Con số này tăng 4,8% so với cùng kỳ, giúp ngành bất động sản đứng thứ hai trong số các nhóm ngành hút nhiều vốn FDI.
Ảnh minh hoạ: Hải Quân.
Báo Chính phủ dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biêt, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh.
Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại tăng cao.
Năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính - ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần)…
Xét về đối tác, trong năm 2023 đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ.
Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đứng ở các vị trí tiếp theo.
Mức tăng so với nền thấp của năm ngoái
Nói về bức tranh FDI năm 2023, trao đổi với người viết, ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ Khu Công nghiệp, Avison Young Việt Nam nhìn nhận, vốn FDI đăng ký có tăng, nhưng đây là mức tăng so với nền thấp của năm ngoái. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng nhưng tốc độ giải ngân không đáng kể.
“Số liệu nói lên hai vấn đề lớn của bức tranh thu hút FDI năm nay. Thứ nhất, dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhu cầu thế giới giảm, cùng đó tồn tại một số vấn đề về ưu đãi thuế quan, con người và hạ tầng tại Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ về việc phản ứng chính sách với thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), Singapore, Malaysia và Indonesia đã ban hành thuế bổ sung tối thiểu nội địa để đảm bảo ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp FDI. Thái Lan cũng đang nghiên cứu chính sách tương tự.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế tính đến kỳ họp Quốc hội năm nay. Điều này góp phần làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Thứ hai, môi trường đầu tư còn cải thiện chậm, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập hoạt động tại Việt Nam khiến kéo dài thời gian và tăng chi phí, công sức của nhà đầu tư, khiến họ mất đi động lực”.
Dưới góc nhìn của vị chuyên gia, 2023 là một năm của những nỗ lực ngoại giao kinh tế ở cấp Chính phủ và kêu gọi đầu tư ở cấp tỉnh. Các sự kiện nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ, Nhật hay Trung Quốc kỳ vọng sẽ giúp BĐS công nghiệp đón làn sóng FDI lần thứ 4 trong 1 - 2 năm tới.
Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan bởi khó khăn kinh tế toàn cầu được dự báo còn kéo dài và một số điểm yếu về hút vốn ngoại của Việt Nam còn hiện hữu.