguyên nhân tăng chủ yếu của chi phí bán hàng đến từ cước vận tải khu vực Đông Nam Á đi Mỹ và châu Âu đều đã tăng cao liên tục. Giá cước vận chuyển từ khu vực Trung Quốc - Đông Nam Á đi Bắc Mỹ tại 30/6/2021 đã tăng gần 110% so với đầu năm, trong khi giá cước từ Trung Quốc - Đông Nam Á sang khu vực Bắc Âu cũng đã tăng tới gần 92% trong 6 tháng năm 2021. VHC đã hoàn tất thủ tục tăng cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) và hiện tại đang nắm giữ gần 77% sở hữu công ty này, bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh từ quý I/2021. Quan điểm đầu tư: Việc nới lỏng giãn cách xã hội tại nhiều huyện ở Đồng Tháp là điều kiện để các giao dịch về giống và hoạt động sản xuất được thực hiện trở lại trong các tháng cuối năm. Chúng tôi đánh giá cao khả năng kiểm soát nguồn cung cấp nguyên liệu của VHC, cũng như kế hoạch duy trì sản xuất cả trong những tháng cao điểm của dịch Covid-19. Mô hình kinh tế tuần hoàn với các dự án như nhà máy thức ăn chăn nuôi, khu liên hợp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao cũng như mảng công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng sẽ giúp VHC gia tăng sản lượng cá tự nuôi, giảm các chi phí đầu vào, hạn chế ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu trên thị trường, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm nhưng lại thuận tiện cho hoạt động truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Việc nâng công suất nhà máy collagen và gelatin cũng như thành lập Trung tâm nghiên cứu cho nhóm sản phẩm Vinh Wellness sẽ đóng góp vào sự phát triển doanh thu của mảng C&G, vốn có biên lợi nhuận gộp rất cao (40-45%). VHC tập trung vào xuất khẩu cá tra fillet ở phân khúc cao cấp cho các thị trường có mức giá mua cao như Mỹ và Anh, giúp duy trì biên lợi nhuận gộp cao hơn cho mảng cá tra fillet. Hiện tại các nước như Trung Quốc, Canada, Anh, Mỹ đều đã tiêm đủ vaccine Covid-19 cho trên 60% dân số, dịch bệnh đã được khống chế thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản từ các nhà hàng và khách sạn, đặc biệt là tại thị trường chủ lực – Mỹ, nơi khoảng 60% doanh thu đến từ đến từ các nhà phân phối của nhà hàng và khách sạn. Tỷ lệ cổ tức cao và ổn định (hiện đang duy trì ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu cho những năm gần đây), cũng như tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành và chủ yếu là vốn vay ngắn hạn phục vụ sản xuất là những tín hiệu tích cực từ cơ cấu tài chính của VHC. Chúng tôi xác định giá mục tiêu cho VHC của là 62.600 đồng (tăng 27% so với mức tham chiếu ngày 28/09/2021) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh hệ số P/E, phản ánh kỳ vọng về triển vọng xuất khẩu phục hồi nhanh hơn các đối thủ sau khi tình dịch Covid-19 được kiểm soát tại Đồng Tháp và các tỉnh phía Nam cũng như tiềm năng về mở rộng chuỗi giá trị và gia tăng về hệ sinh thái sản phẩm trong dài hạn.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VHC CTCK Tân Việt (TVSI) Chúng tôi lạc quan về triển vọng năm 2022 của VHC nhờ (1) Mặt bằng giá xuất khẩu tốt hơn (2) nhu cầu duy trì ở mức cao tại các thị trường Mỹ và EU trong khi thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại. Dù vậy chúng tôi nhận thấy mức giá hiện tại đã phản ánh phần lớn kỳ vọng tăng trưởng của công ty. Do đó chúng tôi khuyến nghị phù hợp thị trường cho VHC với giá mục tiêu năm 2022 là 73.500 đồng/cp, tiềm năng sinh lời 9,5% Kết quả kinh doanh tháng 11 tăng trưởng mạnh, cụ thể VHC ghi nhận doanh thu 950 tỷ đồng, tăng 44%so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 8.118 tỷ doanh thu, tăng 25,1% Biên lợi nhuận duy trì ở mức cao nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng. Trong quý IV/2021, giá cá tra xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng 10,5% so với quý trước và dự báo duy trì ở mức cao trong năm 2022 nhờ nhu cầu lớn tại các thị trường chủ lực. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động từ việc giá cá tra nguyên liệu tăng do bị thiếu hụt trong quý I/2022. Chúng tôi cho rằng VHC vẫn có thể giữ mức biên lãi gộp trên 17% trong năm 2022. Giá cước vận tải biển sẽ dần hạ nhiệt trong năm 2022. Chúng tôi cho rằng việc các quốc gia chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19 sẽ giúp cho hoạt động lưu chuyển hàng hóa giữa các quốc gia được nối lại, vì vậy giá cước vận tải biển dự báo sẽ dần suy giảm trong năm 2022. Dự báo năm 2021 – 2022, VHC có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 32,7% và 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi xác định mức giá hợp lý năm 2022 của cổ phiếu VHC là 73.500 đồng/CP, cao hơn 9,5% so với giá tham chiếu tại ngày 07/01/2021 Do đó, chúng tôi khuyến nghị phù hợp thị trường đối với mã VHC.

Năm 2022, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm ngoái; lợi nhuận ròng 1.600 tỷ đồng, cũng tăng 44%. Gần đây, VHC đã tăng công suất cấp đông và nâng cấp dây chuyền sản xuất chính để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tăng diện tích vùng nuôi để duy trì tỷ lệ tự cung 70% với 90ha, giúp nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và đạt tính bền vững cao hơn trong mô hình hoạt động kinh doanh. Doanh thu từ mảng Wellness tăng 40,4% so với cùng kỳ là tiềm năng lớn cho VHC trong vài năm tới. Doanh nghiệp đang hướng tới phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng khác như Xavia collagen, kẹo mềm… VHC Wellness cũng sẽ tối ưu hóa việc tận dụng các phụ phẩm từ trái cây và rau của VHC Agricultural trong năm tới, nâng cao tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì thế, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) vừa nâng dự báo doanh thu năm 2022 của VHC thêm 25% lên 13.241 tỷ đồng, chủ yếu từ sản lượng tăng 13% để phản ánh nhu cầu tăng và giá bán bình quân tăng 17%, do ACBS dự báo giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng trong thời gian tới. Với tỷ suất lợi nhuận gộp cao được ghi nhận trong quý I, ACBS kỳ vọng VHC sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 21% vào năm 2022, mang lại lợi nhuận sau thuế 1.676 tỷ đồng (tăng 52,5% so với năm trước và tăng 32,3% so với dự phóng trước đó của ACBS). Bên cạnh đó, ACBS kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu cá tra toàn cầu khi du lịch quốc tế và kéo theo đó là ngành F&B sẽ phục hồi vào năm 2022. Giá cá tra nguyên liệu tăng 39,6% kể từ đầu năm, trong khi giá cá giống tăng 59,1%. Mặt khác, giá cá giống cũng bắt đầu tăng từ cuối tháng 3/2022. Từ mức giảm 1,4% cùng kỳ trong quý I/2021, giá cá giống đã tăng 54,7% trong quý I/2022, cho thấy xu hướng tăng liên tục đối với giá cá tra nguyên liệu trong vài tháng tới. ACBS duy trì phương pháp định giá dựa trên trung bình DCF và P/E. ACBS đặt mức P/E mục tiêu là 10,3 lần, phù hợp với mức bình quân P/E năm 2022 các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Mức bình quân các quốc gia xuất khẩu thủy sản lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ là 13,5 lần. Đối với POR17, Ấn Độ là quốc gia được chọn làm quốc gia đại diện để so sánh với Việt Nam (trong số 6 nước Bolivia, Ai Cập, Honduras, Ấn Độ, Maroc và Nicaragua). Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Ấn Độ có mức P/E bình quân 21,3 lần, gấp đôi so với mức bình quân Việt Nam. Mức giá mục tiêu đặt cho cổ phiếu VHC là 112.300 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 25,1%, bao gồm 2,2% tỷ suất cổ tức), cùng với khuyến nghị mua vào. Giá cổ phiếu VHC đã được điều chỉnh 20% kể từ giữa tháng 4, ACBS cho rằng điều này đến từ việc điều chỉnh của toàn thị trường và không liên quan đến các yếu tố cơ bản nồng cốt của doanh nghiệp.

Mục tiêu phải là ~2XX, với luận điểm giá cá tra sẽ còn tăng mạnh tới tháng 8,9. Lượng tồn kho giá vốn thấp cuối Q1 ~2400 tỏi. TT tiêu thụ ngày càng mở rộng nhờ các hiệp định FTA, chênh lệch tỷ giá… KỂ RA NHIỀU THÌ MỆT. Vậy nhé. Mục tiêu cuối năm ~2xx.

Doanh thu thuần quý I/2022 của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) tăng 82,7% so với cùng kỳ lên 3.267 tỷ đồng nhờ sản lượng xuất khẩu cá tra 19% so với cùng kỳ năm ngoái và giá bán cá trung bình tăng 51%, theo ước tính của chúng tôi. Thị trường Mỹ vẫn là động lực tăng trưởng doanh thu chính với mức tăng 127% trong khi doanh thu thị trường Trung Quốc và EU cũng tăng tương ứng 32,5%/46,4%. Biên lợi nhuận gộp quý I/2022 tăng 8,5 điểm % lên 23,8% nhờ 1) giá bán bình quân tăng 51% do nhu cầu mạnh mẽ từ tất cả các thị trường và chi phí sản xuất tăng mạnh trên toàn cầu, 2) tồn kho cá nguyên liệu giá rẻ. Vì vậy, lợi nhuận ròng quý I/2022 tăng 318% lên 548 tỷ đồng, cao hơn mức 171% trong quý IV/2021. Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng VHC sẽ ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng mạnh 22,0% so với năm ngoái do 1) nhu cầu tăng mạnh khi dịch vụ ăn uống tiếp tục phục hồi và hàng tồn kho ở mức thấp sau đại dịch, 2) kỳ vọng sẽ không xảy ra gián đoạn sản xuất như quý III/2021, và 3) cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng từ các nhà cung cấp từ Nga trong bối cảnh xung đột hiện tại. Với tình hình thuận lợi cùng với mức nền thấp trong 6 tháng năm 2021, chúng tôi kỳ vọng giá bán cá tra trung bình sẽ tăng 30,4% so với cùng kỳ. Mảng C&G sẽ phục hồi từ mức thấp năm 2021 sau khi ghi nhận doanh thu tăng 40% trong quý I/2022 nhờ sự phục hồi của nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp toàn cầu. Chúng tôi tăng doanh thu mảng cá tra năm 2022/2023 lên 21,5%/18,5% và doanh thu các sản phẩm khác lên 24,9%/15,8% do nhu cầu và giá bán bình quân phục hồi mạnh hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng doanh thu mảng C&G năm 2022/2023 ở 55%/35% so với năm trước. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu/lợi nhuận ròng 2022 sẽ tăng tương ứng 52,8%/77,9%, sau đó giảm tốc ở mức tăng 3,9%/giảm 4,3% trong năm 2023. Chúng tôi cho rằng sự điều chỉnh của thị trường gần đây đã đưa cổ phiếu VHC trở lại vùng mua. Chúng tôi nâng khuyến nghị lên khả quan với giá mục tiêu là 105.600 đồng/CP sau khi tăng EPS 2022/2023 lên 39,7%/26,5%. Tiềm năng tăng giá là giá bán cao hơn và nhu cầu mạnh hơn dự kiến ở các thị trường mục tiêu. Rủi ro giảm bao gồm giá cá nguyên liệu và chi phí vận chuyển cao hơn dự kiến.

Hầu hết các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022. Bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12. Mặt khác, vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, do giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát. Với mức giá 80.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 7,2x và 8,5x, mức P/E trung bình lịch sử là 8x. Giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi là 90.100 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 12%), tương ứng với khuyến nghị trung lập. Chúng tôi đã hạ P/E mục tiêu cho mảng thủy sản từ 9x xuống 8x (và mảng collagen và gelatin của VHC từ 13x xuống 12x) để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội với doanh thu đạt 7.494 tỷ đồng (tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỷ đồng (tăng 242%). Riêng quý 2 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 4.226 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ) và 788 tỷ đồng (tăng 202%). Doanh thu tăng trưởng tích cực đến từ nhóm sản phẩm truyền thống: Cá tra đạt 4.955 tỷ đồng (tăng 82%) và Phụ phẩm đạt 1.170 tỷ đồng (tăng 48%). Đáng chú ý, doanh thu từ sản phẩm khác (BSC cộng gộp doanh thu khác, doanh thu phồng tôm, gạo) tăng trưởng mạnh đạt 853 tỷ đồng , chiếm 11% doanh thu sáu tháng đầu năm. Lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn doanh thu do biên gộp tăng mạnh lên mức 25% so với mức biên 17% cùng kỳ. BSC cho rằng, biên gộp tăng do giá xuất khẩu các thị trường khả quan: giá xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 60%, vào EU tăng 34%, vào Trung Quốc tăng 38%. Biên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đạt 3,7%, giảm mạnh so với mức biên 7% cùng kỳ do doanh thu tăng nhanh hơn (tăng 81%) so với mức tăng của chi phí (tăng 22%). Năm 2022, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC lần lượt đạt 12.524 tỷ đồng (tăng 39,5% so với năm trước) và 2.318 tỷ đồng (tăng 112%). EPS 2022 là 12.600 đồng, tương đương với P/E fw là 6,9. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu mới cho năm 2022 là 108.500 đồng/CP (tăng 26% so với mức giá ngày 23/08/2022) sau khi điều chỉnh mức P/E mục tiêu từ 13 xuống 9 do (i) lãi suất điều chỉnh tăng (ii) giảm tốc độ tăng trưởng so với lợi nhuận sáu tháng đầu năm.

Trong tháng 9/2022, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 917 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ, giảm 28% so với tháng trước). Doanh thu cá tra đạt 540 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ, giảm 31% so với tháng trước), chỉ bằng 46% doanh thu tháng 4/2022 (mùa cao điểm), chủ yếu do doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm đáng kể (thị trường Mỹ: giảm 7% so với cùng kỳ, giảm 37% so với tháng trước, thị trường Trung Quốc: giảm 4% so với cùng kỳ, giảm 52% so với tháng trước). Theo ước tính của chúng tôi, nếu giá bán bình quân cho thị trường Hoa Kỳ tăng 24% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022, thì sản lượng bán sang thị trường Hoa Kỳ giảm 25% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022. Mặc dù VHC chủ yếu ký hợp đồng FOB, công ty phải chia sẻ chi phí vận chuyển với các nhà nhập khẩu để thúc đẩy doanh thu và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong giai đoạn lạm phát hiện nay khi nhu cầu suy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận ròng của công ty trong quý 3/2022. Do đó, chúng tôi khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 79.200 đồng/CP. Tháng 8/2012, chúng tôi ước tính ANV sẽ ghi nhận doanh thu thuần là 320 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ, giảm 24% so với tháng trước) với giá bán bình quân là 2,40 USD/kg (tăng 29% so với cùng kỳ, tăng 3% so với tháng trước). ANV bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với doanh thu đạt 20 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% tổng doanh thu trong tháng 8/2022). Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm từ 4,80 USD/kg trong quý 2/2022 xuống 4,30 USD/kg trong quý 3/2022, phù hợp với ước tính của chúng tôi. Quan trọng hơn, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong quý 4/2022 vẫn không đáng kể. Do đó, chúng tôi khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 37.000 đồng/CP. Trong tháng 9/2022, FMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 470 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ và giảm 10% so với tháng trước). Tôm là một trong những mặt hàng thủy sản có mức giá cao, trong khi đó giá bán bình quân của tôm Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ và EU, vì vậy FMC dự báo doanh thu từ tôm sẽ có xu hướng giảm trong quý 4/2022 do áp lực lạm phát vẫn còn. Tuy nhiên, do thị trường nguyên liệu tôm Việt Nam phải đối mặt với điều kiện thời tiết khó khăn trong năm nay, FMC lạc quan với việc nguyên liệu tôm tự cung cấp của họ có giá thấp hơn giá thị trường, điều này có thể giúp duy trì xu hướng tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý 4/2022. Do đó, chúng tôi khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 45.000 đồng/CP.

Trong 11 tháng năm 2022, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận doanh thu lũy kế 13.000 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ), chủ yếu đến từ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu được đóng góp bởi kết quả kinh doanh nửa đầu 2022 trong khi kết quả kinh doanh nửa cuối 2022 đang có dấu hiệu đi xuống. Riêng tháng 11/2022, doanh thu giảm 12% so với tháng trước và 10% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm phi lê yếu. Do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh áp lực lạm phát và tồn kho cá thịt trắng cao sau khi nhập khẩu ồ ạt, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sụt giảm đáng kể từ quý II/2022. Thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi bất chấp việc dỡ bỏ lệnh đóng cửa tại quốc gia này. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lo ngại đà tăng trưởng chậm lại của ngành nói chung và kết quả kinh doanh của VHC nói riêng sẽ vẫn tiếp tục chậm lại cho đến ít nhất là nửa đầu năm 2023. Trong năm 2023, VDSC cho rằng thị trường Mỹ vẫn chưa thể hồi phục trước áp lực lạm phát dai dẳng. VHC nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có tiềm năng phục hồi nhưng vẫn khó bù đắp được sự sụt giảm ở thị trường Mỹ, thị trường chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất và có giá bán cao nhất của VHC. VDSC cho rằng lợi nhuận năm 2023 nhiều khả năng sẽ tăng trưởng âm nhưng vẫn cao hơn mức trước 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra; mảng collagen và gelatin (C&G) làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra; không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018-2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến. Về định giá, mặc dù mô hình kinh doanh của VHC đã ít biến động hơn với sự góp mặt của các mảng khác (C&G, Sa Giang) nhưng tăng trưởng của VHC vẫn phụ thuộc chủ yếu vào mảng phi lê đã qua chu kỳ tăng trưởng. VDSC cho rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa đầu năm 2023 do không còn đà tăng trưởng trên nền cao của cùng kỳ. Sử dụng phương pháp FCFF và SOTP, VDSC đưa ra mức giá mục tiêu là 71.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị trung lập. Giá mục tiêu của VDSC phản ánh P/E 2023 ở mức 8,3x, tương đương với mức trung bình 5 năm. Công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư có thể chờ đợi mức giá hấp dẫn hơn và có thể tích lũy dần khi ngành cá tra có dấu hiệu quay trở lại xu hướng tăng mới.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) khi tiếp tục có quan điểm tích cực vào khả năng tăng trưởng dài hạn khả quan của công ty nhờ (1) mảng cá phi lê đông lạnh phục hồi sau những khó khăn kinh tế ngắn hạn và (2) tăng trưởng ổn định của VHC với biên lợi nhuận cao của mảng kinh doanh collagen & gelatin (C&G). Chúng tôi điều chỉnh giảm 6% giá mục tiêu do chúng tôi điều chỉnh giảm 16% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong năm 2023, phần nào được bù đắp bởi mức dự báo lợi nhuận sau thuế cao hơn 5% cho cả 2 năm 2024 và 2025. Chúng tôi cũng cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2024 từ cuối năm 2023. Định giá của VHC hấp dẫn do công ty đang giao dịch ở mức P/E trượt là 6,9 lần - thấp hơn so với P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành là 8,1 lần. Trong khi đó, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 33% trong giai đoạn 2023 - 2025. Ngoài ra, giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E 2023/2024 của VHC lần lượt là 10,6 lần/7,2 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm là 7,6 lần, mà chúng tôi tin là phù hợp khi hoạt động kinh doanh C&G đang phát triển sẽ được giao dịch ở mức định giá cao hơn so với mảng kinh doanh cá phi lê truyền thống của VHC. Rủi ro: Tiêu thụ cá tra toàn cầu thấp hơn dự kiến; doanh số C&G thấp hơn dự báo.