Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2023, Việt Nam có 4 nữ bộ trưởng và tương đương, 14 nữ thứ trưởng hoặc cấp tương đương.
Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh ghép: T.C
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2023.
14/30 cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ
Theo báo cáo, trong lĩnh vực chính trị, chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31-12-2023, chỉ tiêu này đã đạt được các kết quả.
Cụ thể, tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 14/30 cơ quan, đạt 46,67% (tỉ lệ này của năm 2022 là 15/30, đạt 50%). Như vậy so với năm 2022, năm 2023 giảm 3,33%.
Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18/126 (đạt 14,29%).
Trong đó tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là 13/22 (đạt 59%) và không thay đổi so với năm 2022. Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ là 15/98 (đạt 15,31%).
Tỉ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 1/8 cơ quan (đạt 12,5%). Trong đó, số lãnh đạo chủ chốt là nữ trong tổng số lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thuộc Chính phủ là 3/28 người (đạt 10,71%).
Có 4/30 nữ bộ trưởng và tương đương, đạt 13,3%, 14/108 nữ thứ trưởng, tương đương, đạt 13%.
Cụ thể, 3 nữ bộ trưởng, trưởng ngành gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Một thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang.
Tỉ lệ chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 82,4%. Tỉ lệ chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 40,5%. Tỉ lệ chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 37,9%.
Nữ tiến sĩ chiếm 39%/tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục
Một nội dung khác, báo cáo nêu rõ mục tiêu đề ra tỉ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỉ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Chỉ tiêu này chỉ được tổng hợp 5 năm/lần từ tổng điều tra dân số và nhà ở và điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ. Số liệu hiện chưa tổng hợp được hằng năm do điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình có cỡ mẫu nhỏ, không đủ đại diện để tổng hợp.
Trên cơ sở kết quả năm 2019 với tỉ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ là 44,2%.
Tỉ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ là 28% và xu hướng tỉ lệ nữ tham gia các bậc học cao ngày càng tăng, khả năng các chỉ tiêu này sẽ đạt mục tiêu đề ra vào năm 2025 và 2030.
Báo cáo cũng dẫn báo cáo năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỉ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt 47.778/101.608 (47%) năm 2022 là 43.423/94.501 (46%).
Năm 2023, tỉ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục là 1.631/4.191 (39%), năm 2022 là 1.490/3.968 (38%).
THÀNH CHUNG
https://tuoitre.vn/viet-nam-co-4-nu-bo-truong-va-tuong-duong-20240506194256745.htm