“Bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân/hợp tác xã được xem là mấu chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng doanh nghiệp vẫn chọn mua gạo qua thương lái thay vì liên kết với nông dân để mua lúa.
Việt Nam sắp cạn nguồn gạo để xuất khẩu?
Liên kết sản xuất lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn không như kỳ vọng. Ảnh: Trung Chánh
Tại hội thảo “phát triển liên kết bền vững trong chuỗi ngành hàng lúa gạo” diễn ra hôm 2-5 ở thành phố Cần Thơ, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều mô hình liên kết hợp tác sản xuất đã được triển khai, nhưng mức độ thành công vẫn còn hạn chế.
Doanh nghiệp và nông dân “chưa gặp nhau”
Ông Thịnh của Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, vào năm 2002, Chính phủ có quyết định 80 (Quyết định 80/2002/QĐ-TTg) về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, quyết định này cũng chỉ dừng lại ở chỗ “doanh nghiệp có xuống làm hợp đồng bao tiêu là được công nhận”.
Sau đó, Chính phủ có Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. “Đến năm 2018, có Nghị định 98 (Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) trong liên kết chuỗi giá trị ở ĐBSCL, nhưng cũng chỉ thực hiện được chủ yếu ở Tiền Giang, còn nhiều tỉnh không thực hiện”, ông Thịnh cho biết.
Không chỉ hạn chế về số địa phương, theo ông Thịnh, Nghị định 98 yêu cầu tất cả doanh nghiệp khi tham gia phải tổ chức theo chuỗi và ký hợp đồng, nhất là bao tiêu. “Nhưng nghị định này cũng có hạn chế là đưa ra rất nhiều hình thức liên kết. Tuy nhiên ngành lúa gạo ĐBSCL là sản xuất theo quy trình, các liên kết không có những chế tài, tức các hợp đồng cũng chỉ quay lại mua và bán”, ông cho biết.
Từ vấn đề nêu trên dẫn đến kết quả “bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân trong ngành lúa gạo chưa như kỳ vọng.
Được biết, trong tổng số khoảng 24,5 triệu tấn lúa hàng hoá ở ĐBSCL, doanh nghiệp tiêu thụ trực tiếp từ nông dân chỉ 6,5%. Trong khi đó, có gần 50% được tiêu thụ qua kênh thương lái, còn lại tiêu thụ qua kênh hợp tác xã và nhà máy xay xát. Điều này cho thấy, việc “bắt tay” liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân/hợp tác xã là không đáng kể.
Khi nói đến thực trạng mua bán lúa gạo hiện nay, ông Thịnh nhấn mạnh, thời gian qua chưa có những mối liên kết theo chuỗi bài bản đúng nghĩa. Doanh nghiệp và nông dân chưa chia sẻ rủi ro, dẫn dắt quy trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo một cách bài bản. “Chỉ một số ít các doanh nghiệp tham gia sản xuất đến bao tiêu chế biến, còn lại đa phần liên kết theo hướng “mua bán lúa gạo thôi”, ông Thịnh dẫn chứng.
Không nên chỉ nhìn vào… “giá bán”
Theo ông Thịnh, định hướng của ngành nông nghiệp là không không khuyến khích “chỉ tập trung mua bán”. Bởi lẽ, dù có nhiều hình thức định giá mua bán khác nhau, nhưng vẫn không thể quản trị được giá thị trường.
“Muốn liên kết chặt chẽ bắt buộc phải chia sẻ lợi ích từ lúc bắt đầu sản xuất hay còn gọi là hợp tác ngay đầu vụ. Điều này có nghĩa là không chỉ quan tâm đến giá mà còn chia sẻ để nông dân giảm được chi phí, giúp họ hưởng lợi. Ngoài ra, tạo môi trường sản xuất tốt và nông dân được bảo vệ”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Để nông dân hưởng được lợi ích từ giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng môi trường, bảo vệ sức khoẻ nông dân… cần phải bắt đầu từ những khâu như sử dụng giống đầu vào; áp dụng quy trình canh tác hướng xanh, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và xây dựng thương hiệu lúa gạo…
Đặc biệt, theo vị đại diện của Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, khi áp dụng quy trình kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và giải pháp kỹ thuật cho đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ giúp thay đổi nhận thức của người sản xuất, bao gồm sản xuất bền vững. Điều này, giúp tăng được chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và những giá trị bổ sung, bao gồm tín chỉ carbon, chế biến thêm về phụ phẩm nông sản- là những việc cho phép nông dân tăng thu nhập.
Muốn liên kết thành công đòi hỏi phải có sự đồng tình, có cùng tiếng nói, nguyện vọng là phát triển lúa gạo Việt Nam theo hướng giảm phát thải, sản xuất xanh. Hơn hết là phải xây dựng được các hệ sinh thái cho lúa gạo xanh, nghĩa là không để nông dân hay doanh nghiệp một mình mà phải có cơ chế chính sách ưu tiên tham gia vào sản xuất lúa gạo. Các bên tham gia đương nhiên phải được hưởng những cơ chế chính sách khác hẳn những người không tham gia mới kỳ vọng thành công trong phát triển lúa gạo.
Doanh nghiệp chọn mua gạo thay vì mua lúa hay nói cách khác doanh nghiệp chưa muốn liên kết sản xuất. Ảnh: Trung Chánh
Doanh nghiệp chỉ muốn “mua gạo”
Tuy nhiên, có một thực tế như nêu ở trên, đó là tỷ lệ doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân để bao tiêu lúa chỉ đạt mức 6,5% trong tổng số 24,5 triệu tấn lúa hàng hoá được sản xuất ra ở ĐBSCL. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang chọn mua gạo nhiều hơn hay nói cách khác là không tham gia liên kết.
Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là vì sao doanh nghiệp chọn phương thức mua bán này, mà không chọn “bắt tay” với nông dân/hợp tác xã để có được sản phẩm tốt hơn về mặt chất lượng?
Liên quan câu chuyện liên kết này, tại hội nghị “đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quí đầu năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo thời gian tới” mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) cho biết, bức tranh ngành lúa gạo cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến theo xu hướng tăng cao rồi lại điều chỉnh giảm.
“Đây là chuyện bình thường với doanh nghiệp và chúng tôi thích ứng được vì theo dõi sát thị trường. Thế nhưng, nông dân và thương lái sẽ thiệt hại rất nhiều vì họ thiếu thông tin, không liên thông được với thị trường thế giới”, ông cho biết.
Theo ông Việt Anh, vấn đề nêu trên “không nằm ở chỗ” doanh nghiệp liên kết với nông dân là có thể giải quyết ngay được, bởi người mua muốn mua thấp nhưng người bán muốn cao. “Khi xung đột lợi ích xảy ra, bên nào cũng muốn tối đa hoá lợi nhuận. Cho nên, nếu chúng ta đi vào yếu tố cung cầu sẽ thấy các mô hình này (liên kết) chưa chứng minh được hiệu quả”, ông nhấn mạnh.
Ông Việt Anh cho biết, áp lực mùa vụ rất lớn, tất cả hệ thống thương lái len lỏi trong những cánh đồng đóng vai trò thu mua, vận chuyển, phơi sấy…, tức những công việc bản thân doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể làm được. “Nếu doanh nghiệp có thêm lực lượng thu mua, thì sau mỗi mùa vụ lực lượng đó sẽ làm gì? Doanh nghiệp ‘nuôi’ thêm lực lượng thu mua sẽ khiến chi phí gia tăng rất nhiều”, ông đặt vấn đề.
Vị đại diện của ORICO cho rằng, lực lượng thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ tồn tại mãi mãi vì doanh nghiệp không thể làm từ lúa, tức mua lúa trực tiếp. “Làm từ lúa không giải quyết được tấm cám, phụ phẩm, khiến giá thành đội lên rất cao, thành ra doanh nghiệp lâu nay vẫn chọn phương án mua gạo, rất ít doanh nghiệp mua lúa”, ông Việt Anh giải thích.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) gợi ý, phải có giải pháp sử dụng hiệu quả lực lượng thương lái để làm cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
“Hiện nay, một số thị trường nhập khẩu đề nghị nhập giống gạo cụ thể chứ không yêu cầu 5%, 10% hay 25% tấm như trước đây nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp dù biết rõ địa phương sản xuất giống gì, nhưng đến thời điểm thu hoạch phải vẫn nhờ lực lượng trung gian là thương lái ‘tạo điều kiện’ cho doanh nghiệp có được số lượng, sản lượng đi bán vì họ biết chính xác thời điểm thu hoạch”, ông Nam cho biết.
Trung Chánh
https://thesaigontimes.vn/vi-sao-doanh-nghiep-chon-mua-gao-qua-thuong-lai-thay-vi-lua-tu-nong-dan/