VIB – ROE cao nhưng có đáng quan tâm

Ngành ngân hàng đang là ngành được quan tâm nhiều nhất từ phía các nhà đầu tư không chỉ vì tiềm năng từ ngành mà còn là những ảnh hưởng từ các chính sách của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây tác động nhiều đến nền kinh tế và các công ty khác. Với việc lãi suất huy động là chủ đề nóng của giới đầu tư khi lãi suất tăng khá mạnh do áp lực tỉ giá cũng như nhu cầu huy động của các nhà băng. Ngoài ra còn có nhiều vấn đề khác sẽ được chúng tôi phân tích trong bài viết này thông qua mã ngân hàng VIB.

Về VIB, trong nhiều năm qua chúng ta vẫn biết đây là ngân hàng nhỏ nhưng có hiệu suất hoạt động và kinh doanh thuộc top tốt nhất trong hệ thống các ngân hàng. Tuy nhiên ngoài ra còn rất nhiều chỉ số khác về ngân hàng của VIB mà nhiều nhà đầu tư chưa nắm được cũng như chưa biết hết những tiềm năng của ngân hàng. Để bóc tách chi tiết hơn và hiểu rõ hơn về ngân hàng chúng tôi sẽ cùng quý nhà đầu tư phân tích trong bài viết dưới đây.

I. Kết quả kinh doanh

Tại quý 3, VIB đã ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất 4,627 tỷ đồng, tăng 50.2% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 3,836 tỷ đồng, tăng 43.2% yoy, thu nhập ngoài lãi đạt 790 tỷ đồng, tăng 96.7% yoy. Nguyên nhân cơ bản giúp VIB tăng trưởng tốt đến từ tăng trưởng mạnh mảng tín dụng ( thu nhập lãi cho vay tăng 40.8% ) và hoạt động kinh doanh thẻ, bảo hiểm, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh. Chi tiết hơn chúng tôi sẽ bóc tách trong phần dưới của bài viết.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 VIB ghi nhận tổng lợi nhuận thuần đạt 13,371 tỷ đồng, tăng 28.7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,251 tỷ đồng, tăng 46.3% yoy. Trong 9 tháng đầu năm chúng ta có thể thấy ngân hàng đã giảm các chi phí trích lập dự phòng sau năm 2021 tăng mạnh, đây cũng là lý do giúp cho lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ. (Hình 1)

Về quy mô bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VIB đạt 340,910 tỷ đồng, tăng 10.1% so với đầu năm, cơ cấu danh mục cho vay của VIB gần như tập trung hoàn toàn vào nhóm khách hàng bán lẻ, đây là nhóm giúp cho ngân hàng tối ưu được lợi nhuận với lãi suất cho vay cao hơn trong bối cảnh room tín dụng được cấp gần như đã full sau 6 tháng đầu năm tại hầu hết các ngân hàng và các đợt nới room gần đây là không quá nhiều. (Hình 2)

II. Bóc tách các mảng kinh doanh và chất lượng tài sản

1. Mảng tín dụng

Vẫn như các ngân hàng khác trong hệ thống ngân hàng, mảng tín dụng là mảng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của nhà băng với tỉ trọng khoảng 83% trong năm 2022. Trong quý 3 lợi nhuận của mảng tín dụng cũng tăng trưởng 43.2% yoy cho thấy việc kinh doanh chính của ngân hàng vẫn đang tiến triển rất tốt. Về cho vay, cuối quý 3-2022 số tiền cho vay (Hình 3) đạt hơn 226 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 11.9% so với đầu năm và cũng gần đạt mức trần tín dụng được cấp (khoảng 13% với VIB).

Chúng ta có thể thấy trong 2 năm trở lại đây tăng trưởng tín dụng và room tín dụng được cấp của VIB có xu hướng giảm dần và điều này đã ảnh hưởng tới việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng của nhà băng vì không thể cho vay thêm được nữa khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp dần. Trong quý 4 tới room tín dụng có thể cho vay của VIB còn khoảng 1.1% tương ứng khoảng 2.22 nghìn tỷ đồng. Như vậy trong quý 4 dư địa cũng như tình hình thị trường chung sẽ không hỗ trợ nhiều được cho việc tăng trưởng thêm cho vay khi mà vốn huy động đầu vào đang gặp khó cũng như lãi suất tăng cao sẽ khiến các doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp khó cũng như ngại vay thêm. Họ sẽ có xu hướng chờ đợi thêm các đợt hỗ trợ về lãi suất hay ổn định lãi suất trong năm tới để vay thay vì vay trong quý 4-2022. Trong năm tới 2023 theo chúng tôi với môi trường lãi suất chưa thể hạ ngay được ( dự kiến có thể hạ từ cuối 2023 ) thì room tín dụng của các ngân hàng vẫn sẽ bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ để khống chế lạm phát cũng như điều tiết dòng tiền và vì vậy tăng trưởng tín dụng với VIB theo chúng tôi cũng sẽ duy trì ở mức dưới 15%.

Như đã nói ở trên tỉ trọng cho vay chính của VIB là mảng bán lẻ với 89%, trong đó cho vay mua xe và vay mua nhà chiếm tỉ trọng cao nhất. Ngoài ra mảng kinh doanh thẻ cũng có đóng góp đáng kể cho mảng cho vay bán lẻ của VIB. VIB đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống về doanh số chi tiêu thẻ/ người, điều này sẽ góp phần tích cực cho việc tăng hiệu suất kinh doanh, tăng phí của ngân hàng. Với việc tập trung cho vay vào mảng bán lẻ cũng giúp VIB ít chịu ảnh hưởng bởi các sự kiện liên quan đến trái phiếu trong thời gian gần đây (danh mục cho vay BĐS và trái phiếu doanh nghiệp BĐS chỉ chiếm khoảng 0.5% ).

Về huy động, đến cuối quý 3-2022 tổng tiền gửi khách hàng của VIB là khoảng 189 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, tuy nhiên so với quý trước đó là quý 2 thì lượng tiền gửi khách hàng lại bị giảm sút khoảng 8 nghìn tỷ và điều này sẽ khiến áp lực huy động vốn trong quý 4 cũng như 2023 tới cao hơn. Nếu so với lượng tiền cho vay thì tiền gửi khách hàng thấp hơn khá nhiều. Tỉ lệ tiền gửi khách hàng trên tổng cho vay chỉ đạt 0.84 , con số khá thấp so với trong ngành nhưng nếu so với quá khứ thi trong 6 năm gần đây VIB cũng thường xuyên duy trì quanh mức này. (Hình 4)

Với nhu cầu huy động vốn rất lớn để chuẩn bị tín dụng quý 4-2022 và đặc biệt là đầu 2023 từ tất cả các ngân hàng trong đó có VIB thì việc chạy đua tăng lãi suất sẽ là hệ quả gần như tất yếu theo quy luật cung cầu. Tuy nhiên trong những ngày gần đây hiệp hội các ngân hàng đã có thông tin sẽ đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống mức dưới 9.5% với tất cả các thời hạn (hiện tại nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên cao mức 11-12%/năm).

Điều này đi ngược với quy luật cung cầu của thị trường và trong ngắn hạn có lẽ sẽ khiến các ngân hàng gặp khó trong các hoạt động huy động tín dụng tiền gửi từ nền kinh tế. Nhưng theo chúng tôi với việc điều tiết đến từ ngân hàng nhà nước thì khi đã ra phương hướng giảm lãi suất huy động thì sẽ có các kênh khác để hỗ trợ các ngân hàng có nguồn tiền đầu vào để cho vay (có thể mua các giấy tờ có giá, cho các ngân hàng vay,…) và trong dài hạn thì điều này cá nhân chúng tôi cho rằng sẽ tốt cho nền kinh tế và giúp các doanh nghiệp có thể tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp. Với riêng các ngân hàng hay riêng VIB điều này về dài hạn là tốt vì sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí huy động đầu vào và với lãi suất cho vay đầu ra rẻ hơn sẽ kích thích nguồn vay trong nền kinh tế hơn giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Như vậy chúng ta có thể thấy được trong quý 4-2022 dư địa tăng trưởng tín dụng của VIB là không nhiều và 2023 thì chúng ta cần chờ xem room tín dụng ngân hàng được cấp là bao nhiêu, theo chúng tôi con số sẽ quanh khoảng 15% cho cả năm.

2. Mảng kinh doanh khác

Đóng góp lớn tiếp theo vào kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý 3 đó là mảng hoạt động dịch vụ với 795 tỷ đồng, tăng 92% yoy. Trong đó mảng bảo hiểm đóng góp đến 315 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm gần 40%. Với việc là ngân hàng có tỉ lệ cao nhất về chi tiêu thẻ giúp cho VIB có nguồn lợi nhuận khá lớn từ việc thu phí với mức tăng trưởng 23.6% và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Trong bối cảnh quý 4 room tín dụng gần như đã cạn thì việc đẩy mạnh tăng trưởng cho các mảng ngoài lãi (ngoài mảng tín dụng) sẽ là ưu tiên của ngân hàng và điều này sẽ giúp quý 4-2022 mảng dịch vụ hứa hẹn sẽ tăng trưởng tốt hơn so với 3 quý đầu năm.

Về mảng bảo hiểm, VIB đã tiến hành tái ký kết thành công hợp đồng bancassurance với Prudential qua đó giúp cho doanh thu và lợi nhuận của mảng bảo hiểm được đảm bảo trong các năm tới, VIB có thể sẽ ghi nhận một phần khoản phí trả trước trong cuối 2022 hoặc đầu 2023.

Về phí dịch vụ, VIB đã đẩy mạnh dịch vụ thanh toán liên quan đến thư tín dụng UPAS, đây là động lực chính đóng góp vào mức tăng trưởng 60.2% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ.

Ngoài ra các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư đem lại kết quả không như kỳ vọng cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Cụ thể hoạt động kinh doanh ngoại hối sau 9 tháng ghi nhận lỗ 223 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 48 tỷ đồng), mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ gần 79 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 95 tỷ đồng. Như vậy cả 2 mảng so với cùng kỳ đã ghi nhận sụt giảm khoảng 349 tỷ đồng, đây là con số tương đối lớn nếu so với mảng dịch vụ và trong năm 2023 có thể sẽ đỡ lỗ hơn chút khi thị trường ổn định trở lại dần.

Như vậy mảng kinh doanh khác trong thời gian tới chúng tôi cho rằng sẽ tốt và tăng trưởng dần lên với những động lực hiện tại, nhưng để có sự bứt phá là khó xảy ra và chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng chung sẽ vào khoảng 20-30%/năm trong năm tới.

3. Trích lập rủi ro và chi phí dự phòng rủi ro

Trong các quý gần đây chúng ta đều thấy tại các ngân hàng khác đó là họ đẩy mạnh trích lập dự phòng cho vay qua đó đẩy tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên rất cao, thậm chí nhiều ngân hàng còn lên đến mức trên 200% và cao nhất trong lịch sử các nhà băng. Tuy nhiên với VIB thì điều này lại không đúng khi ngân hàng vẫn duy trì chính sách trích lập cho vay ở mức thấp và duy trì tỉ lệ bao phủ nợ xấu chỉ ở mức trên 50% trong nhiều năm gần đây. Cụ thể cuối quý 3-2022 tỉ lệ bao phủ nợ xấu của VIB chỉ ở mức 54% và đây là mức thấp nếu so với các ngân hàng khác trong ngành. (Hình 5)

Để nói là rủi ro hay không chúng ta cũng cần phải xem xét đến chất lượng của từng nợ xấu cũng như lịch sử xử lý nợ xấu của từng nhà băng, tuy nhiên với mức trích lập này thì chắc chắn một điều là VIB sẽ không có của để dành cho tương lai ngắn một hay hai năm tới như các ngân hàng khác hiện nay ( hiện nay các ngân hàng bắt đầu giảm trích lập cho vay giúp cho lợi nhuận tăng trưởng tốt. ). Đây sẽ là điểm trừ với VIB ở dưới góc độ của một nhà đầu tư trong góc nhìn ngắn hạn một năm trở lại.

Về nợ xấu, kết thúc quý 3 nợ xấu của VIB là 5,309 tỷ đồng, giảm 120 tỷ đồng so với quý 2 trước đó nhưng tăng 639 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2.35% vào cuối quý 3 và đây là mức cao so với mặt bằng trung của ngành với khoảng hơn 1%. Chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao tỉ lệ nợ xấu của VIB ở mức cao khi mà đối tượng khách hàng chủ yếu là ngành bán lẻ, ngành có biên lợi nhuận cao hơn nhưng rủi ro cũng đi kèm cao hơn giống như VPB trong ngành chuyên cho vay tiêu dùng cũng vậy. (Hình 6)

Trong quý 3 chúng ta có thể thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VIB ở mức thấp so với 2 quý đầu năm với chỉ 166 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng trong năm 2022 ngân hàng sẽ để chi phí này ở mức quanh 1,200 tỷ đồng, thấp hơn mức 1,598 tỷ đồng của năm 2021 và sang năm 2023 mức chi phí này cũng sẽ có xu hướng đi ngang quanh 1,200 tỷ đồng khi mà ngân hàng không có của để dành như đã nói ở trên trong khi nợ xấu cũng khó mà giảm được ngay khi nợ nhóm 2 trong quý 3 có xu hướng tăng trở lại mức 7,369 tỷ đồng sau khi thông tư 14 về giãn nợ hết hiệu lực vào cuối tháng 6-2022. (Hình 7)

Như vậy chúng ta có thể thấy phần nào bức tranh nợ xấu và trích lập trong năm tới của VIB qua những phân tích ở trên và theo như chúng tôi nhận định thì khả năng cao nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2023 sẽ có xu hướng đi nganh so với 2022 và tỉ lệ nợ xấu vẫn duy trì ở mức trên 2%.

III. Tổng kết và định giá

Với những phần phân tích chi tiết ở trên chúng ta đã phần nào mường tượng ra bức tranh của VIB trong năm 2023 tới ra sao với tín dụng tăng trưởng khoảng 15%, lợi nhuận thuần tổng của ngân hàng có thể tăng trưởng 20-30% và khó khăn sẽ gặp phải trong câu chuyện huy động tiền gửi, chính sách của nhà nước về lãi suất trong thời gian tới cũng như về nợ xấu vẫn duy trì ở mức cao, chưa có sự cải thiện nhiều, tỉ lệ bao phủ nợ xấu còn thấp, không có dư địa giảm trích lập nhiều trong tương lai, …

Về định giá, hiện tại VIB đang giao dịch tại vùng giá quanh 20k/cp tương ứng mức định giá P/B khoảng 1.38 lần. Chúng tôi cho rằng đây là mức định giá vừa phải trong bối cảnh thị trường hiện tại khi các ngân hàng khác đều vừa hồi lại qua vùng đáy định giá, về định giá cho năm 2023 chúng tôi cho rằng mức giá phù hợp với VIB trong năm 2023 là khoảng 25-27k/cp.

Vib gồng chờ lên giá 25 bán
https://chungkhoan.group/danh-gia-co-phieu-vib-trien-vong-nhung-thang-cuoi-nam-2024/