Vốn ứ tiền đọng mặc dù lãi suất giảm

Vốn ứ tiền đọng mặc dù lãi suất giảm - Kết bạn với mình để nhận các thông tin chứng khoán mới nhất ==========================

Không doanh nghiệp nào dại dột đi vay trong khi lãi suất cao, cũng không ngân hàng dám cho vay khi rủi ro tiềm ẩn là rất lớn.

Cả phía cung và cầu đều ngại khiến cho nhiều NH bị ứ đọng vốn chứ không phải là thanh khoản dồi dào khiến NH phải giảm lãi suất để cho vay.

Thanh khoản liên ngân hàng quá dư thừa và lãi suất giảm thấp kỷ lục trong tuần qua cho thấy nguồn vốn đang “ứ đọng” và đầu ra cho dòng tiền trở thành bài toán khó. Có thể do nhu cầu vay mượn của nền kinh tế suy giảm hay chính ngân hàng e ngại rủi ro từ nợ xấu, đầu tư, song nó đều là dấu hiệu của sụt giảm tăng trưởng vì tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế trong những năm qua.

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, họ muốn vay mới để đầu tư sản xuất nhưng do còn có những khoản nợ cũ chưa trả được nên ngân hàng không cho vay. Lãnh đạo một số ngân hàng thì cho rằng, lãi suất đã giảm, nhưng tâm lý doanh nghiệp còn chờ đợi sẽ giảm tiếp nên chưa muốn vay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho vốn trong hệ thống ngân hàng có trạng thái dư thừa. trong thời điểm hiện nay vấn đề làm doanh nghiệp lo lắng là tồn kho lớn, hàng hóa không bán được dẫn đến doanh nghiệp không tha thiết vay. nhiều doanh nghiệp đến các ngân hàng thương mại xin vay vốn nhưng đều bị từ chối vì khả năng trả nợ chưa cao, điều kiện cho vay vẫn như cũ, trong khi tài sản đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ nay không thể dùng để thế chấp tiếp.

Giải pháp nào cho điệp khúc " thừa tiền, thiếu vốn"

hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang vật lộn tìm đầu ra và hạn chế vay vốn ngân hàng. Với thực tế này, việc mở rộng tín dụng là vô cùng khó khăn. Do đó, để giải “bài toán” này, trước hết phải làm cho tổng cầu nhích lên, bởi lẽ, khi cầu nền kinh tế chưa có lối thoát, tồn kho xi măng, sắt thép tới 30% - 40% thì chẳng doanh nghiệp nào vay, mặc dù lãi suất có thể giảm thêm 1% - 2%/năm.

Đáng chú ý, theo nhiều chuyên gia, việc cấp bách hiện nay là phải giải quyết nợ xấu. Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế”.

Việc thành lập và bước đầu đi vào hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua bán nợ xấu được kỳ vọng sẽ giải quyết được hiệu quả thực trạng nợ xấu hiện nay bởi VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước. Về cơ chế xử lý nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. TCTD bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Thông qua việc mua và xử lý nợ xấu, VAMC cung cấp các giải pháp để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC như: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời… Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành. Như vậy, bài toán giải quyết nợ xấu đã có lời giải. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước, muốn tín dụng tăng thì hãy đi từ nguyên nhân gốc của vấn đề, đó là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thực. Vì thế, trước hết, cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp về công nghệ, quản trị, nhân lực và động lực kinh doanh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, muốn giải quyết được bài toán “thừa tiền, thiếu vốn”, không thể kỳ vọng trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trước hết doanh nghiệp phải quản trị được dòng tiền. Và để quản trị tốt dòng tiền, doanh nghiệp cần sử dụng vốn đảm bảo tính bền vững phát triển, không tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn mà làm giảm nguồn lực phát triển của doanh nghiệp.

1 Likes