Vốn ngoại chảy vào bất động sản tăng mạnh

Dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đạt 1,68 tỷ USD, tăng gần 73% với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần (tính đến ngày 20/4) đạt gần 9,27 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngoại rót vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng mạnh.

Gần 1,7 tỷ USD vốn FDI chảy vào bất động sản Việt Nam sau 4 tháng đầu năm.

Tiềm năng tăng trưởng tích cực

Cụ thể, vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất với 6,03 tỉ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,68 tỉ USD, chiếm 20,1%. So với vốn FDI của 4 tháng đầu năm 2023 chưa đến 1 tỉ USD, vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay đã tăng gần 73%.

Đáng chú ý, giải ngân vốn FDI tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.

Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỉ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%...

Qua đó, có thể thấy kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý đã khẳng định niềm tin vào môi trường đầu tư ổn định ở Việt Nam nói chung và ngành địa ốc nói riêng được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rằng, đây chính là địa điểm kinh doanh hấp dẫn với nhiều chính sách thuận lợi, tiềm năng tăng trưởng tích cực và phù hợp cho mục đích đầu tư lâu dài.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam vẫn là khu vực thu hút được nhiều nhà đầu tư bất động sản nước ngoài. Ảnh:VA

Theo bà Trang, hiện nay vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp ngoại tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

"Một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026. Bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực", bà Trang dự báo.

Thủ tục pháp lý vẫn là rào cản

Ở thời điểm hiện nay, thủ tục hành chính và pháp lý vẫn đang là rào cản lớn đối với dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam. Như ông Chu Chee Kwang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chia sẻ, quá trình mời gọi vốn đầu tư FDI vào bất động sản thường gặp phải những rào cản hành chính phức tạp, có khi lên đến hơn 10 năm để hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái quốc tế. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm tới yếu tố minh mạch tài chính, pháp lý của dự án để thực hiện rót vốn.

Đồng quan điểm, Savills Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số lượng về nguồn vốn hạn chế từ nhà đầu tư ngoại vẫn là do thủ tục hành chính. Đặc biệt là bước giải quyết các khoản phí sử dụng đất. Trong khi việc xử lý các khoản phí sử dụng đất và duyệt quy hoạch 1/500 được đánh giá là quan trọng đối với các dự án, hiện nay có rất ít dự án được hoàn thiện về mặt pháp lý. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm về tín dụng, bởi các ngân hàng gặp khó trong việc xác nhận giá trị tài sản thế chấp trước khi cấp vay.

Dưới vai trò là nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường Việt Nam lâu năm, ông Trần Thanh Hải - Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaLiving (trực thuộc VinaCapital) cho biết, năm qua doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư ngoại để mời gọi đầu tư vào thị trường Việt Nam nói chung và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, họ vẫn có rất nhiều quan ngại, nhất là sự chồng chéo về pháp lý. Bởi vậy, đa số các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong trạng thái quan sát và chờ đến khi thị trường có nhiều tín hiệu tích cực hơn.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần sớm đưa ra những giải pháp để thu hút nguồn lực FDI bằng cách sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt pháp lý, có thêm nhà đầu tư ngoại, rõ ràng sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản sớm thoát cơn “bĩ cực”.

Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những “nút thắt” về mặt pháp lý. Từ đó, có thể rút ngắn thời gian, thủ tục triển khai dự án và cải thiện nguồn cung cho thị trường.

VI ANH

https://diendandoanhnghiep.vn/von-ngoai-chay-vao-bat-dong-san-tang-manh-262669.html