Sau nhiều năm tập trung phát triển thị trường trong nước, VPBank lên kế hoạch “xuất ngoại” nhằm tận dụng mối quan hệ thắt chặt với đối tác chiến lược SMBC, từng bước khai thác nhóm khách hàng doanh nghiệp MNC (tập đoàn đa quốc gia) và FDI từ thị trường trong nước tới quốc tế, làm giàu hệ sinh thái VPBank.
Tầm nhìn xuyên biên giới
Với việc thông qua nghị quyết thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc các hình thức hiện diện thương mại khác tại nước ngoài trong ĐHĐCĐ 2023 tổ chức mới đây, VPBank không giấu giếm tham vọng mở rộng hiện diện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tiến quân sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn là các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI… tại thị trường khu vực và quốc tế.
Theo chia sẻ của lãnh đạo VPBank, ngân hàng này đang xem xét, đánh giá các cơ hội kinh doanh bên ngoài Việt Nam, cụ thể hơn là Nhật Bản, sau thời gian dài tập trung vào thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME.
Mối quan hệ gắn kết với cổ đông chiến lược SMBC (Nhật Bản) là một lợi thế trong kế hoạch vươn ra khu vực của VPBank, bên cạnh những thuận lợi sẵn có về tiềm lực vốn được tăng cường, năng lực quản trị được cải thiện, cùng những thành tựu bước đầu của Trung tâm Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDIC) – được xây dựng để phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI.
Theo đó, ngoài việc mang lại cho VPBank một tiềm lực vốn vững chắc sau thương vụ mua lại 15% cổ phần của VPBank, SMBC – được biết tới với năng lực thu xếp các khoản vốn hợp phần vượt trội, đã hỗ trợ ngân hàng này huy động thành công 400 triệu USD các khoản vay hợp vốn trung - dài hạn từ các định chế tài chính lớn, phục vụ đa dạng các nhu cầu vay vốn của nhiều phân khúc khách hàng.
Tính chung, các khoản vay quốc tế hậu thuẫn bởi ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản về tổng tài sản cho VPBank đã tăng lên gần 1,7 tỷ USD trong 3 năm vừa qua.
Về mặt quản trị, SMBC đã và đang hỗ trợ VPBank nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro và quản trị tuân thủ. Đây là những yếu tố mang tính chất nền tảng giúp VPBank nâng dần các chỉ số năng lực quản trị tiệm cận với thông lệ quốc tế, từ đó xây dựng một thương hiệu ngân hàng uy tín và chuyên nghiệp.
VPBank đang xem xét, đánh giá các cơ hội kinh doanh bên ngoài Việt Nam
Trong khi đó, nắm bắt được triển vọng kinh doanh từ làn sóng FDI đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam những năm gần đây, VPBank không muốn bỏ lỡ cơ hội khai thác phân khúc khách hàng này. Tuy nhiên, từ ý tưởng đi tới thực tế cần nhiều hơn yếu tố tài lực. VPBank cần tới phần nhân lực và vật lực phù hợp, hay nói cách khác là năng lực triển khai, kinh nghiệm thực hành trong hoạt động cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng doanh nghiệp lớn và siêu lớn, và cả một tệp khách hàng FDI sẵn có – và đối tác SMBC hoàn toàn có thể thỏa mãn các yêu cầu trên để hậu thuẫn VPBank trong trường hợp này.
“Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ của SMBC, VPBank sẽ tham gia được vào lĩnh vực mong muốn nhiều năm nay nhưng chưa có cơ hội làm được nhiều,” Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh với cổ đông tại ĐHĐCĐ 2023 khi nói về tầm quan trọng của SMBC trong mục tiêu đưa VPBank trở thành một ngân hàng đa năng, không chỉ mạnh về bán lẻ mà còn cả phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn.
Ngân hàng dành cho khách hàng FDI
VPBank đã không lãng phí thời gian khi đưa FDIC vào hoạt động gần như song song với thời điểm đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cổ phần cho SMBC trong năm ngoái. Đây được coi như mắt xích quan trọng còn lại trong hệ sinh thái của ngân hàng, bổ trợ cho các phân khúc còn lại và làm tiền đề để ngân hàng mở rộng hiện diện tại khu vực.
Theo VPBank, FDIC là phương tiện giúp VPBank đón bắt cơ hội, không chỉ từ các doanh nghiệp FDI hiện hữu tại thị trường Việt Nam, mà còn từ các khách hàng tiềm năng trong tương lai khi Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hứa hẹn của nhiều tập đoàn và nhà đầu tư lớn trên toàn cầu.
Lũy kế tính tới cuối tháng 3/2024, Việt Nam ghi nhận hơn 39,7 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 457,8 tỷ USD, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản đang đứng thứ 3 về tổng vốn đầu tư đạt gần 74,3 tỷ USD trong hơn 5.300 dự án, sau Hàn Quốc và Singapore. Trong 3 tháng đầu năm, quốc gia này có 43 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt xấp xỉ 520 triệu USD.
Để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, trung tâm chuyên trách về đầu tư nước ngoài của VPBank áp dụng hai chiến lược chính là tăng cường hợp tác với đối tác Nhật SMBC và phát triển hệ sinh thái.
Chiến lược thứ nhất vô cùng hợp lý khi nhìn dưới hai góc độ tăng trưởng nhanh danh mục khách hàng và tăng trưởng về chất lượng dịch vụ và các sản phẩm gia tăng giá trị. SMBC đã có sẵn nguồn khách hàng FDI dồi dào ở trong và ngoài nước, VPBank có thể tận dụng lợi thế này để mở rộng danh mục FDI một cách hiệu quả. Sự hợp tác này thực tế mang lại lợi ích cho cả hai bên, bởi nhiều khách hàng của SMBC cũng yêu cầu các dịch vụ do ngân hàng nội cung cấp. Nhờ vậy, cả SMBC và VPBank đều có thể mang lại trải nghiệm vượt trội hơn cho khách hàng.
Chiến lược hợp tác này đã giúp VPBank thu hút hơn 250 khách hàng doanh nghiệp FDI, tính tới cuối năm 2023.
Trong khi đó, chiến lược thứ hai trở thành yếu tố then chốt để VPBank cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị thiết thực cho khách hàng FDI. VPBank có nhiều lợi thế trong cung cấp dịch vụ ngân hàng, như có mạng lưới khách hàng hùng hậu trong nhiều phân khúc chiến lược, bao gồm bán lẻ và SME, cùng một hệ sinh thái các công ty con và các công ty đối tác trải dài từ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tới công nghệ.
Đây là yếu tố giúp kiến tạo thêm sức mạnh trong các hoạt động hợp tác xúc tiến kinh doanh với SMBC, bởi có thể giúp thu hút thêm nhiều khách hàng FDI và mang tới các dịch vụ trọn gói cho những khách hàng này.
https://www.anninhthudo.vn/vpbank-xuat-ngoai-tim-kiem-co-hoi-kinh-doanh-moi-post575800.antd