Vì sao vàng miếng SJC tăng 'sốc' dù NHNN đã bán ra hàng nghìn lượng

Theo các chuyên gia, bất chấp NHNN liên tục đấu thầu bán vàng miếng, tâm lý của thị trường đang đẩy giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh những ngày qua.

Giá vàng miếng SJC đã chính thức chạm mốc 92 triệu đồng/lượng vào trưa 10/5. Ảnh: Duy Hiệu .

Bất chấp những động thái can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước thông qua các phiên đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC trong tuần này vẫn đang ghi nhận xu hướng tăng điên cuồng. Đà tăng này khiến giá vàng miếng trong nước liên tục phá đỉnh qua từng ngày, hiện đã chạm mốc 92 triệu đồng/lượng.

Thậm chí, đà tăng mạnh của giá vàng miếng SJC còn đi ngược với xu hướng giảm gần đây của giá vàng thế giới. Hiện giá vàng thế giới đã thấp hơn vàng miếng trong nước 19 triệu đồng/lượng.

Lý do vàng miếng SJC tăng phi mã

Chia sẻ với Tri thức - Znews , PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết giá vàng trong nước tăng phi mã có một phần tác động từ giá vàng thế giới và tâm lý thị trường trong nước.

Theo đó, giá vàng thế giới dù đã ghi nhận xu hướng hạ nhiệt so với trước đó nhưng vẫn liên tục neo cao ở mốc trên 2.300 USD /ounce.

Đáng chú ý, dù NHNN đã tổ chức 5 phiên đấu thầu nhưng lượng cung vàng miếng ra thị trường tương đối ít. Điều này tác động tới tâm lý của nhà đầu tư. Họ cho rằng cầu vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên trong khi lượng vàng cung ứng quá ít ỏi.

"Vàng miếng SJC vẫn là mặt hàng mà mọi người đang mong muốn mua được, vẫn là kênh được nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích và cho biết tâm lý của người mua đang là yếu tố quyết định quan trọng tới đà tăng của giá vàng trong nước. Theo đó, người mua vẫn sẵn sàng mua với giá cao hơn vì cho rằng giá vàng sẽ còn tăng tiếp.

Ở phía ngược lại, ông Thịnh phân tích khi đấu thầu được ít thì nhà kinh doanh cũng có tâm lý rằng lượng vàng đáp ứng thị trường không tăng thêm, tâm lý có vàng muốn giữ lại vì cho rằng giá sẽ còn tăng.

Giá vàng miếng SJC liên tục phá đỉnh trong một tuần gần nhất. Ảnh: giavangvietnam .

“Cộng hưởng từ hai điều này khiến giá vàng SJC tăng mạnh trong những ngày qua", vị chuyên gia đưa nhận định.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lượng vàng miếng NHNN cung ứng ra thị trường qua các phiên đấu thầu chưa đủ để hạ nhiệt giá vàng. Ông cho rằng nhà điều hành cần phải tổ chức thêm nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải làm tốt chức năng đưa một lượng vàng lớn vào thị trường.

Cùng với đó, vị chuyên gia kinh tế cho rằng vàng vẫn là kênh hút tiền của nhà đầu tư hiện nay. Bởi lợi nhuận của vàng hiện dao động hơn 10%, trong khi chứng khoán biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp. Kênh đầu tư vàng càng củng cố vị thế, trở lên "nóng sốt" trong thời điểm này.

Có nên giảm giá đấu thầu vàng miếng?

Theo số liệu của NHNN, đến nay, nhà điều hành đã triển khai 5 phiên đấu thầu vàng miếng với khối lượng chào thuần 16.800 lượng vàng/phiên (tương đương 630 kg). Tuy nhiên, mới chỉ ghi nhận 2 phiên bán thành công với tổng khối lượng 6.800 lượng vàng. Các phiên đầu thầu còn lại đều bất thành với lý do không đủ thành viên tham gia.

Nhiều ý kiến cho rằng vàng miếng do NHNN đấu thầu bị "ế" do giá tham chiếu quá cao, nên muốn hạ nhiệt được thị trường vàng thì nhà điều hành phải đưa giá thấp hơn.

Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định NHNN không thể giảm giá bán đầu thầu vàng miếng. Bởi cốt lõi của việc bán đấu thầu này là nhà điều hành lấy vàng miếng SJC từ trong kho, tức là đang bán tài sản công, tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.

Điều này bắt buộc NHNN phải bán với giá thị trường, không được phép và quyền hạn bán với giá rẻ. Trường hợp Vụ Ngoại hối của NHNN bán với giá rẻ thì lập tức những thành viên có đủ quyền mua vàng sẽ “nhảy” vào mua. Khi đó toàn bộ lợi ích sẽ rơi vào tay của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Nếu SJC đưa ra giá cao mà người mua vẫn chấp nhận, tức là thị trường đang thiếu vàng miếng SJC

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

"Nếu để điều này xảy ra, trách nhiệm của nhà quản lý trong việc đấu thầu sẽ bị đặt dấu hỏi, và khả năng liên đới tới vấn đề pháp lý là rất lớn", ông Thịnh phân tích.

Một điểm đáng chú ý trong đợt tăng giá lần này của vàng miếng trong nước là đà tăng mạnh hơn được ghi nhận tại Công ty SJC, cũng là đơn vị vừa mua hàng nghìn lượng vàng miếng từ NHNN.

Ông Thịnh cho rằng điều này đến từ việc giá tham chiếu mà NHNN đưa ra là giá thị trường, tức là nhà điều hành tính dựa trên giá bình quân mua vào - bán ra của những ngày trước đó. Khi SJC mua lại từ NHNN và bán ra thì giá sẽ cộng thêm khoản chênh lệch về chi phí và lợi nhuận cần có.

“Nếu SJC đưa ra giá cao mà người mua vẫn chấp nhận, tức là thị trường đang thiếu vàng miếng SJC. Và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp này có thể tiếp tục tham gia đấu thầu”, ông nói.

Theo vị Phó giáo sư, NHNN đang và sẽ áp dụng tiếp việc cung vàng ra thị trường, chủ yếu qua nghiệp vụ bán đấu thầu và đây là "biện pháp đúng, trúng".

Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho biết nhà điều hành đang cần có đánh giá và nhìn nhận tổng thể về việc sửa đổi Nghị định 24/2012 cho phù hợp với thị trường.

“Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang rất cần ngoại tệ, trong đó vàng là loại ngoại tệ đặc biệt, quan trọng hơn cả USD. Vì thế, NHNN cần phải cẩn trọng trong nghiệp vụ quản lý”, ông Thịnh khuyến cáo.

Theo ông, Nhà nước vẫn cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời đưa nguồn vàng và ngoại tệ hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế.

Hồng Nhung

https://znews.vn/vi-sao-vang-mieng-sjc-tang-soc-du-nhnn-da-ban-ra-hang-nghin-luong-post1474775.html