Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc tại Mỹ, đồng thời có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước khác sang Việt Nam
Cụ thể, đã có điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, đạt 6 tỉ USD và tăng 4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc ra toàn thế giới đạt 66 tỉ USD (giảm 2%), riêng xuất sang Mỹ chỉ đạt khoảng 6 tỉ USD. Xuất khẩu của Bangladesh tháng 5-2024 suy giảm mạnh, tới 16%.
Chuyển đổi sản phẩm để tăng xuất khẩu
Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống. Cùng đó, các đơn vị đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường mới nhằm cân bằng, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống, nâng cấp để đảm bảo mức độ tự động hóa, nghiên cứu sản phẩm mới, nắm giữ công nghệ…
Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường chính vẫn chưa cải thiện, trong khi các nước cạnh tranh có thể phá giá tiền tệ 15 - 20%. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng. Cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.