Dữ liệu thống kê cho thấy kinh tế Mỹ đang tốt, nhưng các nghiên cứu xã hội học cho rằng người dân Mỹ đang lo ngại nhiều hơn về những vấn đề vĩ mô.
Người da đen Mỹ biểu tình vì bị phân biệt
Kinh tế Mỹ đang tốt hay bất ổn? Ngay chính trong nước Mỹ đã xảy ra tranh luận kịch liệt theo hai chiều hướng khác nhau, bất chấp số liệu thống kê đang đứng về phía Tổng thống Joe Biden.
Đương kim Tổng thống Mỹ nói “kinh tế Mỹ đang xuất sắc”; còn phía đối lập, ông D. Trump nói “nó như cái bể chứa”. Còn số liệu thống kê cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,5% vào năm ngoái, vượt xa các nền kinh tế lớn khác. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý 1/2024 của Mỹ lại giảm xuống chỉ còn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody khẳng định: “Nền kinh tế Mỹ đang dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Nó đang thúc đẩy đoàn tàu kinh tế toàn cầu”. Ông nói: “nếu sử dụng phương pháp tính lạm phát tương tự như Liên minh Châu Âu, FED đã đạt mục tiêu, lạm phát đã ở mức dưới 2%”.
Tuy nhiên trên thực tế, lạm phát của Mỹ đang có xu hướng tăng. CPI tháng 3/2024 của Mỹ tăng 0,4% so tháng trước đó, đứng ở mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%.
Trong khi đó, thị trường lao động của Mỹ lại có xu hướng tiêu cực hơn do lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian kéo dài. Trong tháng 4/2024, nền kinh tế Mỹ tạo ra được 175.00 việc làm. Con số này đã được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và thấp hơn mức 300.000 việc làm mới tạo ra trong tháng 3 và thấp hơn mức dự báo là 240.000 việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2024 cũng tăng lên mức 3,9%.
Mặc dù tăng trưởng tiền lương đã vượt xa lạm phát trong vài năm qua nhưng nó vẫn không tương xứng với năng suất. Theo dữ liệu từ EPI, từ năm 1979 đến năm 2020, năng suất ở Mỹ tăng gần 62% nhưng tiền lương chỉ tăng khoảng 23%. Moore giải thích: “Tăng trưởng tiền lương không phù hợp với năng suất trong 40 năm do phong trào lao động suy giảm kể từ những năm 1980”.
Bất bình đẳng thu nhập có nguồn gốc từ chủng tộc, da màu cũng đã được thống kê. Theo dữ liệu từ EPI, từ năm 1979 đến năm 2020, công nhân da trắng có mức tăng lương 30,1%, trong khi công nhân da đen và Tây Ban Nha chỉ kiếm được thêm lần lượt 18,9% và 16,7%.
Thực tế trên đang khiến nhiều chuyên gia quan ngại kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng đình lạm, có nghĩa tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi lạm phát tăng nóng trở lại.
Tình trạng sa thải hàng loạt tại các công ty lớn không được nhắc đến
Dù kinh tế Mỹ đã và đang tăng trưởng chậm lại, nhưng gần như đã thoát khỏi suy thoái nhờ một số “chi tiêu thông minh”. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa giải quyết được những vấn đề dai dẳng. Moore nói: “Nền kinh tế hiện tại không bị bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không có những bệnh mãn tính cần được điều trị”.
Nhiều người dân Mỹ vẫn “chi trả” cho lạm phát, ví dụ giá rau đông lạnh tăng 6,1% và đường tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sa thải lao động tại nhiều công ty lớn như Google, Alphabet, Amazon, Microsof, Citygroup, eBay…đã không được nhắc đến trong các buổi hùng biện tranh cử của ông Biden.
Microsoft sẽ sa thải 1.900 nhân viên khỏi bộ phận trò chơi của mình và Citigroup sẽ sa thải 20.000 nhân viên trong vòng hai năm tới. Google đã cắt giảm hàng trăm việc làm từ nhóm kỹ thuật trung tâm và phần cứng của mình. eBay tuyên bố sẽ loại bỏ 9% lực lượng lao động trong năm nay.
Tất cả những yếu tố nói trên đã và đang khiến nhiều người dân Mỹ bi quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong tương lai.
TRƯƠNG KHẮC TRÀ
https://diendandoanhnghiep.vn/vi-sao-nguoi-my-bi-quan-ve-nen-kinh-te-262884.html