Samsung và Apple là 2 thương hiệu điện thoại thông minh (ĐTTM) được yêu thích nhất trên toàn cầu. Thế nhưng một nghiên cứu của Axios Harris Poll vào giữa năm ngoái đã đặt "nhà táo" vào tình thế khó xử, khi kết quả cho thấy Samsung đã vượt qua Apple để trở thành thương hiệu phổ biến hơn đối với người Mỹ. Khảo sát yêu cầu người dân Mỹ đánh giá các thương hiệu yêu thích của họ dựa trên nhiều yếu tố về chất lượng, giá trị và dịch vụ khách hàng. Samsung nhận được tổng điểm là 84,6, trong khi Apple là 83.
Kết quả này càng được củng cố hơn khi số liệu được cập nhật gần đây cho thấy, trong quý đầu năm 2024, riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện, người Mỹ đã chi hơn 3 tỉ USD để mua từ VN, tăng hơn 30% so quý 1/2023. Người Trung Quốc cũng không kém cạnh, chỉ đứng sau Mỹ khi trong quý 1/2024 cũng đã chi hơn 2,5 tỉ USD mua điện thoại và thiết bị được sản xuất tại VN. Đáng lưu ý, khách hàng từ Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ chỗ không thấy tên trong tốp dẫn đầu các nhà mua hàng từ VN, nay là khách hàng lớn thứ 3 mua điện thoại của VN. Trong quý đầu năm, UAE chi gần 898.000 USD (tăng hơn 55%) để mua điện thoại và linh kiện từ VN.
Nhà máy Samsung tại VN
Ngày nay, rất dễ dàng bắt gặp một người Mỹ hay người châu Âu xài ĐTTM Samsung có xuất xứ từ VN. Thậm chí, rất nhiều Việt kiều đang xài điện thoại mua tại Mỹ, Pháp là hàng "made in Vietnam". Một số người xách tay điện thoại về nước tặng người thân, mở ra cũng toàn là hàng "made in Vietnam", điều mà cách đây 5 - 7 năm hiếm hoi hơn. Thống kê của Samsung cho thấy, 50% điện thoại của hãng này bán trên thị trường toàn cầu đều được sản xuất tại VN.
Chị Trần Thu Lan, doanh nhân kinh doanh mặt hàng điện máy tại TP.HCM, cho biết năm 2017, chị "xách tay" 2 chiếc iPhone từ Mỹ về để dùng, hàng "made in China". Lúc đó, chị đã thấy một vài sản phẩm Samsung được sản xuất tại VN bán tại các cửa hàng này, nhưng rất ít, đa số là hàng từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... Nay trên các quầy kệ, rất nhiều thiết bị, điện thoại có xuất xứ VN được bày bán rộng rãi. "Hàng điện tử sản xuất tại VN được bán tại các cửa hàng điện tử lớn ở Mỹ, Canada rất nhiều. Tôi nghĩ có sự "xâm lấn" thị trường Mỹ đối với mặt hàng điện thoại Việt", chị Lan nhận xét. Ông X. Robert, đại diện một tổ chức phi chính phủ của Pháp tại VN, cho biết chiếc điện thoại Samsung Galaxy ông đang sử dụng được sản xuất tại VN, mua tại Pháp.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technogy
Một bài báo trên Reuters tháng 2 vừa qua đã dẫn báo cáo của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cảnh báo nước này có nguy cơ thua Trung Quốc và VN trong cuộc đua trở thành trung tâm xuất khẩu ĐTTM và nhấn mạnh "cần hành động ngay", nếu không các công ty toàn cầu sẽ chuyển sang VN, Mexico, Thái Lan với mức thuế thấp hơn. Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar cũng bày tỏ lo ngại về việc Ấn Độ tụt hậu so với các đối thủ xuất khẩu ĐTTM do thuế quan cao, không cạnh tranh. Vị này dẫn chứng: Cả Trung Quốc và VN đều có mức thuế thấp hơn nên xuất khẩu ĐTTM tăng mạnh. Năm 2023, xuất khẩu ĐTTM của Ấn Độ chỉ chiếm 25% tổng sản lượng sản xuất, Trung Quốc chiếm 63% trong tổng sản lượng với trị giá 270 tỉ USD và VN chiếm 95% trong tổng giá trị sản lượng ĐTTM với 40 tỉ USD. Từ đó, vị này nhấn mạnh Ấn Độ cần có chính sách để sánh vai với Trung Quốc và "đánh bại" VN về thuế quan nhập khẩu. "Ấn Độ đặt mục tiêu chiếm 25% sản lượng thiết bị điện tử toàn cầu vào năm 2029. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức cho thấy, thị phần của Ấn Độ hiện chỉ ở mức 4%, dù Apple, Foxconn và Xiaomi đều đã tăng cường sản xuất ở đây", bài báo dẫn chứng.
Trong thực tế, với hơn 1,4 tỉ dân, nhu cầu ĐTTM ngay trong thị trường nội địa đã giúp Ấn Độ thu nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, thị trường nội địa cũng đã sớm bão hòa, Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu để tăng thị phần. Thế nhưng từ năm 2021, VN đã vượt mặt Ấn Độ để vươn lên vị trí là quốc gia xuất khẩu ĐTTM lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Một báo cáo của HSBC cho hay, ĐTTM của VN chiếm hơn 13% thị phần thế giới, trong đó Mỹ là khách hàng lớn nhất. Mục tiêu Ấn Độ đang đưa ra là đạt 100 tỉ USD mỗi năm, trong đó 50% là thu từ xuất khẩu là con số đầy tham vọng. Vượt Ấn Độ; vượt Hàn Quốc - quốc gia mê công nghệ nhất thế giới, vươn lên vị trí thứ 2, liệu VN có cơ hội tiến xa hơn với chiếc điện thoại "made in Vietnam" trong tương lai gần?
Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách Khoa
Gần đây, hàng loạt lãnh đạo của những tập đoàn công nghệ lớn xuất hiện ở VN. Đáng chú ý, giữa tháng 4 vừa qua, đoàn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Apple với sự dẫn đầu của CEO Tim Cook lần đầu đến VN. Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Tim Cook cho biết hiện tập đoàn này có 2 pháp nhân tại VN, hơn 70 nhà máy là đối tác sản xuất thiết bị gốc, 40 đối tác phân phối và trên 5.000 cửa hàng ủy quyền. Tuy vậy, dư địa hợp tác của Apple tại VN còn rất lớn và hoàn toàn có thể có được kết quả tốt hơn trong tương lai.
Theo IDC, Apple đã trở thành nhà cung cấp ĐTTM bán chạy thứ 3 tại VN, chỉ sau Oppo và Samsung. VN cũng đã trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng của Apple khi tập đoàn này tìm cách đa dạng hóa việc lắp ráp sản phẩm của mình bên ngoài Trung Quốc. VN được cho là đang tham gia vào việc phát triển và sản xuất các sản phẩm MacBook, iPad và Apple Watch. Ông Bryan Ma, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thiết bị khách hàng của IDC, nhận định: VN quan trọng với Apple không chỉ vì lượng người hâm mộ ngày càng tăng, mà còn vì ngành công nghiệp đang ngăn ngừa rủi ro thông qua việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Trong đó bao gồm các địa điểm quan trọng như VN, nơi Samsung đã hiện diện từ lâu.
Dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn đang âm thầm đổ vào VN
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN, nhận định: Gần đây việc Mỹ cấm một số hoạt động của các hãng công nghệ Trung Quốc tại thị trường nước này như cấm TikTok trên các thiết bị chính phủ liên bang, hay một số hạn chế về lĩnh vực bán dẫn… càng khiến các tập đoàn công nghệ phải đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc. Từ đó, cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ nói chung hay sản xuất điện thoại nói riêng của VN vẫn khá cao. Hơn nữa, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà sản xuất, cung ứng thiết bị cho Apple tại VN thì số lượng điện thoại di động hay các thiết bị thông minh sản xuất tại VN sẽ ngày càng gia tăng. Khi số lượng sản xuất tăng cao sẽ kéo theo chuỗi cung ứng phát triển mở rộng. Cùng với đó là đội ngũ kỹ thuật, công nhân hay quản lý cấp cao và hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) cũng tăng tốc.
Ông Tân nhấn mạnh: Samsung đã dần dần tạo ra một chuỗi nhà cung ứng mới tại VN thì nay với sự có mặt nhiều hơn của các nhà cung cấp cho Apple, ngành sản xuất thiết bị thông minh nói riêng hay công nghiệp phụ trợ của VN sẽ phát triển hơn. Bởi không chỉ cung cấp cho riêng mỗi Apple mà các nhà cung ứng đó sẽ còn là một trong các đơn vị chuỗi cung ứng cho các tập đoàn khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, để VN có thể vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điện thoại di động hay thiết bị thông minh thì rất khó, bởi Trung Quốc vẫn đang là cường quốc số 1 về sản xuất trong lĩnh vực này. Đó là chưa kể Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Ngoài Samsung và Apple vốn dẫn đầu ở phân khúc thương hiệu cao cấp, các thương hiệu nội địa của Trung Quốc như Oppo, Huawei đã chiếm thị phần lớn ở phân khúc tầm trung, phổ thông ngay cả thị trường sở tại lẫn ở nhiều quốc gia. Đó là chưa kể Ấn Độ cũng là một "đối thủ" nặng ký với VN trong việc thu hút vốn FDI ở lĩnh vực công nghệ nói chung. "Rất khó để VN vươn lên soán ngôi đầu trong xuất khẩu điện thoại di động hay thiết bị thông minh, song vẫn có khả năng để rút ngắn khoảng cách với đơn vị dẫn đầu là Trung Quốc hiện nay", ông Tân nêu quan điểm.
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, nhận xét điện thoại không phải là sản phẩm quan trọng lắm và cũng sẽ đến lúc bão hòa bởi chỉ là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Người tiêu dùng có xu hướng không phải chi số tiền quá lớn để mua được chiếc điện thoại xịn, trong khi các nhãn hiệu ĐTTM giá rẻ của Trung Quốc như Xaomi, Oppo nổi lên và mở rộng thị trường rất nhanh. "Chiếc ĐTTM rồi cũng như sản phẩm ti vi thôi, không thể phát triển ồ ạt mãi được", ông nói và dự báo, trong tương lai gần, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại VN có thể giảm đà mở rộng sản xuất điện thoại và chuyển sang đầu tư sâu mảng nghiên cứu công nghệ mới theo xu hướng thời đại và nhìn thấy tiềm năng. Chẳng hạn với Samsung, bên cạnh các nhà máy sản xuất, tập đoàn cũng đã hoàn tất xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). VN đã trở thành cứ điểm sản xuất, nghiên cứu quan trọng của nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi này. Họ không cứ tiếp tục đầu tư mở rộng mà sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và đẩy mạnh mảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, robot, bán dẫn…
Trong nhà máy sản xuất thiết bị di động của Samsung
Với Apple, những chuyến đi gần đây của lãnh đạo cao cấp tập đoàn này cũng chưa có gì rõ ràng, nhưng các nhà cung cấp số 1 của nhà táo đã có nhà máy lớn tại VN. Đặt giả thiết, nếu Apple xây nhà máy tại VN, sẽ là "cú hích" lớn cho dòng vốn công nghệ, nhưng không nên quá kỳ vọng vào chiếc điện thoại, thay vào đó còn rất nhiều lĩnh vực liên quan công nghệ trong chuỗi bán dẫn, AI, tự động hóa, robot, cơ khí… "Vấn đề của VN vẫn là phát triển kỹ năng nguồn nhân lực công nghệ nói chung, trong đó nhân lực ngành bán dẫn với VN là chỉ mới nhen nhóm, chưa đáng kể. Nhưng nó là ngành quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế VN trong tương lai. FDI quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự tự chủ về nguồn lực mới thu hút được nguồn vốn sạch, bền vững", TS Phùng Đức Tùng chia sẻ.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định: VN vẫn đang được xem là một trong những điểm đến cho các nhà đặt hàng quốc tế. Các tập đoàn đã và đang "săn" các nhà cung cấp tại VN, nhất là trong chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị thương mại. Ông nhận xét, có một số doanh nghiệp (DN) trong nước đã tiếp cận được các cơ hội này, nhưng thực tế vẫn rất ít công ty đáp ứng được yêu cầu của đối tác ngoại do trình độ công nghệ, lực lượng lao động hay sự sẵn sàng của hệ sinh thái chưa đủ. Vì vậy, các tập đoàn ngoại vẫn phải tìm đến những nhà cung cấp từ Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc vốn đã theo chân họ vào VN trong thời gian qua.
"VN cần phải thay đổi chính sách hỗ trợ DN trong nước cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ để phát triển được hệ sinh thái đối với các công ty trong nước, gia tăng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới. Ngay cả chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cũng cần thay đổi. Chẳng hạn, các chính sách hỗ trợ cần gắn với tiêu chí cụ thể như DN trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất với DN nước ngoài như thế nào? DN trong nước không chỉ đầu tư vào máy móc thiết bị mà cần có đầu tư vào nguồn nhân lực, quản trị tổng thể DN… Các chính sách hỗ trợ phải đi thẳng vào mối liên kết giữa DN trong nước và nước ngoài. Từ đó mới có thể thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hay ứng dụng công nghệ nhanh hơn, để DN Việt có cơ hội thay đổi và từng bước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị. Nếu không có sự thay đổi từ DN và các chính sách hỗ trợ thì DN nội vẫn chỉ đứng ngoài chuỗi cung ứng toàn cầu, bỏ qua cơ hội vàng hiện nay", TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
https://thanhnien.vn/viet-nam-vuot-an-do-ve-xuat-khau-dien-thoai-thong-minh-1852405041956538.htm