Sáng 10/5, tại Đồng Nai, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai.
Cùng tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo các Vụ và Văn phòng Ủy ban; đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).
Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cùng lãnh đạo các ban chuyên môn.
Về phía UBND tỉnh Đồng Nai, có đồng chí Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu của đoàn công tác đã kiến nghị với UBND tỉnh một số vấn đề như: tỉnh giới thiệu với Petrolimex về các địa điểm phù hợp xây dựng kho đầu nguồn và hướng tuyến ống cung cấp xăng dầu cho Cảng hàng không (sân bay) quốc tế Long Thành; khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành (T1, T2) để ACV thi công xây dựng; hỗ trợ công tác tuyển dụng nhân lực phục vụ hoạt động của Sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi đi vào hoạt động; hỗ trợ VEC trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; hỗ trợ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình kết cấu hạ tầng…
Đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu
Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn đã báo cáo và kiến nghị với tỉnh về các phương án hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) di dời các nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hoà 1, thuộc 4 đơn vị thành viên Tập đoàn. Theo đó, hiện nay tại Khu công nghiệp Biên Hòa I, tỉnh Đồng Nai có 07 Nhà máy/Xí nghiệp của một số đơn vị là Công ty thành viên của Vinachem đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa I được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thời gian thực hiện di dời các Nhà máy/Xí nghiệp hoàn thành trước tháng 12 năm 2025. Tuy nhiên, theo tính toán của các Đơn vị và Tư vấn lập Báo cáo NCKT và căn cứ vào quy định, trình tự thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu…, tiến độ và lộ trình di dời 06 Nhà máy như sau: Công ty HCCB dự kiến trước tháng 12 năm 2029. Công ty PINACO dự kiến trong năm 2028. Công ty CASUMINA và SOVIGAZ dự kiến trong năm 2028. Như vậy, việc di dời 06 Nhà máy/Xí nghiệp của 04 đơn vị nêu trên phải hoàn thành trước tháng 12 năm 2025 theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai là không khả thi đối với các đơn vị phải di dời thuộc Tập đoàn HCVN.
Các Nhà máy/Xí nghiệp của 04 Đơn vị trong Tập đoàn HCVN có quy mô lớn, sử dụng thiết bị, công nghệ của các nước phát triển trên thế giới và đang hoạt động ổn định, hiệu quả… Tổng nguyên giá tài sản cố định của 06 Nhà máy khoảng 1.391 tỷ đồng. Các đơn vị và tư vấn lập Báo cáo NCKT đã tính toán, xác định tổng chi phí để thực hiện di dời toàn bộ 06 Nhà máy/Xí nghiệp khoảng 3.020 tỷ đồng. Đồng thời tổng số lao động là 1.090 người có trình độ, tay nghề cao, đã làm việc lâu năm tại các Nhà máy và có cuộc sống ổn định tại thành phố Biên Hòa I, tỉnh Đồng Nai. Khi thực hiện các dự án di dời dẫn đến một số lao động sẽ nghỉ việc, tạm ngừng việc…. Các đơn vị đã tính toán, xác định chi phí hỗ trợ người lao động trong thời gian thực hiện di dời 06 Nhà máy với tổng số tiền khoảng 165 tỷ đồng.
Về thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất và giảm sút lợi nhuận đối với Vinachem và các đơn vị, tính từ sau năm 2025 đến năm 2051, thời gian thuê còn lại của 04 Đơn vị là 26 năm, thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất của 04 Đơn vị khoảng 29,36 triệu USD, tương đương khoảng 720 tỷ đồng. Các dự án di dời của 04 đơn vị có tổng mức đầu tư rất lớn, sau khi các dự án di dời hoàn thành đi vào hoạt động thì trong thời gian khá dài các dự án di dời không có hiệu quả kinh tế (dự án bị lỗ). Trong khi đó, hiện lợi nhuận bình quân hàng năm của 06 Nhà máy mang lại cho 04 Đơn vị khoảng 411 tỷ đồng. Do đó, so với việc tiếp tục được sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Biên Hòa I, giảm sút về lợi nhuận cho 04 Đơn vị khi phải thực hiện di dời tính đến năm 2051 dự kiến khoảng 10.668 tỷ đồng.
Về thủ tục hành chính, trong thời gian vừa qua, Công ty HCCB thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án di dời gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính của các cấp có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai như quy hoạch không thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, Công ty đã nhiều lần làm việc, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay vẫn chưa xác định được tọa độ, vị trí, diện tích đất quy hoạch giao thông. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Nhà máy tại Khu công nghiệp Nhơn trạch 6. Tháng 06 năm 2022, Công ty HCCB đã trình cấp có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của dự án nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Kiến nghị với tỉnh Đồng Nai, đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị ủng hộ chủ trương thực hiện Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa I và để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết các nội dung. Cụ thể:
- Đánh giá lại và điều chỉnh tiến độ, lộ trình di dời cho phù hợp với thực tế triển khai các dự án di dời của các Đơn vị.
- Tổ chức làm việc với các Đơn vị và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để thống nhất lộ trình và phương án đền bù hỗ trợ di dời cụ thể cho từng Đơn vị.
- Ban hành chính sách đền bù, bồi hoàn cho các Đơn vị di dời hợp lý, bao gồm: giá trị tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng đất còn lại và toàn bộ chi phí di dời… theo quy định của pháp luật.
- Có chính sách hỗ trợ, giải quyết chi phí cho người lao động trong thời gian thực hiện các dự án di dời, gồm: người lao động mất việc; người lao động ngừng việc; tuyển dụng, đào tạo lao động mới.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa về các thủ tục hành chính khi các Đơn vị thực hiện các dự án di dời trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của Công ty CP Hóa chất Cơ bản Miền Nam.
- Ban hành chính sách ưu đãi đầu tư (miễn, giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…) để hỗ trợ các dự án di dời khi các Đơn vị trong Tập đoàn HCVN thực hiện các dự án di dời trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Giới thiệu địa điểm và tạo điều kiện cho các Đơn vị (Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam và Công ty CP Hơi kỹ nghệ Que hàn) tiếp tục được thuê đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để thực hiện di dời các Nhà máy/Xí nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa I theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 111/TTg-CN ngày 28 tháng 01 năm 2021.
Đồng chí Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Về xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng khung chính sách bồi thường, dự kiến trình duyệt trong Quý II năm 2024; trong đó, sẽ quy định rõ về chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời nhà máy, hỗ trợ người lao động.
Về kho nhiên liệu hàng không và hệ thống tra nạp ngầm phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch Cảng Gò Dầu trở thành cảng đầu mối cung cấp nhiên liệu phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến ống đã quy hoạch hướng tuyến nằm trong hành lang Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Đường sắt cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đi dọc tuyến T1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang làm việc với Bộ Giao thông vận tải thống nhất giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn khi xây dựng và đưa tuyến ống vào vận hành.
Đối với tuyến đường kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng đạt 94,3%, phần diện tích còn lại sẽ vận động chi trả cho các hộ dân, trường hợp hộ dân không đồng thuận sẽ thực hiện việc cưỡng chế, đảm bảo bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2024. Về nguồn lao động cho hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đề án Đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, chỉ đạo 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh rà soát ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; làm việc cụ thể với 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để tổ chức đào tạo tại Đồng Nai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia đào tạo.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: Trong thời gian qua, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với VRG về việc bồi thường, hỗ trợ cây cao su khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành dành cho các doanh nghiệp và các đơn vị thành viên do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu trong những năm qua.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, trong những năm qua, khối doanh nghiệp nhà nước nói chung và những Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, với những đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao, đóng góp cho nguồn thu ngân sách của địa phương, giải quyết việc làm và bảo đảm công ăn việc làm, đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Về những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp tới UBND tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành liên quan, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ mong muốn UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại, để các đơn vị sớm ổn định cơ sở vật chất, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước khi diễn ra buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh cùng đoàn công tác đã tới thăm và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại Nhà máy Hóa chất Biên Hòa (chi nhánh của Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam), Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai (chi nhánh của Công ty cổ phần Pin Ắc Quy Miền Nam - PINACO) và Xí nghiệp Cao su Đồng Nai (chi nhánh của Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam – CASUMINA). 3 công ty kể trên là đơn vị thành viên của Vinachem.
Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thăm và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại Nhà máy Hóa chất Biên Hòa (chi nhánh của Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam)
Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thăm và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai (chi nhánh của Công ty cổ phần Pin Ắc Quy Miền Nam - PINACO)
Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thăm và nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại Xí nghiệp Cao su Đồng Nai (chi nhánh của Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam – CASUMINA)