Vốn hóa vượt 8 tỷ USD, doanh nghiệp sàn UPCoM chỉ còn xếp sau Vietcombank và BIDV,

Vốn hóa chủ đầu tư cho siêu dự án sân bay Long Thành tăng gần 15.900 tỷ đồng sau một phiên, hiện chỉ xếp sau Vietcombank và BIDV trên bảng xếp hạng.

Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang là “điểm sáng” trên “sân khấu” chứng khoán khi liên tục tăng mạnh để quay về mức xấp xỉ đỉnh lịch sử, qua đó đưa giá trị vốn hóa vượt mặt nhiều công ty niêm yết quy mô lớn.

Đóng cửa ngày giao dịch 03/05, cổ phiếu ACV nối dài chuỗi tăng giá khi “bật nhảy” tới 7% lên vùng 94.400 đồng/cp, đây là vùng giá cáo hơn 49% sao với thời điểm đầu năm 2024 và ACV đang phát tín hiệu trở lại vùng đỉnh lịch sử giao động trong vùng 97.000 đồng/cp.

Bên cạnh động thái cổ phiếu tăng trưởng tích cực, thanh khoản ACV cũng đang “so kè” khi tăng trưởng từ mức mức trung bình năm chỉ hơn 140.000 cổ phiếu/phiên đã nhảy vọt 3 lần lên khoảng 400.000 cổ phiếu/phiên trong một tháng gần nhất.

Sự tăng giá cổ phiếu đã đẩy vốn hóa thị trường của ACV lên con số 205.500 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD). So với đầu năm, con số này đã tăng gấp đôi rưỡi, tương đương với khoảng 67.485 tỷ đồng, hoặc hơn 2,6 tỷ USD.

Vốn hóa ACV chỉ xếp sau VCB và BID sau ngày giao dịch 03/05

Với mức vốn hóa này, ACV trở thành một trong những doanh nghiệp được định giá cao nhất trên thị trường UPCoM và đứng thứ ba trên thị trường chứng khoán, chỉ sau Vietcombank (517.000 tỷ đồng) và BIDV (283.000 tỷ đồng). ACV đã vượt qua các tên tuổi như Viettel Global, Vinhomes, VietinBank, Hòa Phát, PV Gas, Vingroup…

ACV được thành lập vào năm 2012 thông qua việc hợp nhất các Tổng công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, công ty này đã chuyển đổi thành cổ phần hóa và bắt đầu hoạt động chính thức dưới hình thức CTCP từ ngày 1/4/2016, với vốn điều lệ là 21.771 tỷ đồng.

Vào ngày 21/11/2016, gần 2,18 tỷ cổ phiếu ACV đã chính thức được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu là 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với định giá ban đầu khoảng 54.400 tỷ đồng (tức là khoảng 2,3 tỷ USD).

Hiện nay, ACV là đơn vị duy nhất cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước và được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn quốc.

Ngoài ra, ACV còn sở hữu hai công ty con là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM), cùng với 10 công ty liên kết nổi bật như Sasco, SAGS SCSC…

Tổng công ty này cũng đang triển khai đầu tư của nhiều dự án với tổng giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong đó có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đà tăng giá cổ phiếu của ACV đang được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đến từ ngành hàng không và kỳ vọng vào việc hồi phục nhanh chóng của kết quả kinh doanh của công ty. ACV là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng không, vì vậy được kỳ vọng sẽ hồi phục sớm nhất trong ngành sau đại dịch.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu và lợi nhuận của ACV liên tục tăng trưởng qua từng năm. Tuy nhiên, như nhiều doanh nghiệp khác, ACV đã phải đối mặt với những thách thức lớn trong giai đoạn khó khăn từ 2020 đến 2021 do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, sau khi đại dịch được kiểm soát và nhu cầu đi lại bắt đầu phục hồi, ACV đã nhanh chóng bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Cụ thể, ACV vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.644 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường hàng không quốc tế phục hồi.

Chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng kỳ này do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. ACV vay nợ chủ yếu bằng yên Nhật. Trong quý 1/2024, đồng yên mất giá so với VND so với đầu năm trong khi quý I/2023 đồng yên lại mạnh hơn so với VND đầu 2023 là yếu tố giúp ACV chuyển từ lỗ sang có lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ.

Kết quả, ACV lãi sau thuế 2.921 tỷ đồng, tăng 79% so với quý 1/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 79% lên 2.917 tỷ. Đây là con số lợi nhuận quý cao kỷ lục của ACV.

Tại ngày 31/4/2024, quy mô tài sản cuối quý 1 của ACV ghi nhận 67.059 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 26.591 tỷ đồng, giảm hơn 2.100 tỷ so với đầu năm. Với khoản tiền gửi dồi dào giúp ACV mang về 346 tỷ lãi tiền gửi quý đầu năm, giảm 15% so với cùng kỳ trong bối cảnh lãi suất xuống thấp.

Nợ xấu tăng mạnh thêm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm, lên trên 7.500 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng.

“Khó” nhất là khoản nợ của Bamboo Airways hơn 2.184 tỷ đồng đã phải trích lập dự phòng 100%. Ngoài ra, còn khoản nợ 901 tỷ đồng của Pacific Airlines và gần 300 tỷ đồng của Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cũng phải trích lập dự phòng 100%.

Báo cáo cũng ghi nhận tổng tiền đổ vào dự án xây dựng cảng hàng không Long Thành đã hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 368 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền đổ vào dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất hơn 2.000 tỷ đồng.

Cuối quý 1, ACV vay nợ tổng cộng gần 10.244 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn, tài trợ bởi nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Như đã đề cập ở trên, biến động tỷ giá yen Nhật so với VND sẽ tác động nhiều tới khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá của ACV và cũng gây ra sự biến thiên lợi nhuận của đơn vị này.

Trong khi đó, do được vay bằng nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp nên chi phí lãi vay của ACV rất thấp, chưa tới 15 tỷ trong quý I.

Vốn chủ sở hữu của ACV tại ngày 31/3 là 53.010 tỷ, bao gồm 25.136 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 6.000 tỷ ở quỹ đầu tư phát triển.