Đó là phản hồi của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi được hỏi về phiên điều trần tại Bộ Thương mại Mỹ liên quan việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo ngày 11-9-2023 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
"Đây là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời Tuổi Trẻ Online trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9-5.
72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần và tại sự kiện này, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu để khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường.
"Đồng thời, phía Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường", bà Hằng thông tin thêm.
Và thực tế, cho đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Úc, Nhật Bản...
Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng khắp các châu lục.
"Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước", người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Nhiều công ty ủng hộ công nhận quy chế kinh tế thị trường
Việt Nam chính thức đề nghị Mỹ xem xét, công nhận quy chế kinh tế thị trường vào tháng 9-2023, trong tuần Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam.
Bộ Thương mại Mỹ sau đó thông báo quá trình xem xét sẽ kéo dài 270 ngày, kéo dài đến ngày 26-7-2024 tới.
Ngày 8-5 hôm qua (theo giờ Mỹ), một phiên điều trần đã được tổ chức để lắng nghe tranh luận từ các bên gồm Việt Nam, bên ủng hộ và chưa ủng hộ.
Luật sư Eric Emerson từ Công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ), đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không.
"Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình trên các yếu tố theo luật định này tốt hoặc thường tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường" - ông Eric nói.
Ông chỉ ra rằng Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines.
Phía Việt Nam cũng lập luận rằng nên được gỡ nhãn "phi thị trường" với những cải cách kinh tế gần đây, đồng thời cho rằng việc tiếp tục bị xem là nền kinh tế "phi thị trường" không tốt cho mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Mỹ.
Dây chuyền sản xuất của Samsung tại Việt Nam - Ảnh: T.TRANG
Samsung Electronics là một trong những công ty ủng hộ việc Mỹ nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường.
Ông Scott Thompson - giám đốc chính sách công của Samsung Electronics chi nhánh Mỹ - khẳng định công ty đã trở thành một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam nhờ những thay đổi theo định hướng thị trường của Việt Nam.
Ông Thompson phân tích: "Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn của Mỹ, mang lại lợi ích cuối cùng cho nền kinh tế Mỹ".
Tại phiên điều trần, bên chưa đồng tình lo ngại việc ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng trong số đó đã bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Ông Jeffrey Gerrish - cựu quan chức thương mại dưới thời chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump, đại diện cho nhà sản xuất thép Steel Dynamics - cho biết việc nâng hạng sẽ tạo ra một làn sóng nhập khẩu giao dịch không công bằng từ Việt Nam, và ông cho rằng nó là một cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ.
Được quy chế kinh tế thị trường sẽ có lợi cho Việt Nam ra sao?
Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ đóng vai trò quyết định trong việc Bộ Thương mại Mỹ có tiếp tục áp mức thuế cao hơn với hàng hóa của Việt Nam hay không. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường vốn phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.
DUY LINH