Trong báo cáo chiến lược mới công bố, VnDirect khuyến nghị 5 mã cổ phiếu đáng đầu tư trong tháng 9 có kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng tốt.
DGW - CTCP Thế Giới Số
DGW đã xây dựng được thương hiệu phân phối mạnh các sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) với thị phần dẫn đầu về doanh thu tại Việt Nam. Công ty ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận ròng, đồng thời đã ký được hợp đồng phân phối nhiều sản phẩm của các thương hiệu tiềm năng như Apple (từ cuối năm 2020), Whirlpool và Joyong ở mảng hàng gia dụng, hàng tiêu dùng với ABInBev và thiết bị công nghiệp của Achison M&A. Đây sẽ là chất xúc tác tăng trưởng cho DGW trong giai đoạn tiêu thụ tiếp theo. Với cơ cấu chi phí cố định thấp, ổn định và không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc chiến giá cả, DGW đã có sự phục hồi rõ rệt về cả doanh thu và lợi nhuận ròng trong Q2/23 và sẽ tiếp tục tốt hơn trong nửa cuối 2023.
MWG - CTCP Thế Giới Di Động
Chúng tôi ưa thích MWG vì:
(1) Về dài hạn, MWG làm một trong các cổ phiếu có thể hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh của tiêu dùng bán lẻ Việt Nam với vị thế dẫn đầu về thị phần
(2) BHX (chuỗi cửa hàng bách hóa) của MWG đang cho thấy sự tăng trưởng ổn định để đạt điểm hòa vốn kỳ vọng vào cuối 2023 khi doanh thu/cửa hàng liên tục cải thiện và đã đạt mức 1,6 tỷ/cửa hàng/tháng vào T7/2023 vừa qua tái khẳng định lại thành công trong việc tái cấu trúc
(3) Kết quả của việc bán vốn tối đa 20% của BHX cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc tái định giá cho MWG
(4) mặc dù vẫn chịu tác động mạnh từ nhu cầu tiêu dùng suy giảm khiến lợi nhuận ròng của MWG giảm mạnh trong 6T23 nhưng kết quả kinh doanh của MWG tốt hơn về lợi nhuận so với các công ty cùng ngành, vì vậy chúng tôi tin rằng MWG có thể phục hồi mạnh mẽ trong chu kỳ tiêu dùng mới kể từ cuối năm 2023
(5) khi thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi sẽ cổ phiếu MWG thu hút dòng tiền mạnh nhờ vào việc tài sản ròng của Quỹ ETF VNDiamond tăng mạnh.
MBB - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội
Chúng tôi ưa thích MBB với triển vọng tăng trưởng trong dài hạn nhờ
(i) Hạn mức tăng trưởng tín dụng dồi dào (24%), cao hơn nhiều so với kế hoạch toàn ngành (14%), được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào, việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, và lợi thế ở các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như NLTT hay bán lẻ.
(ii) lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành giúp duy trì NIM ở trong nhóm tốt nhất thị trường.
(iii) hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bao gồm cho vay tiêu dùng, bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ), môi giới, chứng khoán và quản lý quỹ.
Trong Q2/23, MBB ghi nhận LNTT đạt ~6 nghìn tỷ đồng, tăng 4% svck và cao hơn sv mức tăng của toàn ngành (25 NH niêm yết lớn nhất) là -2.8%. Hiện MBB đang giao dịch ở quanh mức P/B 1,2 lần – thấp hơn nhiều sv mức trung bình 3 năm của NH là 1,5 lần và 0,9 lần cho năm 2023 (theo dự phóng của VNDIRECT). Chúng tôi kỳ vọng NH sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ ở mức ~15% cho 3 năm tới sau khi đạt mức tăng trưởng trung bình ấn tượng ~30% sau 3 năm qua.
VIB - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam
Chúng tôi ưa thích VIB nhờ tiềm năng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng của VIB được kì vọng đạt trên 10% trong nửa cuối năm nhờ:
(1) nhu cầu vay mua nhà được hỗ trợ bởi thông tư 10 (hoãn khoản 9 điều 8 của TT 06) và lãi suất cho vay ở mức thấp
(2) nhu cầu vay mua xe được hỗ trợ bởi chính sách giảm 50% thuế trước bạ.
Chúng tôi nhận thấy những nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản và bộ đệm dự phòng của VIB thông qua (1) tăng cường trích lập 860 tỷ đồng trong Q2/23 (+137% svck) và (2) tăng cường xử lí nợ xấu khoảng 650 tỷ đồng (+1.026% svck). Chúng tôi cho rằng lợi nhuận ròng của VIB sẽ đạt khoảng 9.300 tỷ đồng (+9,3% svck) trong 2023. Hiện tại, VIB đang giao dịch quanh mức P/B 1,5 lần, thấp hơn nhiều sv mức trung bình 3 năm của NH là 2,1 lần và 1,1 lần cho năm 2023 (theo dự phóng của VNDIRECT). Rủi ro giảm giá bao gồm NIM giảm mạnh hơn kì vọng nhằm kích thích cầu tín dụng.
KBC - Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc
Chúng tôi ưa thích KBC tới từ:
-
Sau KQKD đáng thất vọng trong năm 2022, KBC sẽ có bước nhảy vọt về lợi nhuận trong giai đoạn 2023-25 nhờ sự đóng góp từ 3 dự án KCN mới: Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu mở rộng và đặc biệt là Tràng Duệ 3, dự án có thể hoàn tất việc thủ tục pháp lý trong nửa cuối năm 2023.
-
Tràng Duệ 3 dần trở thành điểm nóng thu hút dòng vốn FDI tại Hải Phòng và có thể thúc đẩy thuê đất KCN từ những năm tới nhờ một số HĐ đáng chú ý có thể được ký kết như:
-
khoản đầu tư thêm 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất và xây dựng nhà máy V3 từ LG Innotek
-
Tập đoàn LG sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3 tỷ USD để mở rộng LG Display và LG Electronics.
-
Dòng tiền vững chắc cùng sức khỏe tài chính lành mạnh. Trong 6T23, KBC đã chi gần 3.900 tỷ đồng mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu, giúp cho tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm xuống chỉ còn 0,2 lần, tương đối lành mạnh khi so sánh với các công ty cùng ngành có vốn hóa tương tự.
-
KBC đang giao dịch ở mức P/E trượt 12T là 7,2 lần và P/B hiện tại là 1,3 lần, thấp hơn đáng kể so với các công ty cùng ngành, mở ra cơ hội để tích lũy một trong những nhà phát triển KCN có mức tăng trưởng LN tốt nhất.
Tiềm năng tăng giá 1) đảo ngược chính sách tiền tệ hỗ trợ thị trường BĐS, 2) KBC có thể tháo gỡ các thủ tục pháp lý để mở rộng thêm quỹ đất tại Hưng Yên, Long An, Hải Dương và Bắc Giang, và 3) việc chuyển nhượng tại Tràng Cát hoàn tất sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá: 1) doanh số bán hàng thấp hơn dự kiến, 2) triển khai dự án mới chậm hơn dự kiến
Nguồn: VnDirect