## Ngày 30/5, Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, HOSE: VJC) có nghị quyết thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Đây là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Vietjet vừa có kỳ kinh doanh tích cực, doanh thu và lợi nhuận đồng loạt cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái.
Phía doanh nghiệp cho biết, mục đích phát hành đợt trái phiếu này là để bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh và chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay và các chi phí khác.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn là 60 tháng. Về lãi suất, 2 kỳ lãi đầu tiên sẽ được tính theo lãi suất cố định tối đa 12%/ năm, các kỳ lãi còn lại sẽ được tính bằng tổng biên độ tối đa 3,5% và lãi suất tham chiếu. Trong đó, lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi trả sau cá nhân bình quân 12 tháng được công bố bởi 4 ngân hàng: Vietcombank, HDBank, Vietinbank, BIDV.
Về kỳ hạn thanh toán gốc, lãi trái phiếu, nhà đầu tư sẽ được chi trả tiền gốc một lần vào thời điểm đáo hạn, còn tiền lãi sẽ được chi trả 6 tháng một lần vào ngày thanh toán lãi hoặc ngày đáo hạn. Trái phiếu phát hành được mua lại 12 tháng kể từ thời điểm phát hành hoặc thực hiện mua lại theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, tính tới thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet là 69.277 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm 75% tổng giá trị tài sản, đạt 54.128 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ trong 3 tháng đầu năm (nợ phải trả tính đến ngày 1/1/2023 là 53.139 tỷ đồng).
Về cơ cấu nợ phải trả, nợ ngắn hạn chiếm gần 30.000 tỷ đồng; nợ dài hạn chiếm hơn 24.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay đạt 18.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong thời gian tới, nếu các khoản vay của Vietjet chưa đến hạn tất toán, việc vay thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đẩy khối nợ vay của hãng bay này vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu, ĐHĐCĐ năm 2023 của Vietjet đã thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị phát hành 7.098 tỷ đồng (300 triệu USD), được phát hành thành một hoặc nhiều đợt. Thời điểm phát hành cụ thể sẽ được quyết định bởi HĐQT và phụ thuộc vào điều kiện thị trường và chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, tại cuộc họp thường niên 2022, ĐHĐCĐ đã chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế này. Tuy nhiên, dù HĐQT đã tiến hành triển khai các hạng mục công việc chi tiết để thực hiện các tài liệu chào bán, tiếp cận và trao đổi thông tin với các nhà đầu tư tiềm năng, song do các điều kiện thị trường chưa thuận lợi và chưa đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông, HĐQT đã tạm hoãn triển khai.
Chỉ số tài chính của Vietjet tại trong các quý gần đây.
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý I/2023, Vietjet ghi nhận doanh thu vận chuyển hàng không gần 12.880 tỷ đồng, tăng 286% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 12 quý gần đây. Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ khá nặng.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vietjet đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý I của Vietjet.
Vietjet cho biết, những kết quả trên đến từ việc hãng hàng không này đã xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế sau đại dịch. Theo đó, trong quý I/2023, Vietjet đã mở thêm 10 đường bay mới (4 đường bay nội địa, 6 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay lên 105 đường bay (55 đường bay nội địa, 50 đường bay quốc tế).
Ba tháng đầu năm 2023, hãng hàng không này đã khai thác 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng lần lượt 57% và 75% so với quý I/2022. Trong đó, doanh thu từ thị trường quốc tế đã cải thiện, chiếm 45% tổng thu từ vận tải hành khách.
Hiện tại, Vietjet đang chiếm 42% thị phần hàng không nội địa theo lượng tải ghế.