**Vĩ mô tháng 12 - Thế giới và Việt Nam**

1. Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách và Công xưởng của thế giới có thể mở cửa hoàn toàn trong năm 2023.

  • Sự kiện này đặc biệt quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam, mà còn là một cú hích đối với nền kinh tế thế giới. Một cơn sóng Chứng khoán mới có thể sẽ thêm điều kiện hình thành. Không chỉ là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, Trung Quốc còn là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với nhiều mặt hàng: Thép, Cá tra, Cao su, Thịt heo, Dệt may…

  • Quá trình hồi phục sẽ bắt đầu với nhu cầu đi lại và ăn uống, các sản phẩm Cá tra, Thịt heo, Cao su, Phân đạm và Dầu sẽ đồng loạt hồi phục, tạo động lực tích cực cho nhóm cổ phiếu này trên TTCK Việt Nam.

  • Tiếp theo đó là Thép và Vật liệu xây dựng, bên cạnh việc chờ đợi tín hiệu phục hồi từ ngành BĐS và những chính sách “Giải cứu” BĐS được công bố trong tháng 11. Nhu cầu thép tăng cao, tạo ra kì vọng cho doanh nghiệp thép tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng ngành Xây dựng dân dụng và Thép đã đi vào trạng thái ngủ đông, vì vậy làn sóng tăng trưởng nếu có cũng chỉ là ngắn hạn.

2. Mỹ và đợt tăng lãi suất cuối cùng của FED vào đêm 14/12 giờ Việt Nam.

  • Tính đến 05/12, 79.4% các chuyên gia Mỹ dự báo khả năng FED tăng 0.5% điểm lãi suất trong lần tăng lãi suất cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ 20.6% dự báo tăng 0.75%. Nguyên nhân đến từ các số liệu vĩ mô gần đây đều tích cực hơn so với dự báo có thể sẽ khiến FED cân nhắc mức tăng lãi suất thấp hơn: Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, Chỉ số việc làm cải thiện, Thất nghiệp duy trì 3,7%.

  • Lãi suất tăng dẫn đến USD tăng giá trị, để bảo vệ đồng nội tệ, nhiều nước sẽ phải tính đến biện pháp tăng lãi suất. Tuy nhiên, áp lực cho VND hiện tại đã giảm, điều này thuận lợi cho dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhưng bất lợi cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

3. EU – hoạt động kinh doanh đã thu hẹp tháng thứ 5 liên tiếp.

  • Chỉ số PMI tháng 11 tại Châu Âu ghi nhận mức 47.8, tiếp tục cho thấy ngành sản xuất tại lục địa này đang dần thu hẹp. Điều này cho thấy các nhà sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan vào tương lai, đồng nghĩa với việc dự báo sức cầu tiêu dùng tiếp tục yếu trong thời gian tới.

  • Lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo dự báo của Ủy ban Châu Âu EC, lạm phát tháng 11 sẽ tăng 10%, giảm đi so với mức 10.6% của tháng 10. Điều này sẽ làm Thắt chặt chi tiêu và Thu hẹp sản xuất tại lục địa này.

  • EU cũng là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất Việt Nam, việc Thắt chặt chi tiêu của người dân EU sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên chính do việc thu hẹp sản xuất, rất nhiều khả năng một số ngành sản xuất tại EU sẽ dịch chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

4. Vĩ mô Việt Nam

  • Tỷ giá USD/VND giảm từ 28/11 đến nay. Dòng tiền nước ngoài tiếp tục quay trở lại đầu tư vào thị trường Việt Nam, minh chứng bằng 5 tuần mua ròng liên tiếp, dòng vốn ngoại mua ròng kỉ lục 15.974 tỷ trong tháng 11. Điều này giảm áp lực lên tỷ giá, giảm áp lực tăng lãi suất của NHNN, giúp khơi thông tạm thời dòng vốn nhà đầu tư trong nước chảy vào TTCK.

  • CPI tháng 11 được kiểm soát tốt khi giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (vốn chiếm tỷ trọng CPI 45%) được điều tiết hợp lý.

  • FDI đăng ký có sự phục hồi, FDI giải ngân lũy kế 11 tháng cao nhất 5 năm gần nhất, điều này tác động tích cực lên dòng BĐS KCN.

  • PMI (Mức độ lạc quan trong SXKD của các DN Việt Nam) đạt 47,4 điểm cho thấy hoạt động SXKD của các DN đang có dấu hiệu thu hẹp sau 13 tháng mở rộng liên tục. Nguyên nhân đến từ sụt giảm đơn đặt hàng, VND mất giá, nhu cầu giảm trong khi giá bán vẫn giảm.

  • Xuất khẩu YoY đạt 342,2 tỷ USD (+13,4% YoY), xuất khẩu thường cao vào các tháng cuối năm do nhu cầu Tết Tây và Noel, tuy nhiên giá trị xuất khẩu đang thấp hơn cả những tháng giữa năm, nguyên nhân đến từ cầu giảm tại các thị trường lớn.

  • Nhập khẩu YoY đạt 331,6 tỷ USD (+10,1% YoY), bên cạnh cầu yếu, chi phí nhập khẩu cũng tăng do tỷ giá và đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch.

  • Chính sách Nới Room tín dụng của NHNN từ 14% lên 15,5-16% là tin tích cực nhất đối với không riêng hệ thống ngân hàng. Động thái này của NHNN nhằm mục đích cung ứng vốn cho đợt cao điểm cuối năm, và giảm áp lực cho trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, có lẽ động thái này không có nhiều tác động đối với ngành ngân hàng và BĐS, nhưng sẽ hạn chế rủi ro sụp đổ và một hiệu ứng Domino của các doanh nghiệp BĐS.